Áp lực học thêm thi vào lớp 10 đang dần tăng

Nguyễn Khanh
17:57 - 21/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Học sinh lớp 9 ở nhiều địa phương hiện nay đang khá vất vả phải học ngày, học đêm và phụ huynh cũng đang khá tốn kém cho con mình học thêm ở các trung tâm, hoặc ở nhà thầy cô giáo cho kỳ thi vào lớp 10.

Học sinh bơ phờ vì tăng tiết, học thêm thi vào lớp 10 - Ảnh 1.

Thí sinh nộp hồ sơ dự thi lớp 10. Ảnh: IT/image

"Khe cửa hẹp" cho học sinh có học lực trung bình

Học sinh phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 có 2 kỳ thi tập trung lớn nhất là thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Tuy nhiên, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông dễ thở hơn kỳ thi tuyển sinh 10 rất nhiều vì các em cứ đủ điểm là đậu tốt nghiệp. Tuyển sinh vào lớp 10 mang tính khốc liệt vì đa phần các địa phương lấy theo chỉ tiêu nên số lượng thí sinh rớt rất lớn.

Nhiều địa phương như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chỉ lấy trên 60% thí sinh tham dự kỳ thi, các tỉnh, thành còn lại cũng chỉ dao động ở mức 70-75% nên tính cạnh tranh cao. Những khu vực đô thị, vùng có điều kiện thì những thí sinh đậu vào lớp 10 công lập phải là những em có học lực ở trường từ loại Khá trở lên, những học sinh Trung bình rất khó lọt qua khe cửa hẹp để đậu lớp 10 công lập.

Nhiều học sinh bơ phờ vì học tăng tiết, học thêm ở nhà thầy cô

Theo kế hoạch tuyển sinh 10 cho năm học 2023-2024 mà một số tỉnh, thành đã công bố đến thời điểm hiện nay chỉ có tỉnh Đồng Tháp là thực hiện thi tuyển đối với 2 trường Trung học phổ thông chuyên, 41 trường Trung học phổ thông không chuyên còn lại thực hiện phương thức xét tuyển. Những tỉnh, thành khác đa phần thực hiện phương thức thi tuyển để tuyển đầu vào cho các trường Trung học phổ thông công lập.

Hình thức thi tuyển vào lớp 10 sẽ là phương án công bằng nhất nhưng cũng tạo ra một áp lực rất lớn cho các nhà trường và thí sinh. Các tỉnh thi vào tháng 6 nên các trường Trung học cơ sở đều phải thực hiện tăng tiết đối với học sinh lớp 9 ở học kỳ II, có trường đã tăng tiết ở học kỳ I nhằm kết thúc chương trình sớm để học sinh có thời gian ôn tập tuyển sinh 10 được tốt nhất.

Việc học sinh phải học tăng tiết vào trái buổi khiến cho nhiều em đuối sức bởi vì buổi sáng học sinh lớp 9 phải học 5 tiết, buổi chiều thêm 3-4 tiết nữa nên thời gian nghỉ ngơi buổi trưa của học sinh gần như không có. Nhiều em còn không về nhà sau khi tan học buổi sáng mà ở lại học buổi chiều luôn.

Ở trường đã vậy, buổi tối học sinh ở những vùng có điều kiện, những nơi mà các trường có tính cạnh tranh cao còn phải đi học thêm ít nhất là 1 ca nữa, có em học thêm đến 2 ca buổi tối. Ngày Chủ nhật là ngày nghỉ học ở trường nên các thầy cô dạy thêm cũng thường bố trí lịch học thêm vào ngày này. Vì thế, vòng xoáy học tập của học sinh được diễn ra liên tục, xuyên suốt các ngày trong tuần, trong tháng.

Càng những em học giỏi thì việc học hành càng nặng nề hơn vì nhiều em có ý định thi vào các trường chuyên hoặc các trường điểm nên tỉ lệ chọi thường rất lớn. Bên cạnh việc học thêm các môn thi thì việc học chính khóa trên lớp hơn 10 môn học và tăng tiết nữa nên số lượng bài tập, số lượng bài phải chuẩn bị trước theo phân công của thầy cô giáo thường rất lớn.

Chính vì áp lực học tập chính khóa, học thêm đã khiến cho một bộ phận học sinh luôn luôn trong tình trạng thiếu ngủ. Một số em học sinh thể hiện trạng thái mỏi mệt, bơ phờ và nhiều khi tranh thủ giờ ra chơi hay chuyển tiết là gục xuống bàn ngủ lúc nào không hay. Những giáo viên dạy lớp 9, nhất là dạy trái buổi đã quen với chuyện học sinh ngủ gục trong lớp học. Tình trạng này kéo dài nhiều tháng trời - trước khi kỳ thi tuyển sinh 10.

Bên cạnh việc học tập căng thẳng của học sinh thì cũng đồng nghĩa với việc phụ huynh phải đầu tư một khoản tiền lớn để cho con em mình học thêm hàng tháng. Mỗi tháng học thêm 3 môn ít nhất cũng phải mất thêm 1 triệu đồng - nếu học thêm đại trà. Nếu muốn học theo nhóm hay học một mình thì số tiền đầu tư của phụ huynh còn lớn hơn rất nhiều.

Ngoài ra, một số phụ huynh còn phải đưa đón con em mình vào các buổi tối học thêm ở các trung tâm hoặc ở nhà thầy cô giáo vì tâm lý nhiều phụ huynh sợ con đi về trong đêm tối sẽ nguy hiểm. Vì thế, không chỉ học sinh vất vả mà ngay cả phụ huynh cũng vất vả và tốn kém rất nhiều tiền bạc.

Tâm lý của bất kỳ phụ huynh nào - nhất là những phụ huynh ở khu vực đô thị đều mong muốn con em mình cố gắng để đậu vào lớp 10 với hy vọng sau này các em đỡ vất vả khi bước vào đời. Ở cái tuổi 15 nếu không đậu lớp 10 đi học nghề lại quá sớm mà học ở các trường ngoài công lập thì không phải phụ huynh nào cũng đủ khả năng để theo đuổi vì học phí thường cao hơn nhiều lần so với trường công lập. Học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên lại lo hơn vì những học sinh không đủ khả năng thi vào lớp 10 mới vào đây để học.

Vì thế, các phụ huynh chỉ biết động viên con mình cố gắng, làm được gì cho con thì họ đều làm nhằm dành tất cả những gì có thể để con mình được học tập trong một điều kiện tốt nhất.

Giảm áp lực thi cử cho học sinh có được không?

Thực ra, kỳ thi tuyển sinh 10 hiện nay dù thi 2 môn, 3 môn hay 4 môn thì kết quả sau cùng cũng chỉ là tuyển ra một số lượng chỉ tiêu đã được Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) phê duyệt từ tháng 2, tháng 3 hàng năm.

Điều này có nghĩa, thi 4 môn cũng chỉ lấy chừng ấy thí sinh mà thi 2 môn hay 3 môn cũng lấy chừng đó mà thôi. Số lượng tuyển đầu vào của các trường Trung học phổ thông không hề thay đổi. Phương thức tuyển sinh là sẽ lấy điểm từ trên cao xuống đến chỉ tiêu cuối cùng. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều địa phương hiện nay chỉ thi 2 môn: Toán, Văn là cố định, môn thứ 3 là Ngoại ngữ hoặc bài tổ hợp. Hà Nội vừa qua còn lấy ý kiến phụ huynh về môn thi thứ tư để ra quyết định cuối cùng.

Việc thi 3 môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ; Toán, Văn, Ngoại ngữ, môn thứ tư; hoặc Toán, Văn, bài tổ hợp… của nhiều địa phương cho thấy bức tranh tuyển sinh 10 khá đa dạng về hình thức.

Thế nhưng, thay vì thêm môn tổ hợp (bài thi nhiều môn) thì chỉ cần thi 1 môn học cụ thể và cho học sinh biết sớm sẽ giúp cho áp lực học tập của học sinh lớp 9 nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Nhiều địa phương thường viện lý do cho học sinh biết muộn môn thứ 3 và bài thi tổ hợp gồm những môn nào để tránh tình trạng học sinh học lệch nhưng xem chừng không hẳn là thế.

Bởi vì biết muộn môn thi nên học sinh phải học thêm nhiều môn mà theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì giai đoạn giáo dục cơ bản cho học sinh phổ thông từ lớp 1 đến lớp 9. Khi bước vào lớp 10 sẽ là giai đoạn giáo dục nghề nghiệp. Hơn nữa, hiện nay lên lớp 10 bắt buộc học sinh phải lựa chọn tổ hợp và chuyên đề để học tập bên cạnh các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc nên cũng không nên quá sợ học sinh học lệch ở thời điểm cuối lớp 9.

Kỳ thi tuyển sinh 10 là kỳ thi chuyển cấp để học sinh sang giai đoạn giáo dục nghề nghiệp vì thế, việc học lệch theo sở thích của học sinh cũng là một điều bình thường. Chúng ta không nên đòi hỏi học sinh cái gì cũng biết, cái gì cũng giỏi bởi mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã định hướng rất rõ ràng về việc này.

Vì thế, giảm áp lực cho học sinh lớp 9 bằng cách công bố sớm các môn thi và chỉ nên tối đa 3 môn độc lập là phù hợp nhất. Việc thi môn thứ tư hay bài thi tổ hợp không thực sự cần thiết với kỳ thi tuyển sinh 10 bởi nó sẽ gây ra áp lực cho học trò và tốn kém cho phụ huynh mà thôi.