Lành mạnh hoá việc dạy thêm - học thêm được chăng?
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Việc này xem như làm lành mạnh hoá việc dạy thêm - học thêm vốn nhiều tranh cãi về tính hiệu quả. Để hoạt động dạy thêm trở nên lành mạnh, cần giải pháp nào?
Sẽ sửa đổi Thông tư về dạy thêm - học thêm?
Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi hoặc thay thế Thông tư 17/2012/TT-BGD&ĐT ban hành quy định về dạy thêm - học thêm.
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngày 16/5/2012, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 17/TT- BGD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm.
Sau khi Luật sửa đổi Luật Đầu tư đưa hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Một số điều quy định về điều kiện và cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm (Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14) tại Thông tư số 17/TT- BGD&ĐT không còn hiệu lực.
Tuy nhiên, các quy định khác của Thông tư số 17/TT- BGD&ĐT vẫn có hiệu lực thi hành, như quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm, học thêm, trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Sau khi được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm (sửa Thông tư số 17/TT- BGD&ĐT) nhằm bảo đảm phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.
Cần tìm ra nguyên nhân gốc rễ của dạy thêm - học thêm
Năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã 2 lần gửi văn bản kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội thông qua. Mục đích là để tăng cường công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.
Thế nhưng, đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo không được chấp nhận và kỳ họp Quốc hội cuối năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhận được nhiều chất vấn của cử tri về vấn đề dạy thêm, học thêm.
Trong văn bản trả lời cử tri về vấn đề dạy thêm, học thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải: Luật Đầu tư 2016 đã loại bỏ dịch vụ tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện… Điều này gây khó khăn cho việc quản lý dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.
Từ năm 2000 đến nay, ngành giáo dục đã ban hành nhiều quy định về việc chống dạy thêm, học thêm nhưng thực tế việc này vẫn đang diễn ra phức tạp, khiến dư luận xã hội bức xúc, kể cả người trong cuộc là giáo viên.
Vậy nên, để hoạt động dạy thêm, học thêm trở nên lành mạnh, cần những giải pháp mang tính cốt lõi từ chính ngành giáo dục. Trong đó, việc dự kiến đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện được nhiều người đồng tình ủng hộ.
Bàn về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Thạc sĩ Đinh Đức Hiền – chuyên gia giáo dục cho biết ông hoàn toàn ủng hộ vấn đề này. Tuy nhiên, theo ông, cái gốc của vấn đề dạy thêm, học thêm lại nằm ở nội dung dạy và học, đặc biệt là kiểm tra, đánh giá, thi cử.
Thạc sĩ Đinh Đức Hiền chia sẻ thêm: "Áp lực chuyển cấp là đương nhiên, do nguồn cung hạn chế, chất lượng chưa được đồng đều, dân số đông, trường càng "hot" thì tỉ lệ chọi càng cao. Nhu cầu ôn thi đương nhiên cấp thiết, học thêm là không thể tránh. Nhưng áp lực thì cũng do học sinh, phụ huynh tự phát sinh tâm lý cho mình và muốn kết quả thế nào thôi. Tôi không mong, cũng không muốn giảm áp lực thi cử. Bởi với học sinh, không có áp lực thì không thành tài được đâu. Nhưng tôi mong muốn áp lực đúng người, đúng thời điểm. Áp lực phải tạo ra động lực".
Đồng quan điểm này, trên một diễn đàn giáo dục, một giáo viên bày tỏ ý kiến: "Gốc rễ của vấn đề dạy thêm là chương trình học quá nặng, rườm rà. Giáo viên thì không muốn hoặc không thể truyền đạt hết kiến thức theo giáo trình trong thời gian học quy định. Các bậc cha mẹ cũng muốn biến con mình thành "siêu nhân" nên học cả ngày ở trường chưa đủ còn bắt học thêm cả buổi tối."
Ý kiến khác nêu minh chứng về chương trình học quá nặng: "Quý phụ huynh đã bao giờ nhìn thấy đề tuyển sinh vào lớp 10 chuyên chưa? Nếu chỉ học trong sách giáo khoa thì 100% không qua nổi 3 điểm. Chương trình của mình còn nặng về lí thuyết hàn lâm, ít tư duy. Chừng nào chưa đổi mới cách dạy, đặc biệt là cách ra đề thi thì không giải quyết tận gốc vấn nạn dạy thêm."
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến chia sẻ rằng, đáng lẽ nghề giáo phải là nghề được ưu ái và được trả lương tương xứng với công sức mà giáo viên bỏ ra. Đằng này đồng lương giáo viên hiện quá thấp, nếu không dạy thêm thì họ làm sao có thể trang trải cuộc sống. Thầy cô không phải lo chuyện cơm, áo, gạo, tiền thì cũng chẳng mấy ai tham gia dạy thêm đâu".
Bắt đầu từ giảm tải thi cử sẽ dẫn tới giảm dạy thêm - học thêm
Vậy nên, để giảm thiểu tình trạng dạy thêm- học thêm tràn lan như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần giảm tải chương trình. Đổi mới thi cử mạnh mẽ để dạy thêm - học thêm biến mất một cách tự nhiên khi xã hội không còn nhu cầu. Còn hợp thức hóa dạy thêm sẽ khiến đổi mới giáo dục trở nên luẩn quẩn, rất dễ sa vào thương mại hoá.
"Tại sao không giảm tải thi cử mà lại chấp nhận cho tồn tại dạy thêm - học thêm? Có dạy thêm, học thêm là có 'trù úm' học sinh không đi học, là có sự phân biệt. Các môn khác tôi không rõ chứ nhiều giáo viên môn Toán cấp 2 tại Hà Nội thu nhập không dưới 100 triệu/tháng từ dạy thêm. Giáo viên dạy thêm có thu nhập tốt như thế thì tâm trí, tâm huyết đâu dành cho dạy chính khóa với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng?", một ý kiến nêu thực trạng dạy thêm hiện nay và có ý kiến đề xuất.
Mặt khác, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện vấp phải sự lo ngại của một số nhà giáo.
Chính các nhà giáo cho rằng, việc dạy thêm - học thêm nở rộ sẽ khiến sự nghiệp giáo dục bị "thương mại hoá", hiệu quả chưa thấy đâu có khi mang đến tác dụng ngược. "Đề xuất này trên thực tế là hợp thức hóa việc dạy thêm. Điều này sẽ làm cho việc dạy thêm - học thêm mặc sức bung ra, các gia đình ngày càng bị đè nặng tâm lí phải cho con học thêm. Nó sẽ đẩy sức ép tinh thần và vật chất lên học sinh và gia đình" - một số ý kiến tỏ ra lo ngại, và nói như vậy không phải là không có lý.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google