Hợp thức hóa dạy thêm: Bài 2 - Bác sĩ được phép mở phòng khám, giáo viên cũng có quyền dạy thêm
Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân cho rằng, một số ngành nghề như luật, y tế, xây dựng có thể mở văn phòng luật, phòng khám, công ty xây dựng thì giáo viên cũng có quyền được dạy thêm theo nhu cầu của xã hội.
Trong tuyến bài bàn về hợp thức hoá dạy thêm, Tạp chí Công dân và Khuyến học đã khảo sát ý kiến các học sinh về việc học thêm. Đa số học sinh cho rằng bản thân mong muốn được hiểu bài học, nắm sâu kiến thức nhưng lại không mong muốn học thêm choán hết thời gian, áp lực, không còn thời gian phát triển toàn diện và đôi khi mất cả thời học sinh vào... học thêm.
Chúng tôi tiếp tục lấy ý kiến lãnh đạo các trường phổ thông về vấn đề này!
Học thêm, dạy thêm là nhu cầu chính đáng
Chia sẻ với Tạp chí Công dân và Khuyến học, ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (Thành phố Hồ Chí Minh) hoàn toàn ủng hộ đề xuất đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Theo ông Huỳnh Thanh Phú, nhu cầu học thêm, dạy thêm là có thật và tồn tại từ thế kỷ 19 đến nay.
Đây cũng là nhu cầu chính đáng của cả người học lẫn người dạy. Suy rộng ra, học thêm, dạy thêm còn là nhu cầu của xã hội, xuất phát từ sự ham học hỏi, mong muốn trau dồi kỹ năng và cải thiện thành tích học tập của học sinh.
Ông Huỳnh Thanh Phú cho biết, hiện nay, công tác tuyển dụng trong ngành sư phạm đã không còn xét đến nơi cư trú nên hầu hết sinh viên mới ra trường đều đổ về các thành phố lớn để tìm việc.
Dù được vào biên chế hay dạy tư thục, đa số giáo viên vẫn phải thuê trọ và cần chi trả nhiều khoản như: tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền ăn, tiền xăng xe...
"Gánh nặng mưu sinh đè lên đồng lương ít ỏi, nếu không làm thêm thì cũng khó tồn tại được với nghề", vị hiệu trưởng này trăn trở.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân cho rằng, các ngành nghề khác như luật, y tế, xây dựng có thể mở văn phòng luật, phòng khám, công ty xây dựng thì giáo viên cũng có quyền được dạy thêm theo nhu cầu của xã hội.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Thanh Phú nhấn mạnh, hoạt động dạy thêm phải được quản lý chặt chẽ và có các biện pháp, chế tài, thậm chí áp dụng hình thức kỷ luật bằng luật pháp nếu xảy ra sai phạm.
Ông Huỳnh Thanh Phú bàn luận: "Bác sĩ làm tổn thương khách hàng thì phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật sư nếu uy hiếp khách hàng, cố tình làm lộ thông tin khách hàng vẫn chịu sự trừng trị của pháp luật. Các công trình xây dựng nếu có sự cố gãy, sập thì hàng tá người bị đi tù.
Vậy, giáo viên dạy thêm vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm lộ đề thi, ép buộc, dọa nạt hoặc có những hành vi sai trái với người học cũng phải bị truy cứu trách nhiệm từ dân sự đến hình sự".
Hợp thức hóa dạy thêm có nhiều lợi ích
Góp ý thêm về ý kiến đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ông Huỳnh Thanh Phú đề xuất nên cho giáo viên dạy thêm ngoài giờ tại trường học vì có rất nhiều mặt lợi, trong đó phải kể đến cơ sở vật chất và môi trường dạy học tốt.
Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà trường trực tiếp quản lý chuyên môn và thu chi, nhà trường và giáo viên thực hiện đầy đủ chức năng đóng thuế, có trách nhiệm cải tạo, bảo dưỡng cơ sơ vật chất.
Do không phải gánh tiền thuê mặt bằng nên giáo viên sẽ có mức giá dạy thêm phù hợp, phụ huynh cũng bớt được một phần học phí. Không những vậy, nhà trường còn có phúc lợi để cải tạo hoạt động giáo dục cho thầy cô.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân cũng nhấn mạnh, giáo viên đứng lớp dạy thêm phải là người có đạo đức, chuyên môn và kỹ năng truyền đạt tốt.
"Dạy thêm là một hình thức trau dồi chuyên môn cho cả người học và người dạy. Sẽ rất tệ hại nếu thầy cô thiếu đầu tư chuyên môn, lo bán hàng online, chạy xe ôm công nghệ, trông giữ trẻ, nhận gia công đồ ở nhà... Lại càng đau lòng hơn nếu học sinh dùng thời gian rảnh để la cà quán xá, tụ tập và lao vào tệ nạn xã hội.
Thay vào đó, học sinh dành thời gian học thêm để tăng kiến thức, có môi trường sinh hoạt an lành. Phụ huynh có nhiều thời gian hơn để tập trung làm việc. Như vậy sẽ tiện cả đôi đường", ông Huỳnh Thanh Phú nói.
Công khai các cơ sở dạy thêm để người dân cùng giám sát
Cũng trao đổi về đề xuất này của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Tiến Thạch - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập (Hà Tĩnh) nhận định, dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng bởi trong lớp sẽ có học sinh tiếp thu tốt nhưng cũng có em học lực yếu, kém, cần bổ sung kiến thức để theo kịp chương trình.
Hiện, hoạt động dạy thêm, học thêm trong Trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh. Theo đó, học sinh không học thêm quá 3 buổi/tuần.
"Trước tiên, chúng tôi tiến hành khảo sát nhu cầu học thêm của học sinh trên tinh thần tự nguyện. Những em có nhu cầu bồi dưỡng kiến thức, nhà trường tập hợp lại, sau đó phân lớp và phân công giáo viên có năng lực, chuyên môn tốt để phụ đạo cho các em.
Trong các lớp này, giáo viên cũng phải phân học sinh theo các nhóm để có kế hoạch dạy phù hợp vì có nhóm chỉ cần bổ trợ, nắm vững kiến thức cơ bản, nhưng có nhóm lại cần ôn kiến thức nâng cao để thi đại học, cao đẳng", vị hiệu trưởng này chia sẻ.
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập, khi hoạt động dạy thêm, học thêm được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện nghĩa là hoạt động này đã trở thành dịch vụ kinh doanh. Tuy nhiên, hoạt động dạy thêm trong trường và ngoài nhà trường là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau.
Do đó, ông Nguyễn Tiến Thạch đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định, hướng dẫn cụ thể về việc quản lý dạy thêm, học thêm trong trường học và ngoài trường học, đi kèm với quy định về nghĩa vụ đóng thuế.
Ông Nguyễn Tiến Thạch cho rằng, việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nên tổ chức ở các trung tâm được cấp giấy phép hoạt động, đảm bảo yêu cầu giảng dạy, chất lượng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn sư phạm, đủ điều kiện cơ sở vật chất và được quản lý chặt chẽ bởi chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.
Ngoài ra, cần công khai các cơ sở được cấp phép dạy thêm, học thêm trên cổng thông tin điện tử của Sở Giáo dục và Đào tạo để các địa bàn và người dân, đặc biệt là phụ huynh học sinh cùng giám sát.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google