Hợp thức hóa dạy thêm: Bài 6 - Quy định về dạy thêm nên gắn với thực tế để việc thực thi đạt hiệu quả

Thiên Ân
12:00 - 18/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết. Tuy nhiên, các quy định pháp luật về hoạt động này cần phù hợp với thực tế cuộc sống để việc thực thi đạt hiệu quả.

Lời tòa soạn: Dạy thêm, học thêm vốn là hoạt động giáo dục hiển nhiên đáp ứng nhu cầu người học nhưng hoạt động này hiện ngày càng nảy sinh nhiều biểu hiện tiêu cực. Để quản lý chặt chẽ, sát sao hơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tuyến bài hợp thức hóa dạy thêm đã bàn luận nhiều khía cạnh xoay quanh vấn đề dạy thêm, học thêm và nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Từ góc nhìn luật pháp, chúng tôi tiếp tục lấy ý kiến luật sư về đề xuất trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4 trường hợp không được dạy thêm

Trao đổi với Tạp chí Công dân và Khuyến học, Luật sư Lê Thị Ngọc - Công ty Luật hợp danh The Light, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, hoạt động dạy thêm, học thêm từ trước đến nay không bị cấm hoàn toàn. Ngành giáo dục chỉ cấm dạy thêm đối với một số trường hợp, điều đó được thể hiện rất rõ trong Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.

Thông tư này quy định hai loại hình dạy thêm, học thêm được phép hoạt động gồm dạy thêm, học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường.

Cụ thể, dạy thêm, học thêm trong nhà trường là dạy thêm, học thêm do cơ sở giáo dục công lập gồm: cơ sở giáo dục phổ thông; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học tổ chức. Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là dạy thêm, học thêm không do các cơ sở giáo dục nằm trong danh sách kể trên tổ chức.

Hợp thức hóa dạy thêm: Bài 6 - Quy định về dạy thêm nên gắn với thực tế để việc thực thi đạt hiệu quả - Ảnh 3.

Luật sư Lê Thị Ngọc - Công ty Luật hợp danh The Light, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Ảnh: NVCC

4 trường hợp không được dạy thêm đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, cụ thể:

Trường hợp thứ nhất, không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Trường hợp thứ hai, không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Trường hợp thứ ba, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

Trường hợp thứ tư, đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập: Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Dạy "chui" vẫn có đất sống nếu luật không phù hợp với thực tiễn

Luật sư Lê Thị Ngọc cho rằng, mặc dù đã có quy định về dạy thêm, học thêm nhưng trong thực tế, biến tướng của hoạt động này rất nhiều như dạy "chui", ép học sinh học thêm...

Vì vậy, đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện phần nào sẽ gỡ rối cho việc quản lý dạy thêm, học thêm hiện nay.

Theo nữ luật sư, những đơn vị, tổ chức dạy thêm có quy mô lớn, cần thiết quản lý chặt chẽ thông qua các điều kiện kinh doanh thì nên đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Còn đối với các cá nhân, giáo viên mở lớp dạy thêm với sĩ số vừa phải, thu học phí ở mức trung bình thì việc đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện có thể khó quản lý hiệu quả về mặt thực tiễn. Khi điều kiện kinh doanh khó khăn sẽ phát sinh nhiều điểm dạy thêm, học thêm "chui". Do đó, các quy định về mặt luật pháp phải được điều chỉnh phù hợp với thực tế cuộc sống để việc thực thi đạt hiệu quả.

Hợp thức hóa dạy thêm: Bài 6 - Quy định về dạy thêm nên gắn với thực tế để việc thực thi đạt hiệu quả - Ảnh 4.

Quản lý dạy thêm, học thêm hiện vẫn còn nhiều lúng túng. Ảnh: Getty

Tăng cường giám sát, công khai các đơn vị dạy thêm được cấp phép

Luật sư Lê Thị Ngọc cho biết, sự khác nhau giữa một ngành nghề trong danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện và không trong danh mục này là điều kiện gia nhập thị trường.

Theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2020, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Hay nói cách khác, ngành nghề kinh doanh có điều kiện được hiểu là khi chủ thể kinh doanh các ngành nghề này cần phải đáp ứng một số điều kiện nhất định mới được phép kinh doanh hay cung cấp dịch vụ, hàng hóa ra thị trường như điều kiện về vốn, cơ sở vật chất, nhân sự, chứng chỉ hành nghề, bằng cấp, kinh nghiệm…

Theo nữ luật sư, hiện nay, Bộ giáo dục và Đào tạo chỉ mới đề xuất đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên chưa thể đánh giá được các điều kiện cho việc dạy thêm, học thêm.

Tuy nhiên, căn cứ vào các loại hình cơ sở hoạt động giáo dục liên quan có điều kiện như trung tâm ngoại ngữ, tin học; trung tâm tư vấn du học; hoạt động giáo dục kỹ năng sống; hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, hay các cơ sở giáo dục khác tương tự thì điều kiện tiên quyết để có thể dạy thêm, học thêm đó là đảm bảo về đội ngũ giáo viên, bằng cấp chuyên môn, cơ sở vật chất, chương trình dạy học…

Các điều kiện này đều mang tính chất nghiệp vụ nên dạy thêm, học thêm khi đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các cơ quan có thẩm quyền cấp phép cần phải nắm rõ và quản lý chặt chẽ. Đồng thời, phải công khai các đơn vị dạy thêm được cấp phép để phụ huynh, học sinh nắm được và tăng cường sự giám sát của người dân cùng với cơ quan cấp phép.

Bên cạnh những thay đổi về mặt quản lý, Luật sư Lê Thị Ngọc cũng cho rằng, vấn đề dạy thêm, học thêm cần được giải quyết từ gốc rễ với những việc cần làm ngay đó là đổi mới phương pháp dạy học, giảm tải chương trình và đổi mới cách kiểm tra, đánh giá.

Năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cắt giảm một số ngành, nghề khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong đó có dạy thêm và học thêm nhằm xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà luật này không cấm.

Từ đó đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã 2 lần gửi văn bản kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội thông qua. Mục đích là để tăng cường công tác quản lý hoạt động này.

Hầu hết các chuyên gia trao đổi với Tạp chí Công dân và Khuyến học đều ủng hộ việc dạy thêm, học thêm với điều kiện được quản lý chặt chẽ từ cấp Bộ đến nhà trường, bên cạnh sự giám sát của phụ huynh và xã hội. Bởi xét cho cùng, quản lý hay không, dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra, là nhu cầu chính đáng của học sinh, phụ huynh trong nền kinh tế tri thức hiện nay.

Đề xuất đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện được chấp thuận hay không sẽ có lời đáp trong thời gian tới. Tạp chí Công dân và Khuyến học sẽ còn quay trở lại luận bàn thêm về vấn đề này.