"Ép" học sinh học thêm, uy tín thầy cô sẽ bị giảm sút
Việc giáo viên ra đề kiểm tra khó để "ép" học sinh đi học thêm (như các phụ huynh nghi vấn, phản ánh) là không đúng quy định, kéo theo uy tín thầy cô cũng bị giảm sút.
Ra đề kiểm tra khó, ép học sinh học thêm?
Anh Phan Anh có con đang học lớp 10 một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trường con anh theo học lấy điểm chuẩn tuyển sinh 9 vào 10 năm học 2022-2023 là 21,0 điểm (không nhân hệ số). Kì kiểm tra giữa học kì 1 năm học này, con anh cho biết, trong lớp có nhiều bạn bị dưới điểm trung bình các môn Toán, Tiếng Anh, Vật lí… vì đề khó.
Anh Đoàn Minh Quang có con đang học lớp 10 ở trường này chia sẻ, điểm Toán con anh chỉ được 4,5 điểm, còn Tiếng Anh đạt 5.0 điểm. Trong khi đó, con anh thi tuyển sinh môn Toán đạt 7.5 điểm và Tiếng Anh 8 điểm. "Tôi không tin con nghĩ con mình lại học sút nhanh như thế. Có thể do nhà trường ra đề kiểm tra quá khó, học sinh không làm bài được", anh Quang băn khoăn.
Nửa tin nửa ngờ, anh Phan Anh đem đề kiểm tra các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh hỏi một số giáo viên trường khác trên địa bàn thành phố thì các thầy cô đều khẳng định đúng là đề khá khó so với trình độ học sinh lớ 10. Con anh còn cho biết thêm, sau kì kiểm tra giữa học kì, nhiều bạn xin được học thêm tại nhà giáo viên bộ môn.
"Các bạn tham gia học thêm nói rằng, thầy cô dạy kĩ và dạy chậm lắm. Còn ở trên lớp, thầy cô dạy nhanh, nhiều bạn không tiếp thu được. Mỗi khi thầy cô gọi học sinh lên bảng làm bài, bạn nào làm sai là sẽ bị trừ điểm hoặc cho điểm kém nên ai cũng sợ", con anh Phan Anh nói.
Từ vấn đề phụ huynh học sinh nghi vấn, phải chăng giáo viên cố tình ra đề khó để "ép" học sinh học thêm? Bởi, đề thi tuyển sinh của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có sự phân hóa cao nhưng học sinh vẫn đạt ít nhất 7 điễm mỗi môn mới trúng tuyển thì không có lí do gì đề kiểm tra trên lớp các em lại làm kém như thế.
"Ép" học sinh học thêm là sai quy định
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở lớp 10 từ năm học 2022-2023. Dẫu biết rằng học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới còn gặp những khó khăn nhất định, vì các em đã quen học kiểu cũ ở các lớp dưới. Thế nhưng, việc giáo viên ra đề kiểm tra khó để "ép" học sinh đi học thêm (như các phụ huynh nghi vấn) là không đúng quy định dạy và học, kéo theo uy tín thầy cô cũng bị giảm sút.
Học sinh lớp 10 thường chọn môn học, tổ hợp môn theo các khối thi đại học truyền thống. Ví dụ, học sinh có ý định thi khối A sẽ chọn môn Vật lí, Hóa học. Còn em nào thi khối C thì chọn môn Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Đa số các trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh (và các tỉnh thành khác) đều tổ chức dạy học 2 buổi. Buổi sáng học sinh học theo phân phối chương trình, còn buổi chiều các em được học tăng tiết. Được biết, học sinh đều học tăng tiết các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để phục vụ cho kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Cùng với đó, các môn học lựa chọn như Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí đều được tăng tiết, thường là 2 tiết một tuần, ít nhất cũng 1 tiết một tuần. Thầy cô hoàn toàn có thể lấy tiết học này để phụ đạo học sinh yếu, bỗi dưỡng cho những em khá giỏi, không phải dạy thêm ở ngoài phạm vi nhà trường.
Thầy cô cần hướng dẫn học sinh biết cách tự học, học nhóm hay học online (trực tuyến) thay vì các em phải học thêm sau giờ học chính khóa. Thay vì ép học sinh học thêm, giáo viên cần khuyến khích các em tham gia các câu lạc bộ thể thao, năng khiếu… mới hợp tình hợp lí.
Để chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm, ngành giáo dục cần minh bạch đề kiểm tra, đề thi để giảm tiêu cực. Cùng với đó, cần tổ chức các kì kiểm tra, kì thi phù hợp với chương trình và sức học của học sinh. Ngoài ra, cần có chế tài với những giáo viên dạy thêm trái phép thì mới đủ sức răn đe.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google