Trải nghiệm dã ngoại: Phải đặt an toàn của học sinh lên trên hết

Quang Minh
09:00 - 08/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường đối với cơ sở giáo dục có đủ điều kiện nhưng cần bảo đảm mục tiêu giáo dục, an toàn cho học sinh.

Đa dạng các hình thức sinh hoạt trải nghiệm

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại văn bản số 3535/BGDĐT-GDTH ban hành ngày 19/8/2019, hoạt động trải nghiệm được thực hiện từ năm học 2020-2021 trên cả nước, thời lượng 105 tiết/năm học. Nội dung này được thực hiện thông qua 4 loại hình hoạt động chủ yếu gồm: Sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề, hoạt động câu lạc bộ. 

Ở cấp học phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có quy định cụ thể với các trường nhằm tăng cường quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trong đó có hoạt động tham quan. 

Từ lâu, trong số hoạt động trải nghiệm, những chuyến tham quan, dã ngoại đã trở thành một phần không thể thiếu và khá hấp dẫn trong số các nội dung ngoại khóa giảng dạy tại các trường học. Từ cấp tiểu học, tới trung học phổ thông, các em học sinh và cả các bậc phụ huynh đều rất thích và ủng hộ các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm. Đây không chỉ là "một ngày học đặc biệt", mà mỗi hoạt động trải nghiệm, đều là cơ hội cho các bạn học sinh trở nên gắn bó, hiểu và gần gũi nhau hơn thông qua hoạt động trải nghiệm tại trường học. 

Có thể thấy, nhiều phụ huynh và học sinh đều cho rằng, các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường mang lại nhiều kiến thức thực tế. Bên cạnh đó, học sinh còn được tham quan những di tích lịch sử, làng nghề, tìm hiểu về các vị anh hùng dân tộc và hiểu hơn về lịch sử của đất nước. Điều quan trọng hơn cả mà nhiều học sinh đều thích thú, đó là qua mỗi chuyến đi, các em hiểu thêm về bạn bè, học được nhiều kỹ năng trong giao tiếp, hợp tác và làm việc nhóm.

Thực tế, hầu hết các trường học tại các thành phố theo hướng dẫn giảng dạy và quy định của cơ quan chủ quản đều thực hiện đúng quy trình quy định, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, đồng thuận của cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai ở một vài nơi vẫn xảy ra rủi ro vì nhiều nguy cơ phát sinh.

Đặt sự an toàn của học sinh lên trên hết

Những câu chuyện đáng tiếc trong công tác triển khai, những tai nạn hiếm hoi có thể xảy ra, song nếu để hoạt động này đã đi vào nền nếp, được tổ chức một cách bài bản, đặt sự an toàn của các em học sinh lên trên hết sẽ mang lại nhiều ích lợi vượt trội trong công tác đào tạo, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục học sinh, nhất là trong việc hình thành các kỹ năng bên cạnh kiến thức "khô cứng" mỗi ngày khi học trong sách giáo khoa.

Nhìn lại một số vụ việc đáng tiếc đã xảy ra trong thời gian gần đây, có nhiều nguyên nhân khiến học sinh bị tai nạn thương tích như: học sinh hiếu động, không tuân thủ quy định chung hay sự phối hợp trong quản lý, giám sát học sinh, giám sát quy trình chưa chặt chẽ... Vụ việc mới đây của Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân) khiến hàng chục học sinh nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm là một ví dụ... Như vậy, công tác bảo đảm an toàn cho học sinh trong các hoạt động ngoài nhà trường rất cần có sự chung tay, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình.

Hoạt động trải nghiệm: Phải đặt an toàn của học sinh lên trên hết - Ảnh 2.

Trẻ em luôn hiếu động, thày cô và ban phụ huynh chắc chắn phải hoạt động "hết công suất" trong khi tổ chức các hoạt động dã ngoại. Ảnh: PH.

Thực tế, điều đáng tiếc xảy ra là điều không ai mong muốn. Khi được hỏi những "người trong cuộc" sau sự việc, nhiều thầy cô giáo đều có những khó khăn riêng khi phải quản lý một tập thể đông các em học sinh vốn rất "hiếu động" trong khi đi trải nghiệm. 

Về phía mỗi nhà trường, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, phần đông các trường luôn có trách nhiệm và nghĩa vụ phải thực hiện đúng quy định cho học sinh đi trải nghiệm ngoài nhà trường. Có trường quy định số lượng tối đa 2 lần/năm học. Với hàng ngàn học sinh, để có thể quản lý được tốt nhất, lực lượng giáo viên, phụ huynh phải cùng phối hợp với nhau. Nhiều thày cô giáo chủ nhiệm cũng chủ động phối hợp với ban phụ huynh để tổ chức được những buổi hoạt động trải nghiệm ý nghĩa, an toàn trong sự kiểm soát của đủ người lớn đối với các em học sinh ở các cấp học nhỏ từ lớp 1, 2, 3  thậm chí tới các lớp 6,7 của cấp trung học cơ sở. 

Việc lựa chọn và kết hợp với những nhà thầu đủ năng lực, uy tín để tổ chức hoạt động tham quan, dã ngoại cho các em học sinh đang là yếu tố cần được đặt ưu tiên. Đặc biệt, đơn vị cung cấp dịch vụ phải có đủ hồ sơ pháp lý và năng lực, trong đó tìm hiểu kỹ về địa điểm, quy trình tổ chức, các trò chơi mà học sinh sẽ tham gia phù hợp với độ tuổi, nhận thức của các em... Những địa điểm quá xa, không phù hợp hoặc những trò chơi thiếu an toàn cho học sinh sẽ không được đưa vào chương trình. Bên cạnh đó, sau mỗi lần đưa học sinh đi trải nghiệm, các trường học đều có công tác khảo sát, lắng nghe phản hồi từ các phụ huynh, giáo viên để điều chỉnh, góp ý thẳng thắn với đơn vị phối hợp tổ chức.

Đồng tình với hiệu quả của các hoạt động ngoại khóa, giúp học sinh có thêm nhiều trải nghiệm học tập ở ngoài không gian lớp học, nhiều bậc phụ huynh cho rằng, để đảm bảo an toàn cho học sinh, trường cần xây dựng quy trình tổ chức chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn cho các con từ khi các con lên xe tới khi trở về trường; đồng thời trước đó phải công khai thông tin đầy đủ, có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh. 

Phụ huynh cũng giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trước những hoạt động trải nghiệm dã ngoại, cần dặn dò con mình trước mỗi chuyến đi, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của con trong các hoạt động tập thể, giúp con nhận thức rõ về trách nhiệm của bản thân, biết phối hợp, giúp đỡ các thầy cô giáo và bạn bè vui chơi trong môi trường an toàn, văn minh. 

Một số ý kiến cho rằng, các trường không nên chọn các địa điểm phải đưa học sinh đi quá xa để có thể bảo đảm được việc kiểm soát an toàn, phù hợp với sức khỏe và thời gian trải nghiệm ngoại khóa của các em. Việc xây dựng kế hoạch giáo dục ngoài giờ chính khóa của trường cần bảo đảm hiệu quả giáo dục, có sự đồng thuận của phụ huynh và an toàn tuyệt đối cho học sinh. Hiệu trưởng hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Giám đốc Sở, tập thể nhà trường và cha mẹ học sinh về việc triển khai hoạt động.