Hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Hà My
11:47 - 31/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Hoạt động trải nghiệm không nhất thiết chỉ là tham quan du lịch mà được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như trò chơi, hội thi, diễn đàn, giao lưu, tham quan du lịch, sân khấu hóa, thể dục thể thao, câu lạc bộ,… Mỗi một hình thức hoạt động đều có những khả năng giáo dục nhất định.

Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 được ban hành kèm Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ( sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 13/2022/TT-BGDĐT) của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12. Vì thế, đây là hoạt động giáo dục bắt buộc nên 100% học sinh được tham gia.

Hoạt động trải nghiệm thường được tổ chức trong và ngoài nhà trường. Có nhiều hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm như trò chơi, hội thi, diễn đàn, giao lưu, tham quan du lịch, sân khấu hóa, thể dục thể thao, câu lạc bộ,…

Hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường nhiều nguy cơ tiềm ẩn - Ảnh 2.

Hoạt động trải nghiệm ngoài trời dưới hình thức tham quan du lịch được nhiều nhà trường lựa chọn. Ảnh: Chang Duong

Tuy nhiên, nhiều trường học hiện nay vẫn thích lựa chọn hình thức tham quan du lịch. Đây là hình thức  có thể giúp các em có được sự trải nghiệm tốt, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro khó lường.

Mới trong vài năm trở lại đây, khá nhiều câu chuyện buồn xảy ra cho gia đình học sinh khi một số nhà trường tổ chức việc tham quan du lịch được gọi dưới cái tên là hoạt động trải nghiệm.

Điển hình như, Trường Trung học phổ thông Đông Anh đưa 896 học sinh lớp 10 và 11 đi hoạt động trải nghiệm tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ), 3 học sinh đã gặp nạn.

Một học sinh lớp 4 Trường tiểu học Âu Dương Lân (Thành phố Hồ Chí Minh) tử vong ở Khu du lịch Đại Nam; học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (Sóc Trăng) tử vong khi đi trải nghiệm ở Đà Lạt...

Và gần đây nhất, chuyến dã ngoại của học sinh Trường Tiểu học Kim Giang (Hà Nội) ngày 29/3 vừa qua, đã có ít nhất 73 học sinh bị nôn ói, đau bụng nghi bị ngộ độc thực phẩm.

Vì sao Hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường nhiều nguy cơ tiềm ẩn?

Ông Nguyễn Như Hoan, huấn luyện viên cấp 1 trung ương về công tác Đội, Tổ trưởng tổ kỹ năng xã hội, Trường Lê Duẩn (Hà Nội), người từng tham gia tổ chức nhiều buổi hoạt động trải nghiệm cho học sinh đã chia sẻ trên truyền thông, để xảy ra những vụ việc đáng tiếc là có phần trách nhiệm quản lý lỏng lẻo của cả phía nhà trường lẫn nhân viên công ty du lịch phối hợp.

Cả nhà trường và phía công ty du lịch chưa trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước khi đi. Thậm chí công ty du lịch cũng không có những người chuyên làm về giáo dục nên thiếu hụt nhiều kỹ năng.

Tuy nhiên trong thực tế, trước khi học sinh tham gia một chuyến tham quan du lịch, các trừờng học vẫn luôn tổ chức không ít buổi gặp gỡ để phổ biến đến học sinh những nội quy, nề nếp khi tham gia hoạt động sao cho an toàn.

Nhà trường cũng phân công, cắt cử giáo viên tham gia ở mỗi lớp. Mỗi giáo viên, cán bộ công nhân viên tham gia hỗ trợ dã ngoại cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt nội quy mà nhà trường đề ra.

Trên đường đi cũng như đến nơi và chuẩn bị cho các hoạt động, giáo viên cũng liên tục phổ biến lại nội quy, dặn dò, nhắc nhở học sinh. Các thầy cô giáo cũng luôn bám sát học sinh mọi lúc, mọi nơi.

Thế nhưng, học sinh thì đông, giáo viên phụ trách cũng không đủ người. Mỗi lớp vài chục em nhưng cũng chỉ có khoảng 2 đến 3 giáo viên theo cùng.

Bên cạnh đó, học sinh nhỏ thì hiếu động, nghịch ngợm, học sinh lớn có em cũng không nghe lời dù thầy cô nhắc nhở thường xuyên, liên tục nhưng nhiều em lại quên ngay lời nhắc nhở, dặn dò và luôn thực hiện theo ý của mình. Một số em năng động, thích khám phá nên hay làm theo ý riêng.

Cứ so trong những chuyến du lịch tại mỗi gia đình, cha mẹ đôi khi trông giữ 2 đến 3 đứa con còn thấy mệt huống gì mỗi chuyến đi dã ngoại một giáo viên phải chăm nom đến vài chục học sinh. Thế nên, nguy cơ mất an toàn trong những chuyến dã ngoại tại trường học vẫn luôn tiềm ẩn.

Làm thế nào để đảm bảo hoạt động trải nghiệm mà vẫn an toàn cho học sinh?

Như đã đề cập, hoạt động trải nghiệm không nhất thiết chỉ là tham quan du lịch mà được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như trò chơi, hội thi, diễn đàn, giao lưu, tham quan du lịch, sân khấu hóa, thể dục thể thao, câu lạc bộ,…

Phạm vi tổ chức của hoạt động trải nghiệm cũng khá phong phú. Có thể tổ chức tại nhiều địa điểm khác nhau ở trong hoặc ngoài nhà trường như: lớp học, phòng đa năng, sân trường, hoặc ở viện bảo tàng, các di tích lịch sử và văn hóa, các danh lam thắng cảnh, cơ sở sản xuất,… hoặc ở các địa điểm khác bên ngoài trường học có liên quan đến chủ đề hoạt động.

Vì thế, nhà trường cần cân nhắc để chọn một hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm đảm bảo được những yếu tố như vừa phù hợp vừa mang tính an toàn cao lại hiệu quả trong giáo dục.