Ép học sinh đi du lịch trải nghiệm để lấy điểm ngoại khóa là trái quy định

Ly Hương
16:05 - 29/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sự thật về việc giáo viên phản ánh trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Bứa, Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh cùng với đơn vị liên kết tổ chức cho học sinh đi dã ngoại và ép học sinh phải đi, còn nhận tiền hoa hồng 10 ngàn đồng/học sinh.

Ép học sinh đi tham quan trải nghiệm 

Ép học sinh đi du lịch trải nghiệm để lấy điểm ngoại khoá là trái quy định - Ảnh 1.

Tin nhắn sốc từ hiệu trưởng cho các giáo viên có nội dung ép học sinh đi tham quan dã ngoại.

Một số giáo viên phản ánh rằng, hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Bứa, Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh nhắn tin đến toàn thể giáo viên chủ nhiệm về việc vận động phụ huynh cho con tham gia chương trình ngoại khóa.

Tin nhắn có nội dung như sau: "Đây là logo dán trên xe và băng rôn toàn đoàn để chụp hình. Nói là không bắt buộc để phụ huynh họ khỏi phàn nàn và làm phiền, rồi thưa kiện không hay. Nhưng đây không phải là chuyến tham quan bình thường mà là một buổi học ngoại khóa của môn giáo dục địa phương.

Giáo viên chủ nhiệm bằng mọi giá phải cho lớp tham gia đầy đủ (trừ những phụ huynh nào họ kiếm chuyện thì thôi). Bên du lịch họ sẽ mời một xe là 2 giáo viên cùng đi và gởi lại cho giáo viên chủ nhiệm là 10.000 đồng/học sinh. Lớp nào sĩ số đi ít quá thầy (hiệu trưởng) sẽ xem xét đánh giá đối với giáo viên chủ nhiệm trong quý 2".

Những giáo viên phản ánh nói rằng, thông tin từ tin nhắn của hiệu trưởng khiến họ cảm thấy sốc vì nhiệm vụ phải làm áp lực để "ép" học sinh tham gia chuyến đi đầy đủ. Nếu có nhiều học sinh không tham gia, họ bị hạ thi đua, ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập tăng thêm quý 2/2023.

Đây là kế hoạch của Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Bứa đã có kế hoạch tổ chức chương trình ngoại khóa tới Bảo tàng Hồ Chí Minh - Bến Nhà Rồng và Công viên nước Đầm Sen dành cho học sinh lớp 6 và lớp 7 vào ngày 2/4 tới đây.

Mỗi học sinh đóng 400.000 đồng cho chuyến đi bắt đầu từ 6 giờ đến 16 giờ bao gồm các chi phí: chi phí xe đón, tham quan 2 địa điểm và ăn trưa. Theo chương trình, học sinh được tham gia các trò chơi tại công viên nước với nhiều công trình độc đáo như: Hồ tạo sóng, dòng sông lười, hồ bơi, ống trượt xoắn với độ cao 40m…

Ngày 28/3, trả lời truyền thông, ông Nguyễn Văn Rộn - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, tin nhắn trên được ông gửi tới nội bộ giáo viên. Theo ông Rộn, chuyến tham quan học tập này nằm trong chương trình giáo dục địa phương của khối lớp 7.

Tuy mang tên là tham quan nhưng thực chất hoạt động này kết hợp học tập. Học sinh sau đó làm bài thu hoạch để lấy điểm môn Giáo dục địa phương lớp 7. Em nào không tham gia sẽ phải làm bài kiểm tra bổ sung.

Lý giải về khoản tiền nhận lại từ công ty du lịch, vị hiệu trưởng nói: "Đây là tấm lòng của bên công ty thôi. Tất nhiên, người ta kinh doanh phải có lợi nhuận. Người ta biết giáo viên chủ nhiệm hỗ trợ cho hoạt động này rất vất vả nên thay vì hưởng hết tiền lợi nhuận đó thì ở đây chia sẻ lại cho giáo viên, giống như một khoản bồi dưỡng thôi. Đây là chuyện từ phía công ty du lịch, kể cả họ không gửi lại cũng không sao".

Có thể thấy các công ty du lịch đang chi phối mời gọi và trực tiếp chi phối hoạt động học tập ngoại khoá của các trường học. Không phải ngẫu nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh đã mạnh tay chấn chỉnh hoạt động này. 

Quy định đánh giá học sinh qua hoạt động dã ngoại thế nào?

Ngày 20/7/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông. Theo đó, Điều 6 quy định đánh giá thường xuyên như sau:

1. Đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua: hỏi-đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập.

2. Đối với một môn học, mỗi học sinh được kiểm tra, đánh giá nhiều lần, trong đó chọn một số lần kiểm tra, đánh giá phù hợp với tiến trình dạy học theo kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn, ghi kết quả đánh giá vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học) để sử dụng trong việc đánh giá kết quả học tập môn học theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này, như sau:

a) Đối với môn học đánh giá bằng nhận xét (không bao gồm cụm chuyên đề học tập): mỗi học kì chọn 02 (hai) lần.

b) Đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số (không bao gồm cụm chuyên đề học tập), chọn số điểm đánh giá thường xuyên (sau đây viết tắt là ĐĐGtx) trong mỗi học kì như sau: Môn học có 35 tiết/năm học: 02 điểm đánh giá thường xuyên. Môn học có trên 35 tiết/năm học đến 70 tiết/năm học: 03 điểm đánh giá thường xuyên. Môn học có trên 70 tiết/năm học: 04 điểm đánh giá thường xuyên.

3. Đối với cụm chuyên đề học tập của môn học ở cấp trung học phổ thông, mỗi học sinh được kiểm tra, đánh giá theo từng chuyên đề học tập, trong đó chọn kết quả của 01 (một) lần kiểm tra, đánh giá làm kết quả đánh giá của cụm chuyên đề học tập.

Kết quả đánh giá của cụm chuyên đề học tập của môn học được tính là kết quả của 01 (một) lần đánh giá thường xuyên của môn học đó và ghi vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học) để sử dụng trong việc đánh giá kết quả học tập môn học theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này.

Như vậy, theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, không có điều nào quy định nhà trường tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm, ngoại khóa để làm bài thu hoạch lấy điểm môn Giáo dục địa phương cả.

Theo quan điểm của một số giáo viên, nhà trường nên tách bạch chuyện đi dã ngoại và trải nghiệm (ngoại khóa) bởi chuyện gì ra chuyện đó, học ra học, chơi ra chơi, tránh làm khổ học sinh, phụ huynh học sinh và giáo viên hỗ trợ.

Bình luận của bạn

Bình luận