Lý do Thành phố Hồ Chí Minh chấn chỉnh hoạt động trải nghiệm học sinh

Ly Hương
13:55 - 21/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chấn chỉnh hoạt động trải nghiệm là kịp thời, cần thiết. Nhiều nhà trường phổ thông lợi dụng hoạt động giáo dục ngoài nhà trường để đưa học trò đi du lịch.

Kịp thời chấn chỉnh hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa có Công văn 1179/SGDĐT-CTTT gửi thủ trưởng các đơn vị trực thuộc về việc thực hiện rà soát chấn chỉnh hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trải nghiệm, hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Văn bản có một số nội dung đáng chú ý như sau: Căn cứ tình hình thực tế tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trải nghiệm, hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp tại các cơ sở giáo dục hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị thủ trưởng các đơn vị rà soát, chấn chỉnh các hoạt động giáo dục này.

Đối với hoạt động ngoài giờ chính khóa phải đảm bảo tính thiết thực, gắn với những mục tiêu, nội dung giáo dục cụ thể, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông. Cần chú trọng công tác an toàn, hiệu quả trong quá trình tổ chức, hạn chế tổ chức toàn trường, nhiều khối hoặc quá đông học sinh trong cùng một thời điểm.

Đối với các hoạt động giáo dục thuộc chương trình, kế hoạch giáo dục do các cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt, trong đó đối với khối mầm non cần thực hiện theo văn bản số 5340 ngày 30/12/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện nội dung hoạt động giáo dục trải nghiệm ngoài nhà trường đối với cơ sở giáo dục mầm non.

Với với khối tiểu học, thực hiện theo văn bản số 3446 về hướng dẫn thực hiện nội dung hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong quá trình tổ chức, cần đảm bảo an toàn cho học sinh tham gia và không tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh ra khỏi Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với bậc trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường đổi mới nội dung chủ đề phù hợp với xã hội như nghề tương lai trong cách mạng 4.0, giao tiếp mạng xã hội, văn hóa giao thông, văn hóa gia đình; tổ chức cho học sinh trải nghiệm, thực hành các nhóm nghề, việc làm thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm tại cộng đồng...

Trải nghiệm trá hình và nguy cơ mất an toàn

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chấn chỉnh hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trải nghiệm, hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn là động thái kịp thời. 

Những chuyến đi trải nghiệm thực tế đem lại nhiều ý nghĩa cho lứa tuổi học trò, ít nhiều cho các em những bài học bổ ích lý thú. Tuy nhiên, thời gian qua, có tình trạng nhiều trường phổ thông đã lợi dụng hoạt động giáo dục ngoài nhà trường để đưa học trò đi du lịch, dẫn đến nhiều hệ lụy.

Thứ nhất, nhiều trường tổ chức chương trình trải nghiệm mang tính chất tự phát, chưa có một hướng dẫn, quy định chung từ cơ quan quản lí giáo dục, đó là Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo. Các nhà trường phối hợp với một công ty du lịch hoặc một đơn vị tổ chức sự kiện nên khó thẩm định về chất lượng tour, tuyến, nói thẳng là du lịch trá hình.

Thứ hai, số lượng học sinh tham gia một chương trình "hoạt động trải nghiệm" rất đông, có khi lên đến cả ngàn học sinh nên rất khó quản lý. Cùng với đó có hiện tượng các nhà trường gây áp lực buộc phụ huynh phải cho con em tham gia khiến mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh học sinh rạn nứt.

Thứ ba, sau những chuyến "hoạt động trải nghiệm", các công ty du lịch đều trích lại phần trăm "hoa hồng" cho hiệu trưởng nhưng thường số tiền này không biết đi về đâu và chắc chắn không đến tay giáo viên. Trong mắt thầy cô, nhiều lãnh đạo trở nên xấu đi cũng vì những chuyến "hoạt động trải nghiệm" như thế.

Thứ tư, hầu như năm nào cũng có những vụ học sinh bị tai nạn, kể cả tử vong khi tham gia các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm do trường, lớp tổ chức, trong khi năm nào ngành giáo dục cũng có văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh. Cuối cùng, học sinh và phụ huynh học sinh là những người phải chịu nhiều thiệt hại nhất.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Hà Nội từng chia sẻ về việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm rằng, nhà trường và phụ huynh cùng phối hợp với nhau, lựa chọn công ty du lịch uy tín, chọn những địa điểm phù hợp với học sinh. Có kế hoạch đảm bảo an toàn trong suốt chuyến đi. Nhà trường cũng đưa ra những nội quy để học sinh và cả giáo viên cùng thực hiện.

"Trước chuyến đi, phụ huynh nhắc nhở, trang bị kỹ năng sống cho con em mình, tránh những khu vực nguy hiểm, xử lý tình huống gặp nạn… Nếu cảm thấy không an toàn, có thể kiến nghị nhà trường thay đổi địa điểm, thậm chí từ chối đăng ký cho con tham gia", Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nói thêm.