Du lịch núp bóng trải nghiệm: Phụ huynh và học sinh nói gì?

Ly Hương
09:26 - 31/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nhiều phụ huynh và học sinh bất bình trong việc các trường phổ thông kết hợp với các doanh nghiệp du lịch lữ hành bên ngoài để đưa học sinh đi du lịch. Phụ huynh cho rằng nhà trường đánh đồng du lịch với trải nghiệm, thu tiền chi phí cao.

Đến hẹn lại lên, cứ sau khi kiểm tra giữa kì, cuối kì xong là nhiều trường phổ thông lại bày trò tổ chức cho học sinh đi du lịch trá hình với các mĩ từ nghe rất "kêu", rất đao to búa lớn như "hoạt động ngoại khóa", "rèn kĩ năng sống".

Nhiều phụ huynh có điều kiện, họ sẵn sàng đóng tiền cho nhà trường mà không cần quan tâm đến giá cả chuyến đi, miễn sao con em họ được vui chơi sau một thời gian học hành mệt mỏi, căng thẳng là được. 

Nhưng còn không ít phụ huynh gia đình chưa được dư giả, lo đủ thứ cho con cái học hành nên cho rằng đi du lịch là không cần thiết và bức xúc với việc nhà trường đánh đồng du lịch với trải nghiệm, thu tiền chi phí cao. 

Con cái đi học, chi phí trải nghiệm là khoản bắt buộc?

Trên một diễn đàn, nhiều phụ huynh đã thắng thắn bày tỏ quan điểm về việc nhiều trường phổ thông tổ chức trải nghiệm để thu tiền vô tội vạ, tạo thêm gánh nặng cho họ.

Một phụ huynh nêu ý kiến: "Các ông bà hiệu trưởng giải thích giúp, những gia đình hoàn cảnh khó khăn, cha phụ hồ, mẹ bán vé số thì lại phải xoay xở một khoản tiền cho con đi trải nghiệm. Các vị nói bên lữ hành (doanh nghiệp du lịch) bổ đầu học sinh nên ai cũng đóng tiền như ai, chẳng phải lại thêm một khoản buộc phải đóng cho con theo với bạn bè sao? Nếu phụ huynh thắc mắc, không tham gia vì không đóng phí thì sau mỗi chuyến đi, các ông bà hiệu trưởng lại bắt trò viết thu hoạch lấy điểm, vài lần học trò ở nhà bị điểm kém lần sau phải đi hết. Đằng sau việc học sinh đi trải nghiệm là đơn vị tổ chức là các doanh nghiệp lữ hành chia hoa hồng - việc này cho đến nay đã chứng thực bằng sự việc ở một trường mới đây".

Bày tỏ sự cảm thông với thầy cô giáo, một phụ huynh tên Hưng chia sẻ, ở ngoài Hà nội cũng đang rộn ràng cho các cháu đi ngoại khóa. Các công ty du lịch cũng "đi đêm" với hiệu trưởng như tình trạng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ khổ giáo viên chủ nhiệm vừa bị hiệu trường đè nén vừa bị phụ huynh phản ứng.

"Tôi đề nghị cần phải mạnh tay dẹp bỏ việc núp bóng 'trải nghiệm' để 'thu hoạch' tại các trường học hiện nay. Vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, tâm lý học sinh, kinh tế của gia đình học sinh… đang bị xem nhẹ. Rất mong các cơ quan chức năng cho dừng ngay các hoạt động này tại các trường học trên cả nước", một phụ huynh nói thẳng.

Lo ngại phụ huynh, học sinh coi thường giáo viên vì bị ép đi trải nghiệm

Trên một diễn đàn của học sinh, sinh viên có hàng trăm ngàn thành viên tham gia, nhiều em tỏ ra bức xúc với hoạt động ngoại khóa ở các trường học hiện nay. 

Theo đó, một thành viên đăng dòng trạng thái "Ép học sinh đi du lịch trải nghiệm để lấy điểm ngoại khóa là trái quy định" (nhan đề một bài báo trên Tạp chí Công dân và Khuyến học ngày 29/3), chỉ sau một thời gian ngắn đã có hàng ngàn ý kiến tương tác và để lại bình luận dưới bài đăng.

Tài khoản Liêu Huỳnh Trân Như mỉa mai: "Ủa cũng nhớ cô nào trường mình kêu đóng 100 ngàn đồng đi xem xiếc thì được cộng 2 điểm cho bài kiểm tra thấp nhất nhưng cuối cùng vẫn không cộng".

Đồng quan điểm, một số tài khoản chua chát: "Đi thì được nghỉ học bữa đấy còn không đi thì phải đi học nhé". "Ở nhà là làm bài thu hoạch, còn đi chơi gắn mác là học tập ngoại khoá". "Ép dầu, ép mỡ ai nỡ ép đi du lịch". "Chán không muốn nói. Không đi thì lại viết giấy tờ lằng nhằng". "Đi Thảo Cầm Viên (Sài Gòn) được 10 điểm môn Sinh học". "Ông thầy trường tôi lên nói cả lớp xối xả chỉ vì lớp có mỗi vài người đi"...

Nhiều học sinh mong thầy cô chủ nhiệm, hiệu trưởng hiểu rằng "ép học sinh đi du lịch trải nghiệm để lấy điểm ngoại khóa là trái quy định": "Ban giám hiệu trường xem bài này đi ạ". "Ước gì nhiều thầy cô trường… đọc được thông tin này".

Liên quan đến các trường phổ thông "lùa" học sinh đi ngoại khóa một cách vô tội vạ, vừa qua đã có một số địa phương ra văn bản chấn chỉnh hoạt động này. Tuy vậy, hiện không ít ý kiến lo ngại rằng, nếu hiệu trưởng vi phạm quy định về ngoại khóa nhưng không được các cơ quan quản lí giáo dục xử lí đến nơi đến chốn, thậm chí có dấu hiệu buông lỏng thì phụ huynh, học sinh sẽ xem thường nhà trường và thầy cô.