Giáo viên không có chứng chỉ tích hợp thì không được bố trí giảng dạy?

Ly Hương
13:09 - 15/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Giáo viên bậc trung học cơ sở đang lo lắng, nếu không có chứng chỉ tích hợp thì không được bố trí giảng dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Lo lắng này hoàn toàn có cơ sở.

Giáo viên không có chứng chỉ tích hợp thì không được bố trí giảng dạy? - Ảnh 1.

Một giờ học của cô và trò Trường Hermann Gmeiner Vinh, Nghệ An. Ảnh: baonghean.vn

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bậc trung học cơ sở xuất hiện 2 môn học mới đó là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Như thế, giáo viên đơn môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí buộc phải có chứng chỉ tích hợp để dạy 2 môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí.

Rắc rối khi xuất hiện hai môn tích hợp

Để giải quyết bài toán nhân sự, ngày 21/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT Ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý.

Hai Quyết định này có nội dung đáng chú ý: Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí. Hay nói cách khác, nếu giáo viên không tham gia bồi dưỡng chương trình để lấy chứng chỉ tích hợp thì không đủ điều kiện giảng dạy 2 môn học này.

Lúc này giáo viên đơn môn chỉ có thể được phân công giảng dạy các nội dung hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, làm nhân viên phụ trách các phòng thiết bị, thí nghiệm hoặc các công việc khác không liên quan đến chuyên môn của 2 môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí.

Tuy nhiên, nếu chiếu theo Luật Giáo dục 2019 thì nội dung "chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí" ở Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT thì chưa hợp lí.

Bởi, Điều 72 Luật Giáo dục 2019 (Luật số 43/2019/QH14) quy định Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo như sau: "Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm".

Giáo viên không có chứng chỉ tích hợp thì không được bố trí giảng dạy? - Ảnh 3.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai ở lớp 6, lớp 7 bậc trung học cơ sở. Ảnh minh họa/VGP

Giáo viên muốn dạy môn tích hợp thì phải học chứng chỉ tích hợp

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai ở lớp 6, lớp 7 bậc trung học cơ sở, không còn cách nào khác, giáo viên đơn môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí phải tham gia bồi dưỡng để lấy chứng chỉ tích hợp thì mới có thể gắn bó lâu dài với nghề.

Tuy vậy, điều băn khoăn lớn nhất đó là giáo viên đơn môn sau khi bồi dưỡng xong 3 tháng, lấy được chứng chỉ tích hợp thì có khả năng dạy được các phân môn hay không? Thực tế giảng dạy cho thấy, trong số các giáo viên đơn môn hiện nay cũng còn rất nhiều thầy cô gặp khó khăn trong quá trình dạy học vì yếu chuyên môn.

Về khách quan, giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lí ít gặp khó khăn trở hơn so với môn Khoa học tự nhiên. Nội dung các phân môn (Vật lí, Hóa học, Sinh học) của môn học Khoa học tự nhiên có nhiều khái niệm, định luật, công thức… đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Ví dụ, giáo viên môn Hóa dạy kiến thức sinh học thì ít nhiều có liên quan. Nhưng giáo viên môn Vật lí dạy sinh học và ngược lại thì khó khăn vô cùng.

Về môn Ngữ văn, từ Chương trình 2006 đến Chương trình 2018 giáo viên không tích hợp được đủ kiến thức. Giáo viên vẫn phải dạy riêng các phần tác phẩm văn học, làm văn và tiếng Việt. Ngay cả giáo viên môn Ngữ văn thì mỗi người cũng có một thế mạnh riêng, hoặc thiên về thơ, về văn xuôi hay lí luận văn học, hiếm ai giỏi toàn diện.

Ngoài ra, giáo viên vừa làm công tác giảng dạy và giáo dục học sinh chiếm hết quỹ thời gian, không còn thời gian tham gia bồi dưỡng chứng chỉ dạy môn tích hợp. Dĩ nhiên, với cách đào tạo và cách học như hiện nay thì giáo viên không khó để có cái chứng chỉ, nhưng họ tiếp nhận được bao nhiêu kiến thức mới là chuyện cần phải suy nghĩ.

Bàn về việc dạy học môn tích hợp, thời điểm năm 2017 đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng khẳng định, khó khăn của giáo viên nếu có chỉ là vấn đề tâm lí. Tuy vậy, về thực chất thì giáo viên đang gặp quá nhiều khó khăn cả về kiến thức lẫn phương pháp dạy học hai môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí.