Chương trình giáo dục phổ thông mới: Khó khăn còn ở phía trước!
Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục triển khai, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới ở các lớp 3, lớp 7 và lớp 10 nên có thể xem thời điểm này các cấp học phổ thông đã đi được một nửa chặng đường đổi mới. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế cho thấy khó khăn vẫn còn ở phía trước.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã đối mặt với nhiều khó khăn trong thực hiện. Trong đó, phải kể đến tình trạng rối rắm ở một số môn học, việc lựa chọn sách giáo khoa cho mỗi năm học và việc thừa thiếu giáo viên cục bộ ở các môn, các cấp học. Trong khi, một số chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chương trình mới của Bộ nhiều khi vẫn còn những bất cập…
Khó khăn trước thay đổi của chương trình giáo dục phổ thông mới
Bắt đầu từ năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình mới ở lớp 1, năm học 2021-2022 thực hiện ở lớp 3, lớp 6, năm học tới đây là lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Nhìn chung, lộ trình triển khai đang được đảm bảo và bước đầu đã thu được những thành quả nhất định.
Nhưng, những bất cập cũng đang song hành xảy ra ở từng năm học. Năm đầu tiên triển khai, toàn ngành có tới 5 bộ sách giáo khoa và gần như bộ sách nào cũng có "sạn" dẫn đến việc có những đầu sách giáo khoa phải phát hành thêm tài liệu bổ sung như môn Tiếng Việt 1 (Cánh Diều).
Sang năm thứ 2 thì 5 bộ sách giáo khoa được rút xuống còn 3 bộ, đó là: Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo và Cánh Diều.
Việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa cùng một chương trình được xem là một lợi thế nhưng nó cũng có những bất cập đan xen. Bởi lẽ, nhiều trường học chọn cùng lúc các đầu sách trong các bộ sách giáo khoa khác nhau dẫn đến tình trạng phụ huynh khó khăn trong việc mua sách cho con mình ở thời điểm đầu năm học.
Không chỉ phụ huynh mà giáo viên, nhà trường cũng bị động, quá tải trong việc phải đọc, lựa chọn quá nhiều các bộ sách khác nhau. Chẳng hạn như môn Tiếng Anh có đến 9 đầu sách cho mỗi lớp, môn Mĩ thuật lớp 10 có đến 11 cuốn sách giáo khoa…
Ngoài ra, còn phải kể đến giá cả sách giáo khoa chương trình mới đang đắt gấp nhiều lần sách giáo khoa hiện hành (sách chương trình 2006) dẫn đến sự hoài nghi của dư luận.
Trong điều kiện kinh tế đất nước, kinh tế các gia đình khó khăn ở năm 2021 bởi dịch bệnh COVID-19 hoành hành khắp nơi nhưng chỉ riêng Nhà xuất bản giáo dục đã lãi trên 280 tỉ đồng, lương, thưởng của lãnh đạo đơn vị này có người lên đến hơn nửa tỉ đồng/ năm.
Nhiều môn học mới ra đời
Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều môn học mới, nhiều hình thức giảng dạy khác nhau. Chẳng hạn như ở cấp tiểu học có thêm môn Tin học và Công nghệ từ lớp 3 đến lớp 5 khiến cho giáo viên phải tuyển mới gần như hoàn toàn.
Bên cạnh đó, các trường sư phạm không có ngành học nào được gọi là ngành Tin học và Công nghệ, nên hàng loạt giáo viên phải đi học chứng chỉ tích hợp. Giáo viên Tin học ở cấp tiểu học phải đi học để về dạy môn Tin học và Công nghệ theo Quyết định số 2453/QĐ-BGDĐT.
Đối với cấp trung học dạy các môn học Vật lý, Sinh học, Hóa học, Lịch sử, Địa lý được tích hợp thành 2 môn học mới, đó là: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý nên những giáo viên các môn học này phải đi học để có chứng chỉ về dạy theo Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và 2455/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, năm học 2022-2023 sắp diễn ra nhưng phần lớn giáo viên các môn học này chưa được bồi dưỡng vì nó liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó, có lẽ nguyên nhân chủ yếu là các địa phương chưa bố trí được nguồn kinh phí để mở lớp. Từ đó, dẫn đến tình trạng một môn học có đến 2-3 giáo viên cùng giảng dạy nhưng kiểm tra định kỳ, điểm số, nhận xét cho học sinh thì các giáo viên lại thực hiện chung.
Cấp trung học phổ thông có thêm 2 môn học mới là Âm nhạc và Mĩ thuật, cùng với những môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, lựa chọn khác nhau. Bởi vậy, thời điểm cận kề năm học khiến cho gần như các trường trung học phổ thông trên cả nước gặp khó khăn khi môn Lịch sử được chuyển từ môn học lựa chọn sang vừa tự chọn, vừa bắt buộc.
Việc không tuyển được giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật của phần lớn các trường trung học phổ thông trên cả nước cũng đã ảnh hưởng đến việc lựa chọn các môn học lựa chọn của học sinh.
Sự khó khăn còn thể hiện trong Nội dung giáo dục địa phương có đến 6 phân môn khác nhau, đó là: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục công dân và đây là môn học bắt buộc nhưng nhiều trường lại không tuyển được giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật.
Sự rối rắm còn thể hiện ở Nội dung giáo dục địa phương ở cả cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đang khiến cho nhiều nhà trường, giáo viên đau đầu khi bố trí, sắp xếp thời khóa biểu, phân công giáo viên giảng dạy vì môn học này chỉ có 35 tiết học nhưng có đến 6 phân môn và đương nhiên là cần đến 6 giáo viên dạy, kiểm tra, vào điểm chung.
Việc thêm nhiều môn học mới đã dẫn đến tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp học. Những môn bớt tiết so với chương trình hiện hành thì thừa giáo viên, những môn học mới, những môn tăng tiết lại thiếu giáo viên.
Bên cạnh đó, việc chỉ đạo nhiệm vụ năm học qua Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH ở năm học 2021-2022 và Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH cho năm học 2022-2023 tới đây đối với một số môn học mới cũng chưa thực sự rõ ràng nhiều công việc khó đều giao… quyền tự chủ cho nhà trường.
Việc giao quyền tự chủ chuyên môn cho nhà trường không phải là vấn đề mới nhưng trong bối cảnh hàng loạt môn học mới ra đời, giáo viên thì chưa có hoặc có nhưng là giáo viên đơn môn mà chương trình mới là môn tích hợp dẫn đến khó khăn trong việc phân công, bố trí giáo viên giảng dạy.
Nửa chặng đường tiếp theo, còn rất nhiều việc phải làm, đó là các địa phương, các nhà trường nhanh chóng bồi dưỡng hết những thầy cô giáo dạy các môn học tích hợp ở tiểu học, trung học cơ sở, tuyển mới giáo viên các môn học mới ở cấp trung học phổ thông nhằm đáp ứng nhu cầu công việc giảng dạy.
Nếu chưa có những giải pháp căn cơ thì tình trạng sử dụng sách giáo khoa, bố trí giáo viên giảng dạy các môn học mới, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ vẫn xảy ra ở thời điểm đầu năm học và sẽ còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google