Giáo viên chủ động về hưu, từ chối dạy tích hợp

Thanh Bình
21:05 - 27/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Hiện nhiều giáo viên bậc trung học cơ sở khẳng định mình sẽ không thể dạy tốt khi bị phân công dạy tích hợp. Thậm chí, một số giáo viên lớn tuổi đã chủ động xin về hưu theo dạng tinh giản biên chế.

Thực tế cho thấy, việc áp dụng cách dạy và học tích hợp đã xáo trộn và ảnh hưởng tâm lí đến đội ngũ giáo viên trong 3 năm áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới vừa qua. Nhiều giáo viên tự thấy mình không thể theo được việc dạy tích hợp đã xin nghỉ hưu. Số khác do chưa đủ điều kiện xin nghỉ hưu thì chỉ dạy cầm chừng, nỗ lực bản thân để đáp ứng công việc theo hướng "dạy được chừng nào hay chừng ấy". 

Khi chất lượng người thầy không đảm bảo, điều lo lắng nhất là học sinh sẽ gánh chịu thiệt thòi.

Giáo viên nói gì trước nhiệm vụ dạy tích hợp? 

Qua trao đổi, một số giáo viên đang dạy các môn Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học ở các trường trung học phổ thông đã thẳng thắn bày tỏ ý kiến. Một giáo viên Vật lí cho biết: "Từ lúc thay chương trình đã gây sự quá tải cho giáo viên. Nói là môn học tích hợp, thực ra ba môn Lí, Hoá, Sinh được in gộp vào một cuốn sách giáo khoa. Ba môn đáng ra ba người dạy giờ chỉ phân công một người đảm nhiệm là quá sức với giáo viên".

Một giáo viên Vật lí khác chia sẻ: "Tôi được đào tạo dạy môn Vật lí nay phải đảm nhận thêm Hoá và Sinh. Nói thật, nhiều hôm toát hết mồ hôi khi không thể cân bằng phương trình. Rồi khi gặp học sinh giỏi Hoá học, các em có cách giải khác, chất vấn lại khiến mình không khỏi lúng túng".

Một giáo viên Sinh học thừa nhận: "Tôi không thể dạy Hoá học và Vật lí. Giờ có cho đi tập huấn lấy chứng chỉ tích hợp, tôi vẫn không thể dạy được". Giáo viên này cho biết, đã có lần đang trong giờ dạy môn Vật lí, cô phải chạy ra bên ngoài lớp gọi điện "cầu cứu" đồng nghiệp có chuyên môn Vật lí giúp sức do một số học sinh đã giải bài bằng cách khác với cách thầy đã chuẩn bị, nên thầy "không dám chấm bài cho các em vì sợ bị... hớ".

Giáo viên Địa lí cũng bày tỏ: "Tôi có thể dạy Lịch sử, cũng không khó gì, cứ cho học sinh đọc sách giáo khoa, hỏi vài câu để học sinh trả lời. Cần bổ sung gì thầy nhìn giáo án, nhìn sách bài soạn là được. Nhưng để dạy hay, dạy chuyên sâu, dạy truyền được cảm xúc để học sinh hào hứng thêm yêu môn học thì chắc chắn là không thể".

Còn một giáo viên dạy Lịch sử cũng chia sẻ tình huống dở khóc dở cười: "Là giáo viên chuyên Sử tôi cũng từng được phân công dạy Địa lí. Nhưng nói thật khi cần vẽ lược đồ, xác định địa danh trên bản đồ thì khá lúng túng, nhất là khi trò hỏi thêm những kiến thức Địa lí. Thành ra, mình cứ phải khất lần để về tra google hoặc tham khảo đồng nghiệp dạy Địa lí, rồi tiết sau mới trả lời học trò".

Câu chuyện của một giáo viên dạy Vật lí được phân công dạy thêm 2 tiết Sinh học/tuần cho đủ số tiết cũng khá tréo ngoe: "Cứ ngày nào có 2 tiết này, tôi chẳng làm được gì khác vì phải đầu tư thời gian xem trước bài. Nhưng khi lên lớp nhiều khi tôi vẫn 'đứng hình' với những câu hỏi của khó của trò".

Cho rằng việc phân công dạy những môn không được đào tạo chẳng khác gì "đánh đố" giáo viên, một thầy giáo dạy Hóa học phân bua: "Trước đây, ngành giáo dục cũng đã đào tạo giáo viên chuyên 2 môn như giáo viên Vật lí-Hóa học, Hóa học-Sinh học, nên giáo viên Vật lí có thể dạy Hóa học. Giáo viên Hóa học có thể dạy Sinh học. Nhưng giáo viên Vật lí thì lại không thể dạy được Sinh học, giáo viên Sinh học không thể dạy được Vật lí".

Giáo viên này cũng cho biết thêm, đỉnh điểm của áp lực sinh ra từ việc gộp môn là lúc ra đề kiểm tra 1 tiết và đề kiểm tra cuối kì. Giáo viên ba môn phải ngồi lại với nhau để ra đề theo tỉ lệ số tiết. Đầu tiên là làm chung một "ma trận", phân chia số câu từng môn (do số tiết các môn dạy không đồng nhau), môn có thời lượng học nhiều số câu hỏi nhiều hơn và ngược lại. 

Khâu chấm bài cũng "nhiêu khê" không kém. Một đề kiểm tra có 3 phần kiến thức riêng biệt nhưng giáo viên dạy môn nào cũng chỉ chấm môn đó. Đôi khi bài giải của trò với đáp án cũng khác nhau (chỉ giống về kết quả vì có nhiều cách làm). Có học sinh làm gộp, có học sinh lại làm diễn giải. Nếu không đúng chuyên môn, giáo viên cũng khó khăn trong khi chấm, dù có đáp án.

Thế là một bài thi cô dạy Vật lí chấm xong chuyển thầy dạy Hóa học rồi chuyển sang thầy dạy Sinh học. Bài kiểm tra qua tay ba người sau mới kết điểm và ghi vào sổ. Tới khâu này vẫn phải phân công người cộng điểm, người vào điểm học bạ, người ghi lời phê…
https://congdankhuyenhoc.vn/dong-su-kie...

Các ý kiến đều cho rằng, đa số các giáo viên được đào tạo một chuyên ngành và giảng dạy thâm niên trên trên dưới 20 năm chỉ chuyên sâu 1 môn. Không thể trong thời gian ngắn và vài cuộc tập huấn biến thành giáo viên đa năng dạy 3 môn học được. 

Lo ngại chất lượng học sinh những năm đầu học tích hợp

Các giáo viên cho rằng, thầy cô phải là người biết mười dạy một, lúc đó mới tự tin để giảng bài, để đào sâu mở rộng, để gợi mở cho học sinh tìm ra kiến thức, để nêu câu hỏi nâng cao giúp học sinh tư duy và để giải đáp những thắc mắc. Nhưng, do chỉ biết một, biết hai nên có thầy cô chỉ giảng qua loa trong sách giáo khoa và đọc cho học sinh ghi bài. 

Không ít giáo viên thừa nhận, dạy mà cứ trông mong hết giờ, dạy mà thon thót lo học sinh hỏi bài, nhất là kiểu hỏi xoáy của những em có kiến thức sâu. Đã có trường hợp giáo viên khóc ngay trên bục giảng khi bị học trò truy hỏi mà không có được câu trả lời thuyết phục.

Thực tế trên cho thấy, chất lượng giáo viên dạy tích hợp không thể đảm bảo phát triển tri thức và hình thành kỹ năng, cũng như không thể phát triển năng lực và phẩm chất cho các học sinh như mục tiêu của chương trình mới hướng tới.

Bình luận của bạn

Bình luận