Kiểm tra, vào điểm, nhận xét cho học sinh môn tổ hợp kiểu “hú họa”
Chỉ vài tiết học trong tổ hợp, trong phân môn mà giáo viên phải nhận xét năng lực học trò là việc họ thấy lúng túng và không tránh khỏi việc nhận xét kiểu...hú hoạ.
Dù đã bước sang năm học thứ 2 thực hiện chương trình mới nhưng mọi thứ vẫn chưa được định hướng rõ nét bởi các công văn hướng dẫn chuyên môn của Bộ và Sở Giáo dục đều giao "quyền tự chủ cho các nhà trường".
Bên cạnh đó là việc phân chia tỉ lệ phần trăm khi kiểm tra thường xuyên, định kỳ, vào điểm, nhận xét phẩm chất năng lực cho học trò. Thậm chí, có những môn học không thể xếp vào tổ chuyên môn nào vì nó liên quan đến nhiều môn học khác nhau.
Hàng loạt môn học mới ra đời kéo theo nhiều bất cập
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp Trung học cơ sở cả 4 khối lớp đều có 10 môn học và 2 hoạt động giáo dục bắt buộc với số tiết từng khối lớp giống nhau.
Số tiết mỗi năm học của lớp 6 và lớp 7 là 1015 tiết (bình quân 29,5 tiết/tuần); lớp 8,9 có 1032 tiết (bình quân 29,5 tiết/tuần). Ngoài ra, cấp học này còn có 2 môn học tự chọn, đó là: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Nhìn qua những môn học ở cấp Trung học cơ sở, dễ nhận thấy số môn học có vẻ như … thấy ổn vì số ít hơn chương trình hiện hành (chương trình 2006).
Tuy vậy, các môn học đều là môn tích hợp: môn Khoa học tự nhiên có 3 phân môn: Hóa học, Sinh học, Vật lí; môn Lịch sử và Địa lí có 2 phân môn là Lịch sử và môn Địa lí; môn Nghệ thuật có 2 phân môn là Âm nhạc và Mĩ thuật; Nội dung giáo dục địa phương bao gồm có 6 phân môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí; Giáo dục, Âm nhạc và Mĩ thuật.
Nhìn vào những môn học "tích hợp", chúng ta sẽ thấy những khó khăn khi phân công giáo viên giảng dạy bởi hiện nay giáo viên cấp Trung học cơ sở chỉ được đào tạo đơn môn, dạy đơn môn từ nhiều năm. Theo chương trình mới, môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí sẽ do một giáo viên đảm nhiệm.
Khi chuẩn bị bước vào đầu năm học 2021-2022 năm đầu tiên thực hiện chương trình mới thì Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lí. Tuy nhiên, việc bồi dưỡng giáo viên ở các địa phương hiện nay vẫn rất chậm. Phần lớn các trường đang phải bố trí giáo viên phân môn nào dạy phân môn đó.
Cũng vì thế, khi kiểm tra thường xuyên thì phân chia mỗi phân môn thực hiện 1 cột điểm. Khi kiểm tra định kỳ thì lại chia nhau ra. Một đề kiểm tra nhưng phần trên là kiến thức phân môn này, phần dưới là kiến thức phân môn khác.
Môn Nghệ thuật hiện nay được gộp từ môn Mĩ thuật và Âm nhạc, các nhà xuất bản biên soạn thành 2 cuốn sách giáo khoa riêng, giáo viên dạy riêng nhưng khi kiểm tra lại chung 1 đề, vào điểm, nhận xét chung 1 môn.
Nội dung giáo dục địa phương gồm 6 phân môn khác nhau nhưng cả năm chỉ có 35 tiết học nên chia nhau ra. Mỗi phân môn dạy vài tiết nhưng khi kiểm tra thì cũng phải gộp chung lại, mỗi phân môn mỗi đoạn đề. Vì thế, mặc dù học sinh làm đề chung nhưng khi ra đề, chấm bài thì kiến thức của phân môn nào, giáo viên phân môn đó thực hiện.
Nhiều lúc, giáo viên chỉ đợi chờ nhau để ráp đề, chấm điểm cũng thấy mệt mỏi.
Điều trớ trêu, Nội dung giáo dục địa phương hiện nay không thể nằm trong tổ chuyên môn nào vì nó liên quan đến 6 môn học ở nhiều tổ chuyên môn khác nhau. Bởi vậy, khi làm đề kiểm tra định kỳ các tổ trưởng chuyên môn phải thống nhất, thảo luận, chia tỉ lệ với nhau. Nhưng, hôm nay giáo viên này có thể không dạy nhưng giáo viên môn khác đang dạy trên lớp nên chỉ việc thống nhất 1 buổi ngồi lại với nhau để thống nhất phương thức ra đề kiểm tra cũng phải hẹn lên, hẹn xuống nhiều lần.
Hoạt động trải nghiệm hiện cũng chẳng nằm ở tổ chuyên môn nào, mỗi tuần có 3 tiết và đều phân cho giáo viên chủ nhiệm thực hiện nhưng kiểm tra định kỳ bằng đề chung nên cũng gặp khó khăn trong việc phân công giáo viên ra đề.
Những khó khăn không chỉ đến với giáo viên mà học sinh cũng gặp những khó khăn không kém. Một số phân môn học mấy tuần rồi bỏ bẵng đến sang năm mới học lại, lúc đó chẳng nhớ được gì để học tiếp. Một môn học mà có đến mấy quyển vở ghi chép, mấy thầy cô giảng dạy dễ làm học sinh khó hiểu.
Từ 2 đến 6 giáo viên mỗi môn học dẫn đến không nhận xét đúng được phẩm chất năng lực của học trò
Trong các môn học "tích hợp" chỉ có môn Nghệ thuật và môn Lịch sử và Địa lí là có 2 phân môn. Các môn còn lại có từ 3-6 phân môn nên việc nhiều giáo viên dạy cùng 1 môn học dẫn đến vô vàn bất cập, khó khăn.
Khó khăn không chỉ việc hàng tuần Ban giám hiệu phải xếp lại thời khóa biểu, không chỉ việc giáo viên thống nhất, phân chia tỉ lệ ra đề kiểm tra, chấm bài kiểm tra mà một việc cũng rất quan trọng là nhập điểm, nhập nhận xét cho học trò cũng rối rắm không kém.
Theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh Trung học cơ sở (áp dụng cho những lớp đang dạy chương trình mới) thì bên cạnh việc đánh giá bằng điểm số, nhận xét (mức đạt, chưa đạt), giáo viên phải nhận xét phẩm chất, năng lực của từng học sinh vào phần mềm điểm điện tử và học bạ.
Nhưng, những môn học có nhiều giáo viên giảng dạy, chẳng hạn như Nội dung giáo dục địa phương có 35 tiết/năm (Ngữ văn 9 tiết; Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân (6 tiết); Âm nhạc, Mĩ thuật (4 tiết/năm) nhưng phải trừ ra 4 tiết để kiểm tra định kỳ.
Giáo viên phải dạy nhiều lớp nên việc nhớ mặt, nhớ tên học trò còn khó vì mỗi năm chỉ có mấy tiết dạy nhưng họ đang phải đánh giá phẩm chất năng lực của học trò.
Để đánh giá chính xác phẩm chất, năng lực của học trò mỗi năm học họ mà chỉ lướt qua vài tiết học rồi thôi là việc khó. Vì thế, họ cũng chỉ nhận xét một cách chung chung, chiếu lệ.
2 năm học tới đây, lớp 8 và lớp 9 sẽ thực hiện chương trình mới - điều dễ thấy là những khó khăn sẽ còn chất chồng nhiều hơn so với thời điểm hiện tại. Chương trình giáo dục phổ thông mới đã tác động lớn đến đội ngũ nhà giáo và Ban giám hiệu các trường Trung học cơ sở trên cả nước. Trong lúc chờ tính ưu việt của phương pháp dạy và học mới, những bất cập đang tồn tại vẫn lúng túng chưa có cách tháo gỡ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google