Tuổi nghỉ hưu giáo viên càng cao học sinh càng thiệt thòi

Hà My
06:16 - 21/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đối với giáo viên, nghỉ hưu ở tuổi tuổi 60 và 62 thì các lớp học trò sẽ thiệt thòi. Phần lớn giáo viên khi bước vào tuổi này không còn dồi dào sức sáng tạo và khả năng truyền động lực, khó trong sáng tạo, khích lệ sáng tạo cho học trò.

Mới đây, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đã báo cáo gửi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của giáo viên từ mầm non đến trung học cơ sở như trước đây. Theo đó, nam nghỉ hưu tuổi 60, nữ nghỉ hưu tuổi 55.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu. Và theo lộ trình, đến năm 2028 độ tuổi nghỉ hưu của nam là 62 và đến năm 2035 độ tuổi nghỉ hưu của nữ là 60.  

Tuổi nghỉ hưu của giáo viên thế nào là phù hợp?

Cứ như quy định cũ trước đây, tuổi nghỉ hưu của giáo viên nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi là phù hợp. Ở độ tuổi này, nhiều thầy cô trong giảng dạy cũng như các hoạt động giáo dục vẫn luôn đáp ứng tốt mọi yêu cầu được giao. 

Tuy nhiên, vẫn có không ít thầy cô giáo đã bước vào thời kỳ suy giảm sức khoẻ, giảm sút thị lực rõ rệt, dẫn đến khá vất vả để đáp ứng sự đòi hỏi và áp lực cao trong công việc giảng dạy và giáo dục học sinh hằng ngày.

Vì thế, sao khi Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu có hiệu lực, nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi mới được về hưu đã nhận được khá nhiều ý kiến trăn trở về những hệ luỵ đằng sau việc nâng tuổi nghỉ hưu cho các nhà giáo.

Tuổi càng cao sức ì càng lớn

Không phải tất cả giáo viên lớn tuổi đều thiếu nhiệt huyết lao động so với những đồng nghiệp trẻ tuổi. Nhưng có thể khẳng định, ít nhất có khoảng 50-60% thầy cô giáo hiện nay đang ở độ tuổi trên 50 đã có những biểu hiện của tuổi "xế chiều".

Sức ì của những giáo viên lớn tuổi này thể hiện ở rất nhiều mặt, từ việc dạy đến các hoạt động, sinh hoạt, giáo dục học sinh.  

Yêu cầu chung là giáo viên trong từng tiết học phải tổ chức các hoạt động học tập sao cho hay, cho sinh động để thu hút sự chú ý của học sinh. Tuy nhiên, giáo viên đứng tuổi thì vào lớp cứ ra bài cho học sinh làm còn mình cứ ngồi một chỗ cho nhanh hết tiết để bước ra.

Giáo viên nhiệt huyết thường phải đi từng nhóm, nhìn từng em để giúp đỡ, hỗ trợ giúp cho trò hiểu vấn đề và bài làm không bị sai sót. Giáo viên tuổi cao thì chỉ trung thành duy nhất với một cách dạy mang tên truyền thống "thày đọc trò chép".

Trong khi, trước sự đổi mới của ngành giáo dục hiện nay đòi hỏi người giáo viên phải không ngừng học tập, phải biết tự nâng cao kiến thức. Giáo viên còn phải có kỹ năng giáo dục hiện đại, loại bỏ những điều không còn phù hợp với nền giáo dục bây giờ.

Họ phải luôn cập nhật thông tin, đổi mới phương pháp dạy học từ dạng trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Những điều này, người giáo viên lớn tuổi dù vẫn còn nhiệt huyết cũng khó mà theo kịp.

Nhiều hoạt động của trường đề ra, trong khi các lớp giáo viên và học sinh hồ hởi tham gia thì những giáo viên lớn tuổi hay phản đối việc triển khai hoặc chỉ làm cho có. 

Những thầy cô lớn tuổi ít chịu học hỏi, càng không bao giờ bỏ công tìm hiểu để nâng cao sự hiểu biết của mình. Họ không cập nhật những kiến thức mới phù hợp với những đòi hỏi hiện tại. 

Những điều họ dạy chủ yếu là kinh nghiệm và kiến thức được tích lũy từ thời đi học sư phạm. Những bài dạy chỉ là "bổn cũ soạn lại" mà không hề có sự đổi mới hơn.

Không ít thầy cô (do lớn tuổi hoặc thay đổi tâm sinh lý) nên bệnh tật hành hạ như mắt mờ, họng đau vì bệnh nghề nghiệp, tay chân nhức mỏi luôn tỏ ra cáu bẳn, quát nạt học sinh mà ít có sự gần gũi, thân thiết với các em. 

Điều bất lợi nhất chính là ít ai có thể làm thay đổi họ. Chính Ban Giám hiệu nhà trường ít nhiều, còn phải nể họ vài phần vì ngoài lớn tuổi, họ cũng từng là những giáo viên có khá nhiều thành tích trong quá khứ. Tâm lý cầm chừng chờ hưu là có thật!

Thiệt thòi thuộc về học sinh

Khi học sinh không được học, không được cập nhật những kiến thức mới (ngoài sách vở). Các em không được dạy bằng những phương pháp dạy học mới sẽ vô cùng thiệt thòi.

Ngoài ra, các em cũng ít được vận động, ít được tổ chức các hoạt động học tập đúng nghĩa thì kĩ năng sống sẽ bị hạn chế rất nhiều.

Với 2 bậc học mầm non và tiểu học việc tăng tuổi hưu cho giáo viên càng không phù hợp. 

Ở lứa tuổi này, học sinh luôn tỏ ra hào hứng khi được học với các thầy cô giáo trẻ, xinh xắn và năng động. Với giáo viên lớn tuổi, nhiều em tỏ ra không thích.

Nay, giáo viên tăng lên 60 tuổi mới về hưu, cái tuổi về chiều không ít người đã hom hem nhất là với giáo viên vùng nông thôn. Vì thế, tác phong của họ cũng trở nên vô cùng chậm chạp. 

Chưa kể, giáo viên dạy mẫu giáo, tiểu học phải luôn hát múa, kể chuyện đóng hoạt cảnh cùng các em, nhưng gặp giáo viên lớn tuổi điều này sẽ bị hạn chế rất nhiều.

Không ít thầy cô, vào lớp vừa dạy vừa ngồi, cuối tháng nhận lương cao gấp nhiều lần những thầy cô giáo khác. 

Vì học sinh, vì sự nghiệp giáo dục xin đừng tăng tuổi nghỉ hưu cho những nhà giáo mà vẫn nên để tuổi nghỉ hưu cũ như trước đây nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi.

Ngoài ra, vẫn nên duy trì Nghị định 143/2020/NĐ-CP để tạo điều kiện cho giáo viên về hưu trước tuổi khi có nhu cầu hoặc vì sức khoẻ không thể đáp ứng được công việc.

Giai đoạn hiện nay, ngành giáo dục đang áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa mới. Việc tiếp tục đổi mới giáo dục một cách toàn diện càng đòi hỏi giáo viên phải luôn nhanh nhạy, năng động mới có thể theo kịp tinh thần đổi mới giáo dục. 

Bình luận của bạn

Bình luận