Dạy và học tích hợp: Ngẫm lại tình huống “dủ dỉ là con dù dì”

Phan Anh
06:43 - 26/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Giáo viên dạy tích hợp Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí mong học sinh "đừng hỏi câu nào quá hóc búa" là chuyện khó tin nhưng có thật.

Câu chuyện "Dủ dỉ là con dù dì"

Chuyện xưa, có anh học trò học hành dốt nát, nhưng "xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ", đi đâu cũng ra vẻ văn hay chữ tốt. Có người tưởng anh ta hay chữ thật, mới đón về dạy trẻ.

Một hôm, dạy sách "Tam thiên tự", đến chữ "kê" là "gà", thầy thấy mặt chữ nhiều nét rắc rối, không biết chữ gì. Học trò lại hỏi gấp, thầy cuống, nói liều: "Dủ dỉ là con dù dì". Thầy cũng sợ nhỡ sai, người nào biết thì xấu hổ, mới bảo học trò đọc khẽ.

Nhân trong nhà có bàn thờ thổ công, thầy mới đến khấn thầm xin ba đài âm dương để xem chữ ấy có phải thật là "dù dì" không thì cả ba lần đều được. Lúc ấy thầy đắc chí bảo học trò đọc to lên.

Bố chúng đang cuốc đất ngoài vườn nghe vậy thì chạy vào hỏi thầy sao đọc chữ "kê" thành "dủ dỉ" và còn giải thích là con ‘dù dì’. Thầy nói rằng, phải dạy như thế để cho cháu biết đến tận tam đại con gà: Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà!

(Tam đại con gà, theo Trương Chính – Phong Châu, Tiếng cười dân gian Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Hà Nội, 1986)

Những tưởng câu chuyện phê phán trên chỉ là truyện cười dân gian, nhưng mạn phép so sánh với việc dạy và học ngày nay, thấy thói sĩ hão, dốt mà ra vẻ vẫn còn. Áp dụng cách dạy tích hợp, có thầy cô còn chưa biết, chưa thạo hết, nhất là khi phải dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí  Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Một giáo viên dạy đến 2, 3 môn, trong đó có môn chưa qua đào tạo chuyên ngành hoặc mới được bồi dưỡng theo kiểu chắp vá.

Dạy học tích hợp - không biết "tích" thế nào cho "hợp"

Ngày 14/9/2022, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh làm việc với Ủy ban Nhân dân quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022-2025.

Tại biểu làm việc, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp, cho biết hiện nay giáo viên dạy môn tích hợp Lịch sử - Địa lí, Vật lý – Hóa học – Sinh học ở bậc trung học cơ sở khi lên dạy thường trong tình trạng mong học sinh đừng hỏi câu hỏi nào quá hóc búa, vì thực tế hiện nay giáo viên không được đào tạo để dạy tích hợp.

Một số giáo viên bậc trung học cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, thầy cô dạy môn Hóa học có thể kiêm nhiệm Sinh học nhưng rất khó để dạy Vật lí vì trái chuyên ngành, cho dù có bồi dưỡng chương trình 3 tháng. Còn giáo viên môn Vật lí mà dạy Hóa học, Sinh học thì quả là nan giải.

"Dạy lớp 6, lớp 7 chúng tôi phần nào còn chống chế được khi dạy chéo môn. Riêng lớp 8, lớp 9, kiến thức rộng và sâu hơn, chẳng ai có đủ khả năng để dạy tích hợp cả. Làm thầy phải biết 10 phần thì mới có thể dạy một phần, hai phần. Đằng này chúng tôi chỉ biết một, hai phần mà bắt dạy 10 phần làm sao kham nổi", một giáo viên ở quận Tân Phú thẳng thắn nói.

Đồng quan điểm, một giáo viên khác ở Quận 12 nói rằng, một số vị làm công tác quản lí giáo dục, viết chương trình và viết sách giáo khoa cứ nói là các kiến thức Vật lý, Hóa học, Sinh học thầy cô nào cũng đã trải qua nên việc dạy môn Khoa học tự nhiên cấp trung học cơ sở là bình thường.

"Nói thẳng, ai nói vậy là vô lương tâm, thiếu trách nhiệm với học sinh. Phần lớn giáo viên hiện đang dạy Vật lý, Hóa học, Sinh học được đào tạo dạy đơn môn, dù trong chương trình đào tạo có mảng kiến thức đại cương cả 3 môn nhưng kiến thức chuyên ngành vẫn là đơn môn.

Hai ba chục năm đi dạy chỉ một môn, bỏ công sức tìm tòi, học hỏi để nâng cao kiến thức của môn mình phụ trách để dạy học trò tốt hơn. Giờ nếu bắt buộc dạy cả hai môn còn lại thì chỉ đảm bảo được phân môn chính của mình, các phân môn khác chắc chỉ nhớ được, nắm được đến đâu dạy đến đó.

Vậy là sẽ có lớp các em vững Vật lý nhưng hời hợt Hóa học, Sinh học và ngược lại. Thế rồi lên trung học phổ thông học sinh sẽ ngơ ngác, hỏi sao kiến thức này các bạn khác biết mà thầy cô mình không dạy? Thiệt thòi cho học sinh là thế. Ai là giáo viên đơn môn dám vỗ ngực tự xưng ta đây đảm bảo dạy tốt hết Vật lý, Hóa học, Sinh học thì cứ việc, riêng tôi xin nhận lỗi không thể làm được", giáo viên này trải lòng.

Môn tích hợp chẳng khác nào "lẩu thập cẩm"

Điều kì lạ, chương trình Vật lý, Hóa học, Sinh học thì không tách được vì tỉ lệ môn Sinh học đến 60% trong chương trình tích hợp. Vậy nên, các nhà trường đành chấp nhận phương án giáo viên Vật lý thì đi đào tạo thêm Hóa học và Sinh học, còn giáo viên Hóa học thì đi đào tạo thêm Sinh học, Vật lý theo kiểu… chữa cháy.

Và cho dù tới đây các nhà trường có đủ đội ngũ giáo viên dạy môn tích hợp thì cũng chẳng ai hiểu được vì sao bậc trung học cơ sở dạy tích hợp Vật lý, Hóa học, Sinh học thành môn Khoa học tự nhiên nhưng đến trung học phổ thông lại tách ra đơn môn, sao lại "khắc nhập - khắc xuất" như thế.

Trước đây, nhiều nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục đã chỉ ra rằng, không có "khoa học tích hợp". Khoa học gồm nhiều chuyên ngành, mỗi chuyên ngành đều có tính đặc thù và giữa chúng có mối liên hệ với nhau (liên ngành).

Ví dụ, khi dạy bài "Việt Bắc" (Tố Hữu), giáo viên tích hợp kiến thức lịch sử (hoàn cảnh ra đời của bài thơ), địa lí (chiến khu Việt Bắc gồm những tỉnh nào), tất nhiên môn Văn vẫn mang tính đặc thù chứ không phải là tổng hòa các môn Văn, Lịch sử, Địa lí.

Chương trình mới trộn lẫn các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học cho ra môn tích hợp Khoa học tự nhiên chẳng khác nào "lẩu thập cẩm". Số thầy cô có thể dạy được nhiều môn chiếm số lượng rất ít, còn đa số vẫn phải "đánh vật" với món lẩu thập cẩm môn tích hợp hiện nay.