Điểm chuẩn tuyển sinh vào ngành Sư phạm lên cao có phải là tín hiệu mừng?

Ly Hương
14:45 - 18/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Điểm chuẩn tuyển sinh ngành Sư phạm Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 năm nay lên đến 38,67 điểm, trung bình 9,7 điểm/môn mới đỗ.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 vừa công bố điểm chuẩn trúng tuyển hệ đại học chính quy năm 2022 vào các ngành theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đáng chú ý, điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử năm nay lên đến 38,67 điểm (thang điểm 40), thí sinh đạt trung bình 9,7 điểm/môn mới đỗ đại học.

Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố điểm chuẩn đối với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông và phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022. 

Với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông, điểm trúng tuyển các ngành dao động từ 22,75-29,75 điểm. Trong đó ngành Sư phạm Toán học và Sư phạm Hóa học đều có mức điểm trúng tuyển là 29,75 (thang điểm 30).

Ngành Sư phạm đang cần giáo viên cho nhiều chương trình giảng dạy mới

Nhìn chung, điểm chuẩn các trường đại học sư phạm và khoa sư phạm của nhiều trường đại học trên cả nước năm nay đều tăng so với năm 2021. Điểm chuẩn ngành Sư phạm tăng lên là tín hiệu rất đáng mừng, xuất phát từ những một số nguyên nhân như:

Từ năm học 2021 – 2022, thực hiện khảo sát nhu cầu giáo viên ở các địa phương để dự báo nhu cầu, từ đó giao chỉ tiêu sát với nhu cầu làm gia tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Sinh viên sư phạm được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Chính sách miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng cho sinh viên sư phạm đã thể hiện sự chăm lo, đầu tư lâu dài đối với đội ngũ nhà giáo.

Nhiều địa phương thiếu giáo viên các cấp đã thôi thúc học sinh xét tuyển vào ngành Sư phạm. Tính đến tháng 5/2021, cả nước có hơn 42.200 cơ sở giáo dục với hơn 22 triệu trẻ mầm non, học sinh phổ thông. Đến hết năm học 2020-2021, cả nước thiếu hơn 94.700 giáo viên, chủ yếu là giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn 2022-2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Hơn nữa, sau khi tốt nghiệp đại học giáo viên có thể tham gia giảng dạy ở các cơ sở giáo dục tư thục, cho thấy cơ hội nghề nghiệp rất rộng mở với nghề giáo.

Sự học ngày càng quan trọng, nâng cao vị thế người thày

Người Việt Nam từ xưa đến nay đã có truyền thống "tôn sư trọng đạo", biết ơn những người đã dạy dỗ mình. "Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học" (Comenxki).

Câu tục ngữ "Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy" cho thấy được tầm quan trọng của người thầy giáo, giống như người cha mang đến cho mình những tri thức. Nếu cha mẹ là đấng sinh thành, dưỡng dục thì thầy cô chính là người dạy dỗ ta nên người. Hơn thế nữa, người thầy không chỉ thực hiện vai trò truyền thụ kiến thức mà thực sự là những "kỹ sư tâm hồn", góp phần quan trọng trong hình thành nhân cách, đạo đức cho các thế hệ học trò.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, từng nói rằng: Người thầy còn được ví như một "kỹ sư tâm hồn" khơi gợi niềm cảm hứng cho học trò hay "người lái đò" chăm chút trong mỗi giờ giảng một cách tỉ mỉ và đầy trách nhiệm, chứ không đơn thuần là một "thợ dạy".

Một người thầy tốt sẽ luôn nhận được tấm lòng biết ơn của các thế hệ học trò và sự tôn trọng của xã hội. Làm nghề giáo, thầy cô sẽ đón nhận những niềm vui bất ngờ, giản dị mà cảm động như được các em học sinh tặng những đóa hoa tươi thắm nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Trao đi và nhận lại, cuộc sống của người thầy luôn tràn ngập tình yêu thương, dù chúng ta ở tuổi nào hay đang ở đâu.

Sau tất cả, hạnh phúc của người thầy là sự thành công của học trò. Nghề giáo sáng tạo nên những sản phẩm đặc biệt, đó là sự hiểu biết, lớn lên và thành công của thế hệ trẻ. Người giáo viên không lấy tiền bạc mà lấy học trò là niềm hạnh phúc, sự tự hào của mình. Như người lái đò thầm lặng đưa khách qua sông, người thầy luôn dìu dắt bao thế hệ học trò đến bến bờ tri thức, lấy niềm vui cuối mỗi "chuyến đò" làm động lực cho mình.

Bình luận của bạn

Bình luận