Vì sao điểm chuẩn ngành Báo chí cao chót vót?

Ly Hương
01:13 - 17/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn tuyển sinh vào ngành Báo chí là 29,9 điểm gây không ít ngỡ ngàng về ngưỡng điểm cao chót vót này.

Ngày 15/9/2022, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội công bố điểm chuẩn theo phương thức xét điểm tốt nghiệp trung học phổ thông. Đáng chú ý, ngành Báo chí khối C00 có điểm chuẩn cao nhất lên đến 29,9 điểm.
Vì sao điểm chuẩn ngành Báo chí cao chót vót? - Ảnh 1.

Đào tạo nghề Báo với nhiều tiết học thực hành, trải nghiệm đang thực tế hấp dẫn giới trẻ. Ảnh: Page Học viện Báo chí và Tuyên truyền


Ngày 16/9, hội đồng tuyển sinh Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đã công bố điểm chuẩn xét tuyển bằng phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. Riêng ngành Báo chí (tổ hợp C00) có điểm trúng tuyển cao nhất với 28,25 điểm.

Cạnh tranh cao do ít chỉ tiêu

Ngày 16/9, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ với giới truyền thông rằng, năm 2022 trường dự kiến tuyển 55 chỉ tiêu ngành Báo chí học.

Trường sử dụng 5 phương thức tuyển sinh, trong đó dành 25/55 chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ngành học này tuyển sinh bằng 6 tổ hợp (A01, C00, D01, D04, D78, D83). Tính trung bình mỗi một tổ hợp chưa tới 5 chỉ tiêu trúng tuyển.

Trong khi đó, trường nhận được tổng cộng 2.544 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành Báo chí học bằng khối C00. Như vậy, tỉ lệ "chọi" vào ngành Báo chí học năm nay rất cao, khoảng 1/500 thí sinh.

Năm 2021, điểm chuẩn ngành Báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng ở ngưỡng 28,80 điểm, khối C00. Tương tự, năm 2021, điểm chuẩn ngành Báo chí Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hơn 9 điểm/ môn mới trúng tuyển.

Phổ điểm thi tốt nghiệp tăng cao

Năm 2022, điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí) cao hơn các năm trước, kéo theo điểm chuẩn ngành Báo chí cũng tăng cao, tiệm cận ngưỡng điểm tuyệt đối (29,9/30 điểm).

Cụ thể, kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn của cả nước cho thấy: có 981,407 thí sinh tham gia thi, trong đó điểm trung bình là 6.51 điểm, điểm trung vị là 6.5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.0 điểm.

Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Lịch sử của cả nước cho thấy: có 659,667 thí sinh tham gia thi bài thi Lịch sử, trong đó điểm trung bình là 6.34 điểm, điểm trung vị là 6.5 điểm; Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.0 điểm.

Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Địa lí của cả nước cho thấy: có 657,423 thí sinh tham gia thi bài thi Địa lí, trong đó điểm trung bình là 6.68 điểm, điểm trung vị là 6.75 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.0 điểm.

Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp rộng mở

Tính tới ngày 31/12/2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí - có 142 tờ báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập và có 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực nghiệp vụ này. Như thế, cơ hội việc làm cho sinh viên báo chí sau khi tốt nghiệp là rất rộng mở.

Kể cả khi đang còn ngồi trên giảng đường đại học, nhiều sinh viên ngành báo chí đã có thể kiếm tiền trang trải cuộc sống bằng cách làm cộng tác viên cho các tòa soạn báo. Cơ quan báo chí ở nước ta luôn rộng cửa chào đón "bài, vở" từ các cộng tác viên ở bất cứ lứa tuổi nào.

Cùng với đó, đa số sinh viên tốt nghiệp ngành báo chí ra trường đều làm việc đúng chuyên môn, hoặc cũng có thể làm cho doanh nghiệp, ngân hàng, cơ quan Nhà nước... Hơn nữa, thu nhập của sinh viên báo chí sau khi tốt nghiệp cũng ổn định so với các ngành nghề khác khiến nghề báo luôn hấp dẫn giới trẻ.

Ngoài ra, đối với những bạn trẻ năng động, hướng ngoại thường chọn học ngành báo chí - truyền thông để có được cơ hội trải nghiệm, khám phá thực tế, chinh phục bản thân và theo khảo sát từ chính các sinh viên thì nghề báo được xem là một nghề thú vị.