Ngành sư phạm 5 năm tới: Cơ hội việc làm cho sinh viên sư phạm ra sao?
Bài toán đào tạo nhân lực trong ngành giáo dục sẽ còn nhiều bất cập, thậm chí đối với ngành sư phạm 5 năm tới, việc các sinh viên sinh sư phạm ra trường không có việc làm vẫn sẽ diễn ra.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được ngành Giáo dục triển khai thực hiện cho thấy có thể dự đoán về nhu cầu giáo viên sư phạm sẽ được tuyển dụng trong những năm tới đây.
Một số môn học mới như môn Tin học (cấp tiểu học), môn Âm nhạc, Mĩ thuật (cấp trung học phổ thông) rất cần giáo viên nhưng số lượng cũng không nhiều. Những môn học còn lại hiện nay thiếu thừa không đáng kể, chỉ có cấp mầm non và tiểu học thì nhu cầu tuyển dụng lớn hơn một chút.
Chính vì thế, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Quyết định 71 của Bộ Chính trị về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026. Trong đó, tổng biên chế viên chức được giao có 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn này.
Bộ Chính trị quyết định tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 là 2.234.720 biên chế, trong đó có 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương.
Theo đó, Bộ Chính trị quyết định tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 (không bao gồm biên chế công an, quân đội và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố) đến hết năm 2026 là 2.234.720 biên chế.
Với số lượng viên chức được giao cho ngành giáo dục trong 5 năm tới là 65.980 biên chế thì bình quân mỗi năm cả nước sẽ tuyển hơn 13 ngàn giáo viên mới. Trong khi, nhìn vào số lượng chỉ tiêu tuyển sinh mà ngành Giáo dục giao cho khối trường sư phạm thì chúng ta thấy cơ hội việc làm của sinh viên sư phạm sau khi ra trường những năm tới đây sẽ không nhiều.
Ngành sư phạm 5 năm tới vẫn sẽ xảy ra tình trạng thừa giáo viên
Thực ra, việc sinh viên sư phạm ra trường không tìm được cơ hội việc làm đã xảy ra từ nhiều năm qua ở gần hết các địa phương trên cả nước chứ không phải bây giờ và những năm tới đây mới xảy ra. Khác với những ngành học khác, sinh viên sư phạm ra trường nếu không tìm được cơ hội đứng lớp sẽ rất khó làm trái ngành nghề khác vì ngành sư phạm mang một đặc trưng rất riêng.
Vì thế, những năm qua, gần như sinh viên sư phạm chưa được tuyển dụng vào ngành giáo dục thường đi làm công nhân hoặc bán hàng ở các siêu thị, bách hóa là chủ yếu.
Trong những năm tới đây, giai đoạn 2022-2026, số lượng biên chế viên chức ngành Giáo dục được giao có 65.980 biên chế. Nếu so với các ngành nghề khác thì số lượng này là con số nhiều nhưng nếu so với chỉ tiêu đào tạo của các trường sư phạm thì con số này đang rất khiêm tốn.
Bởi lẽ, nếu lấy mốc tuyển dụng từ năm 2022 này, chúng ta sẽ bắt đầu từ các mùa tuyển sinh vừa qua, năm 2018 Bộ Giáo dục và Đào tạo phân bổ cho các trường sư phạm là 35.000 chỉ tiêu; năm 2019 là 35.000 chỉ tiêu; năm 2020 là 69.630 chỉ tiêu…
Như vậy, với số lượng tuyển dụng viên chức cho 5 năm tới đây là 65.980 biên chế thì chỉ cần số lượng đào tạo của năm 2020 với 69.630 chỉ tiêu cũng đã đáp ứng dư thừa chỉ tiêu biên chế được giao.
Trong thực tế những năm vừa qua, ngành giáo dục ở các địa phương chỉ thiếu biên chế giáo viên mầm non, tiểu học và một số môn đặc thù ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông còn nhiều môn học số lượng tuyển dụng rất ít, thậm chí có địa phương không tuyển.
Đối với cấp trung học cơ sở khi thực hiện cuốn chiếu xong, nhiều trường sẽ xảy ra tình trạng thừa giáo viên các môn Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Sinh học, Vật lý vì 5 môn này sẽ tích hợp thành 2 môn nên việc phân công giảng dạy sẽ không còn như trước đây nữa. Mỗi giáo viên sẽ dạy cả môn tích hợp nên tình trạng dư thừa giáo viên sẽ xảy ra là điều chắc chắn.
Giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông dù phải tuyển mới hoàn toàn nhưng nếu tuyển đủ cũng chỉ cần đến số lượng khoảng trên 5000 giáo viên cho môn học này.
Trong khi đó, những sinh viên sư phạm ngành Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Sinh học, Vật lý sẽ khó khăn tìm kiếm việc làm hơn các ngành học khác. Vì các chuyên ngành này trước đây có thể xin việc ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông nhưng chương trình mới ở cấp trung học cơ sở đã không còn các môn học này. Cấp trung học phổ thông thì các môn Địa lý, Hóa học, Sinh học, Vật lý cũng đã chuyển sang các môn học lựa chọn nên số lượng học sinh đăng ký học các môn này sẽ giảm và dẫn đến số tiết cũng giảm theo.
Sinh viên sư phạm phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ nếu không công tác trong ngành giáo dục
Theo hướng dẫn của ngày 25/9/2020 của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP thì sinh viên sư phạm được đào tạo từ năm học 2021-2022 trở đi sẽ thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Cụ thể, tại Điều 4 của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP hướng dẫn mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ như sau: "Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học; Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học. Trong trường hợp tổ chức giảng dạy theo học chế tín chỉ, cơ sở đào tạo giáo viên có thể quy đổi mức hỗ trợ cho phù hợp với học chế tín chỉ. Tổng kinh phí hỗ trợ của cả khóa học theo học chế tín chỉ không vượt quá mức hỗ trợ quy định cho khóa học theo năm học".
Tuy nhiên, tại Điều 6 của Nghị định này cũng hướng dẫn đối tượng phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt gồm: "Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách không công tác trong ngành giáo dục sau 02 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp; Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách và công tác trong ngành giáo dục nhưng không đủ thời gian công tác theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này; Sinh viên sư phạm được hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học".
Như vậy, nếu sinh viên sư phạm không tìm kiếm được việc làm cũng có thể phải trả phí đào tạo vì Nghị định hướng dẫn "sau 02 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp" mà không công tác trong ngành giáo dục là phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ.
Nhưng, nhìn từ thực tế thì giai đoạn giai đoạn 2022-2026 ngành Giáo dục được giao có 65.980 biên chế nên không thể tuyển quá số lượng này. Trong khi, mỗi năm có mấy chục ngàn giáo sinh sư phạm ra trường.
Chính vì thế, bài toán nhân lực ngành sư phạm sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Có thể một số môn đặc thù, môn học mới thì không có giáo viên để tuyển nhưng một số môn học lại dư thừa nhân lực, thậm chí dư thừa rất nhiều.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google