Giáo viên đối mặt với áp lực sổ sách kế hoạch giáo dục đầu năm học

Thành Phúc
15:33 - 15/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Theo Công văn 5512/BGDĐT, Vụ Giáo dục Trung học tập huấn cho giáo viên và giới hạn thực hiện kế hoạch giáo dục ở những lớp giảng dạy chương trình mới nhưng nhiều trường học lại yêu cầu giáo viên thực hiện ở tất cả các lớp.

Chính vì thế, giáo viên dưới cơ sở quay như chong chóng khi thực hiện các kế hoạch giáo dục ở thời điểm đầu năm học nhưng khối lượng công việc khổng lồ này không mang lại hiệu quả gì cụ thể.

Nặng nề kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT

Ngày 18/12/2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 5512/BGDĐT và yêu cầu triển khai ở các nhà trường nhưng ngay từ năm đầu tiên đã vấp phải những ý kiến phản đối của đội ngũ nhà giáo trên cả nước vì các kế hoạch giáo dục quá dài dòng, vô bổ và lặp lại ở các hoạt động.

Vì thế, ngày 23/6/2021, Bộ ban hành Công văn số 2613 /BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022 đã hướng dẫn: "Đối với lớp 6: Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Để hướng dẫn cho năm học 2022-2023 này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình và yêu cầu đối với lớp 6, lớp 7, lớp 10 như sau: "Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. 

Cho dù, cả 2 công văn trên đều hướng dẫn: "Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn học", nhưng khi thực hiện các kế hoạch giáo dục ở nhà trường thì không.

Nhiều Sở, Phòng Giáo dục gửi kế hoạch năm học về các nhà trường và hướng dẫn giáo viên thực hiện các kế hoạch giáo dục theo các mẫu phụ lục của Công văn số 5512/BGDĐT nên các trường học buộc phải thực hiện theo. Có Ban giám hiệu còn "sáng tác" thêm nhiều cột nữa khiến cho giáo viên thực hiện thêm đầu việc ở thời điểm đầu năm học.

Những ý kiến góp ý, phản biện của giáo viên trong các cuộc họp của nhà trường gần như không được Ban giám hiệu ghi nhận vì mặc định hướng dẫn của Bộ, của Sở thì nhà trường và giáo viên bắt buộc phải thực hiện theo.

Trong khi, Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học hướng dẫn: "Căn cứ chương trình các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông, khung kế hoạch thời gian năm học và điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ sở giáo dục, nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường để tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông". Tuy nhiên, nhiều trường không dám tự chủ, ngay cả các kế hoạch giáo dục cũng e ngại cấp trên nên rập khuôn một cách máy móc, hình thức.

Chính vì thế, thời điểm đầu năm học thì giáo viên không chỉ vất vả với việc giảng dạy chương trình mới mà còn phải lao tâm, khổ tứ để làm các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn. Những thầy cô tổ trưởng chuyên môn thì phải thực hiện quá nhiều các kế hoạch theo quy định của nhà trường. Thời gian dành cho hồ sơ sổ sách còn nhiều hơn đầu tư cho chuyên môn của mình.

Máy móc, hình thức trong triển khai kế hoạch đầu năm

Khi Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH được ban hành, mỗi tiết dạy của giáo viên nhiều khi phải soạn đến gần chục trang giáo án A4 mới đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Mặc dù có những kế hoạch làm ra chỉ có một mục đích duy nhất là để nhà trường ký duyệt rồi lưu, phòng sau này có thanh, kiểm tra thì mang kế hoạch ra, còn không nó vĩnh viễn trên giấy. 

Khi các tổ trưởng chuyên môn làm kế hoạch dạy học môn học theo khung kế hoạch dạy học môn học tại Phụ lục 1- Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH thì phải thực hiện khung phân phối chương trình và phải đưa "yêu cầu cần đạt" từng tiết học vào kế hoạch. Trong khi, các tổ chuyên môn ở trường phổ thông hiện nay phần lớn là các tổ ghép nên tổ trưởng chuyên môn phải thực hiện nhiều yêu cầu cần đạt ở các môn học khác nhau.

Ví dụ như khi thực hiện chương trình mới thì các môn học Sinh học, Hóa học, Vật lý ở cấp Trung học cơ sở hiện nay được gộp thành môn Khoa học tự nhiên. Vì thế, cho dù trước đây khi chương trình 2006 thì các môn học này có thể được chia thành 2 tổ thì bây giờ bắt buộc phải gộp thành một tổ chuyên môn. Bên cạnh môn Khoa học tự nhiên thì tổ này phải dạy môn Công nghệ từ lớp 7 đến khối 9. Chính vì thế, khi thực hiện Kế hoạch dạy học môn học thì tổ trưởng phải liệt kê tất cả yêu cầu cần đạt của môn Khoa học tự nhiên và môn Công nghệ vào kế hoạch của tổ.

Môn Khoa học tự nhiên (lớp 6,7); các môn Sinh học, Hóa học, Vật lý (lớp 8,9) mỗi tuần có 4 tiết thì 4 khối sẽ có 560 tiết, cộng thêm môn Công nghệ lớp 7,8,9 mỗi tuần có 2 tiết/ lớp thì mỗi năm học 3 khối này có 210 tiết. Vì thế, cộng cả môn Khoa học tự nhiên và Công nghệ sẽ có số tổng là 770 tiết. Nếu chỉ cần liệt kê yêu cầu cần đạt mỗi tiết học 3 dòng thì chỉ riêng mục này cũng đã mất hơn 2000 dòng trong kế hoạch. 

Thử hỏi, khi phải làm như vậy thì các thầy cô tổ trưởng còn đâu để đầu tư cho chuyên môn. Bởi, yêu cầu cần đạt chỉ là một mục trong kế hoạch môn học mà tổ trưởng phải làm.

Điều trớ trêu nhất là mục "yêu cầu cần đạt" đã có trong sách giáo khoa ở mỗi bài học và khi soạn giáo án thì bắt buộc giáo viên cũng phải thực hiện, liệt kê vào. Vì thế, chỉ yêu cầu cần đạt của bài học mà giáo viên phải làm đi, làm lại ở nhiều nơi.

Ngoài ra, còn vô vàn các kế hoạch khác nữa, bởi trong Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH có tới 4 kế hoạch mà bắt buộc các tổ trưởng chuyên nhà trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông phải thực hiện vì họ vừa quản lý tổ, vừa dạy lớp. Đó là chưa kể kế hoạch ôn tập, kế hoạch phụ đạo, kế hoạch ôn thi học sinh giỏi, kế hoạch ôn tập học kỳ, báo cáo tháng, báo cáo phong trào… mà hàng tháng các thầy cô tổ trưởng chuyên môn phải làm.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã và đang triển khai, vai trò của thầy cô tổ trưởng rất quan trọng nhưng với áp lực hồ sơ sổ sách quá nhiều sẽ chiếm quỹ thời gian của chuyên môn. Như vậy thì họ việc đầu tư cho chuyên môn, cho quản lý tổ sẽ bị ảnh hưởng. 

Bình luận của bạn

Bình luận