Mua sách giáo khoa từ ngân sách cần khảo sát kỹ nhu cầu thực tế

Ngọc Ánh
17:32 - 06/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tại hội thảo về về công tác biên soạn, thẩm định, xuất bản, lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ đang đề xuất Chính phủ phương án trích 3.500 tỉ đồng ngân sách mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn.

Cần khảo sát nhu cầu, tránh cào bằng

Theo ông Phạm Ngọc Thưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao bộ phận chuyên môn nghiên cứu, tính toán và đề xuất 3 phương án mua sách giáo khoa từ ngân sách khác nhau, gồm: phương án trích ngân sách mua đủ 100% nhu cầu, phương án mua sách cho 70% nhu cầu và phương án chỉ mua sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Sau khi nghiên cứu, Bộ đã lựa chọn phương án đáp ứng 70% nhu cầu. Số còn lại thuộc bộ phận người dân có điều kiện kinh tế ổn định, có thể tự mua sách cho con học. Dự kiến, Bộ sẽ triển khai từ năm học sau do năm học này không kịp thực hiện.

Trao đổi về đề xuất này, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đây là chủ trương rất nhân văn.

Theo Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, phương án cho mượn sách giáo khoa từ thư viện nhà trường nên ưu tiên triển khai đối với học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Còn đối với những gia đình khá giả có thể mua sách cho con em mình thì việc này là không cần thiết.

Mua sách giáo khoa từ ngân sách: cần khảo sát kỹ nhu cầu thực tế  - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, những học sinh có điều kiện mua sách giáo khoa, sau khi kết thúc năm học, các em có thể mang đến tặng lại thư viện của trường, như vậy sẽ tiết kiệm được chi phí, giảm số bộ sách giáo khoa cần phải mua mới để đưa vào thư viện.

Giáo sư Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất này của Bộ Giáo dục và Đào với 2 lý do:

Thứ nhất, sách giáo khoa được xã hội hóa, giá sách giáo khoa mới tăng 2-3 lần so với sách giáo khoa cũ. Vì vậy, việc dùng ngân sách mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí cho nhiều gia đình vào mỗi dịp đầu năm học mới và cũng hạn chế sự lãng phí.

Mua sách giáo khoa từ ngân sách: cần khảo sát kỹ nhu cầu thực tế  - Ảnh 3.

Việc dùng ngân sách mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí cho nhiều gia đình vào mỗi dịp đầu năm học mới. Ảnh: Ngọc Ánh

Thứ hai, khi sách giáo khoa được đưa vào thư viện trường, học sinh sẽ có cơ hội tham khảo nhiều đầu sách đến từ các nhà xuất bản khác nhau. 

Giáo sư Đinh Quang Báo cho rằng, khi xây dựng chính sách, việc xác định rõ đối tượng thụ hưởng phải được nghiên cứu kỹ lưỡng bởi mua hay mượn sách giáo khoa còn phụ thuộc vào sự lựa chọn của mỗi gia đình.

Do đó, khi triển khai đề xuất này vào thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có các giải pháp khác nhau phù hợp với nhu cầu, khả năng đa dạng của người dân để ngân sách rót đúng chỗ, tránh lãng phí.

Tăng cường số hóa, trang bị sách giáo khoa điện tử

Ở góc độ nhà trường, thầy Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoài Đức A (Hà Nội) nêu quan điểm: "Để tránh lãng phí, trước khi thực hiện, các địa phương nên khảo sát, tính toán nhu cầu mượn sách thực tế của học sinh, không nên cào bằng.

Nhiều gia đình sẵn sàng bỏ tiền để mua một bộ sách mới, nhưng với gia đình có thu nhập thấp hơn, mua một bộ sách mới hàng năm cũng là cả một vấn đề".

Vị Hiệu trưởng này cũng bày tỏ băn khoăn về chỗ chứa sách giáo khoa bởi nhiều trường còn thiếu phòng học, phòng thư viện còn nhỏ, hẹp, nếu tiếp nhận hàng nghìn bộ sách giáo khoa cùng một lúc thì sẽ bố trí chỗ để sách như thế nào?

Mua sách giáo khoa từ ngân sách: cần khảo sát kỹ nhu cầu thực tế  - Ảnh 4.

Trong khi đó, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, đây là một chính sách nhân văn, cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các cơ sở giáo dục.

"Chi một số tiền lớn từ ngân sách sẽ phải đắn đo, cân nhắc kỹ lưỡng. Thực tế, không phải tất cả học sinh đều thiếu sách, không có điều kiện mua sách giáo khoa, chỉ có một bộ phận học sinh thuộc hộ nghèo, ở miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp khó về vấn đề tài chính khi mua sách", thầy Huỳnh Thanh Phú cho hay.

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, để tiết kiệm và phù hợp với kinh tế của mọi gia đình, Chính phủ và các bộ, ngành có thẩm quyền phải kiểm soát hoặc đưa sách giáo khoa vào mặt hàng được quy định giá để phụ huynh dễ dàng tiếp cận.

Ngoài ra, các nhà xuất bản cũng nên thể hiện vai trò rõ hơn đối với các trường học. Nhà xuất bản có thể chiết khấu giá sách, giảm giá sách hoặc tặng một số lượng sách cho trường học để nhà trường hỗ trợ được những học sinh khó khăn.