Có thể bãi bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên được không?

Phan Thế Hoài
10:57 - 25/02/2024
Công dân & Khuyến học trên

Chính phủ yêu cầu bãi bỏ các chứng chỉ không cần thiết, hoàn thành trong quý II/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét bãi bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp.

Có thể bãi bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên được không?- Ảnh 1.

Việc bỏ kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đã giúp giáo viên thoát khỏi các quy định hành chính hình thức và tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí. Minh hoạ: pexel

Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 53/TB-VPCP ngày 15/2/2024 kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại Phiên họp thứ bảy ngày 2/2/2024.

Đáng chú ý, Thông báo có nội dung: "... bãi bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết, thu gọn các loại chứng chỉ trùng lặp về nội dung, hoàn thành trong Quý II năm 2024".

Nhiều giáo viên cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần bãi bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non và phổ thông công lập vì những lí do sau đây.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên có cần thiết?

Văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non và phổ thông công lập của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức bỏ yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ thì cũng nên quy đổi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên. Tin học, ngoại ngữ đáng phải học hơn là chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Bởi lẽ, giáo viên cần vững kiến thức tin học để soạn thảo văn bản, soạn bài giảng điện tử (PowerPoint)...; phải giỏi ngoại ngữ để khai thác tài liệu tham khảo từ tiếng nước ngoài để bổ trợ chuyên môn.

Ngành giáo dục cần bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên để triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - dạy học phát triển phẩm chất, năng lực người học - hơn là bắt buộc thầy cô phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Nhiều nội dung bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chồng chéo

Luật Viên chức quy định viên chức (trong đó có giáo viên) phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Cụ thể, Điều 8 Luật Viên chức định nghĩa: "Chức danh nghề nghiệp là tên gọi thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan quy định hệ thống danh mục, tiêu chuẩn và mã số chức danh nghề nghiệp".

Còn điểm a khoản 3 Điều 26 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là một trong những điều kiện để viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng, xét bổ nhiệm vào hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề.

Thế nhưng, liên quan đến những bất cập trong quy định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của viên chức hiện nay, vào thời điểm năm 2021, đại diện Bộ Nội vụ cho biết: "Nghị định chỉ là quy định chung, còn tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp vẫn là do các Bộ quản lý chuyên ngành đặt ra".

Có thể nhận thấy, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là do Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra dựa trên quy định của Luật Viên chức, Nghị định của Chính phủ. Tuy vậy, ngành giáo dục có những đặc thù riêng, giáo viên không nhất thiết phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Cụ thể, nhiệm vụ chính của giáo viên là giảng dạy, giáo dục học sinh và làm một số công việc có liên quan do hiệu trưởng phân công.

Nhưng, chương trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên lại dạy một số nội dung như: kiến thức về chính trị, quản lý Nhà nước; kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp...

Những nội dung này chồng chéo với một số học phần về nghiệp vụ sư phạm mà sinh viên đã được học ở trường đại học. Hơn nữa, hằng năm giáo viên đều bồi dưỡng thường xuyên những phạm vi kiến thức này.

Bãi bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên là hợp lí

Các thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Tuy vậy, khi đó (năm 2015) 2 Bộ này không có quy định cụ thể về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Chứng chỉ này chỉ cần thiết đối với những giáo viên có nhu cầu thăng hạng ở hạng cao hơn.

Cho đến khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập thì lại khác.

Theo đó, giáo viên ở hạng nào thì phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của hạng đó, nếu không muốn bị tụt hạng hoặc giữ mã ngạch cũ và hệ số lương cũ thấp so với hệ số lương mới theo quy định.

Tiếp đến, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, quy định 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chung đối với các hạng giáo viên. Mỗi cấp học chỉ có 1 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Mặc dù không cần phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hạng, nhưng để thăng hạng ở hạng cao hơn, giáo viên các cấp vẫn phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Ví dụ, giáo viên trung học phổ thông hạng 3 muốn thăng hạng giáo viên trung học phổ thông hạng 2 thì phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Đáng nói, để có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, giáo viên phải bỏ ra từ 2,5 - 3,0 triệu đồng để đóng học phí. Chưa kể, thầy cô giáo còn mất thời gian, công sức và chi phí đi lại khiến nhiều người không khỏi bức xúc.

Theo quy định, muốn bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên thì cần thiết phải xem xét, sửa các quy định tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP là có thể sử dụng chứng chỉ của chuyên ngành thay thế.

Tuy nhiên, luật hay các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến ngành giáo dục cũng phải bắt nguồn từ thực tiễn giảng dạy của giáo viên. Trong đó, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cần được bãi bỏ để giáo viên chuyên tâm vào dạy học.