Giáo viên vui mừng vì được bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Ly Hương
12:27 - 24/12/2023
Công dân & Khuyến học trên

Chính phủ ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP trong đó có nội dung bãi bỏ hình thức thi, chỉ giữ lại xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức dựa vào năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ khiến đội ngũ giáo viên đồng tình, phấn khởi.

Giáo viên vui mừng vì được bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp- Ảnh 1.

Giáo viên vui mừng vì được bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Ảnh: VSBA

Thời gian qua, việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên còn một số bất cập chưa thể tháo gỡ được. Đại diện Bộ Nội vụ từng cho biết, viên chức tập trung chủ yếu ở ngành giáo dục, y tế, khoa học công nghệ là những ngành chưa ban hành quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để tổ chức thi.

Riêng ngành giáo dục, có địa phương tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhưng có nơi vẫn thi khiến giáo viên bị thiệt thòi về quyền lợi. Bởi vì, việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp gây khó khăn cho giáo viên - phải làm bài thi liên quan đến luật, ngoại ngữ, tin học.

Cùng với đó, việc chưa quy định được nội dung thi dẫn tới thi chưa sát với yêu cầu vị trí việc làm cũng như công việc của viên chức. Chính vì vậy, thi còn hình thức và không phản ánh được thực chất của việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức qua thi đánh giá.

Ngoài ra, viên chức được quy định vị trí việc làm chưa rõ ràng, mà số lượng viên chức rất lớn, khoảng gần 2 triệu viên chức (riêng ngành giáo dục khoảng 1,5 triệu) trong cả nước. Việc tổ chức thi hằng năm rất khó, số lượng tổ chức thi được rất ít.

Do vậy, những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện xếp hàng dài chưa được thi, ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cao trình độ, quyền lợi chính đáng của đội ngũ viên chức, đặc biệt là giáo viên.

Chính phủ ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP bãi bỏ hình thức thi, chỉ giữ lại xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức dựa vào năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ khiến giáo viên đồng tình, phấn khởi.

Theo đó, giáo viên có nhu cầu xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì cần đáp ứng được các điều kiện như: xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không bị kỉ luật; có năng lực, trình độ nghiệp vụ để đảm nhiệm chức danh ở hạng cao hơn.

Cũng theo quy định mới, giáo viên có thành tích cao trong quá trình công tác sẽ được ưu tiên trong việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Theo đó, nếu có nhiều hơn số chỉ tiêu thăng hạng được phê duyệt thì xác định kết quả trúng tuyển theo thứ tự: người có thành tích cao đã được công nhận; viên chức là nữ; viên chức là người dân tộc thiểu số; viên chức nhiều tuổi hơn; viên chức có thời gian công tác nhiều hơn.

Đáng chú ý, Nghị định 85/2023/NĐ-CP phân cấp tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập. Đó là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I xếp lương loại A3 theo phân cấp, ủy quyền.

Tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I xếp lương loại A2 và từ hạng II trở xuống đối với viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp đã được phê duyệt.

Theo quy định này, hiệu trưởng được quyền chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên. Việc phân cấp, phân quyền cho người đứng đầu trường học sẽ góp phần giảm tải công việc cho Sở/Phòng Nội vụ, Sở/Phòng Giáo dục Đào tạo, giáo viên sẽ được chuyển hạng, xếp lương nhanh hơn, đảm bảo quyền lợi chính đáng.

Có thể nhận thấy, việc Chính phủ bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đã giải quyết được nhiều bất cập như đã nêu. Đối với giáo viên, thầy cô giáo sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc vì không phải ôn thi luật, ngoại ngữ, tin học.

Thời gian qua, nhiều giáo viên giỏi chuyên môn, nghiệp vụ nhưng vẫn thi rớt thăng hạng chức danh nghề nghiệp vì thầy cô (ngoại trừ giáo viên ngoại ngữ) gặp trở ngại rất lớn đối với môn ngoại ngữ (chủ yếu tiếng Anh). Giáo viên hầu như không sử dụng tiếng Anh kể từ khi tốt nghiệp đại học thì rất khó để đạt điểm trung bình.

Cũng cần phải nói thêm, nhiều giáo viên gặp khó khăn đối với môn thi liên quan đến luật. Giáo viên phải học hàng chục văn bản quy phạm pháp luật, trong khi công việc chính của thầy cô là giảng dạy và giáo dục học sinh, cũng là một áp lực rất lớn.

Vậy nên, việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp vừa đảm bảo quyền lợi của giáo viên khi đã đủ điều kiện bằng cấp, chứng chỉ,… vừa cho thấy sự minh bạch trong quy trình xét duyệt theo quy định. Và điều phấn khởi nhất là, khi được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì giáo viên sẽ có thêm thời gian, công sức để nghiên cứu, giảng dạy hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.