Bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, có phải giáo viên nào cũng được xét?

Phan Anh
11:51 - 22/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Việc xét thăng hạng giáo viên hiện nay căn cứ theo Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, có phải giáo viên nào cũng được xét? - Ảnh 1.

Bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, có phải giáo viên nào cũng được xét. Minh hoạ: chinhphu.vn

Chính phủ đồng ý bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức

Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang liên quan đến việc rà soát các văn bản, đề án do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng năm 2023.

Liên quan đến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo giải đáp một số vấn đề trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT.

Đối với vấn đề giáo viên đề nghị bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhất trí việc đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là có căn cứ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2020/NĐ-CP, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này. Hiện Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Bộ Nội vụ rà soát, tiếp thu ý kiến bộ, ngành, địa phương, chỉnh lý dự thảo Nghị định, bảo đảm thực hiện thống nhất quy định xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và bảo đảm quyền, lợi ích của đội ngũ viên chức hoạt động chuyên ngành, tránh phát sinh vướng mắc khi thực hiện, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Như vậy, khi Nghị định được thông qua, viên chức sẽ không còn phải thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giáo viên các cấp như sau:

Thứ nhất, cơ sở giáo dục có nhu cầu và được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý cử đi dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Thứ hai, được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức quy định tại Điều 56 Luật Viên chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Thứ ba, đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhận.

Thứ tư, đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của hạng đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng theo quy định hiện hành về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Trường hợp giáo viên đủ điều kiện miễn thi môn ngoại ngữ, tin học theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 39 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì được xác định là đáp ứng tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học của hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Như vậy, giáo viên mầm non và phổ thông công lập phải đáp ứng các tiêu chuẩn trên thì mới được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Bình luận của bạn

Bình luận