Bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp: Giáo viên sẽ được giải tỏa áp lực thi cử
Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Bộ Nội vụ rà soát, tiếp thu ý kiến Bộ, ngành, địa phương, chỉnh lý dự thảo Nghị định, bảo đảm thực hiện thống nhất.
Giáo viên vui mừng không phải thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang liên quan đến việc rà soát các văn bản, đề án do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng năm 2023.
Liên quan đến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Bộ Nội vụ rà soát, tiếp thu ý kiến Bộ, ngành, địa phương, chỉnh lý dự thảo Nghị định, bảo đảm thực hiện thống nhất quy định xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và bảo đảm quyền, lợi ích của đội ngũ viên chức hoạt động chuyên ngành, tránh phát sinh vướng mắc khi thực hiện, trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Trước thông tin Chính phủ đồng ý bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, nhiều giáo viên tỏ ra rất vui mừng. Thầy cô giáo cho biết, việc xét thăng hạng phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và nguyện vọng tha thiết của hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước.
Hơn nữa, việc bỏ thi thăng hạng giúp giáo viên tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc để nghiên cứu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bồi dưỡng chuyên môn và chăm lo cho học sinh được tốt hơn.
Hơn nữa, sắp tới đây nhiều giáo viên sẽ được thăng hạng vì khi xét hồ sơ, những thành tích mà thầy cô giáo đạt được bao giờ cũng được ưu tiên, ghi nhận. Chẳng hạn, giáo viên đạt thành tích giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở… sẽ là một lợi thế khi xét thăng hạng.
Thi hay xét thăng hạng chức danh cũng khó hóa giải hết bất cập
Việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp sẽ giảm áp lực tối đa cho giáo viên trong quá trình ôn tập, thi cử. Tuy vậy, nhiều giáo viên vẫn không đồng tình việc phân hạng chức danh như hiện nay vì thiếu cơ sở.
Chẳng hạn, Luật Giáo dục và các văn bản quy phạm pháp luật đều quy định nhiệm vụ chính của giáo viên là giảng dạy và giáo dục học sinh. Như thế, giáo viên hạng I, II, III cũng đều làm một nhiệm vụ như nhau thì không cần thăng hạng.
Đáng nói, giáo viên được thăng hạng chức danh thì có hệ số lương cao hơn người chưa được thăng hạng. Nhưng sau khi được thăng hạng, vẫn có nhiều trường hợp hiệu trưởng không ra quyết định phân công nhiệm vụ cho họ khiến giáo viên hạng thấp hơn so bì.
Một điều đáng quan tâm nữa là, gần như giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông không có cơ hội thăng hạng I (hạng cao nhất) vì các nhiệm vụ quy định không phù hợp với thực tiễn dạy học của thầy cô giáo.
Ví dụ, Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT quy định nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng I như sau (trích): Tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương. Làm báo cáo viên, chia sẻ kinh nghiệm hoặc dạy minh họa ở các lớp tập huấn, bồi dưỡng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên từ cấp tỉnh trở lên…
Hiện tại, ở Thành phố Hồ Chí Minh không có giáo viên bậc trung học phổ thông nào tham gia biên soạn sách giáo khoa cả (trừ sách tham khảo). Còn công việc báo cáo viên thường do chuyên viên hoặc tổ trưởng chuyên môn đảm nhiệm, chứ không phải là giáo viên hạng I.
Giáo viên mong trả lương theo vị trí việc làm để không còn phải thăng hạng
Trong nhiều năm trở lại đây, lương của cán bộ, công chức, viên chức đều được tính theo một công thức chung là hệ số lương nhân với mức lương cơ sở. Có nhiều bậc lương khác nhau, công tác càng lâu, lương sẽ càng tăng (cứ sau 03 năm lại được nâng bậc lương). Đồng thời, việc xếp lương cũng được tính theo bằng cấp (cứ tốt nghiệp đại học là có hệ số lương khởi điểm 2,34).
Cách thức trả lương hiện nay được cho là có tính chất "cào bằng", không đánh giá được đúng năng lực, vị trí của cán bộ, công chức, viên chức; không tạo động lực cống hiến cho những người thật sự có tài, cũng như không khuyến khích, thu hút được những người giỏi về công tác tại các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Tại Nghị quyết 27, Bộ Chính trị khẳng định: "Quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương".
Vậy thế nào là trả lương theo vị trí việc làm? Tại khoản 1 Điều 7 Luật Viên chức 2010 cho biết: "Vị trí việc làm là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng…"
Bộ Chính trị đã từng nhiều lần khẳng định tại Nghị quyết 27 rằng: "Sẽ xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành".
Theo đó, mỗi ngành sẽ có một số vị trí việc làm; mỗi vị trí việc làm có mức lương riêng cụ thể theo mức độ phức tạp của công việc, không còn "cào bằng" giữa mọi ngành như hiện nay.
Người dù mới được tuyển dụng/bổ nhiệm nếu đáp ứng được yêu cầu công việc tại vị trí việc làm đó sẽ được lương tương xứng với công sức và kết quả làm việc. Riêng những người giữ chức vụ lãnh đạo được hưởng lương theo chức danh, chức vụ đang giữ.
Như vậy, tiền lương theo vị trí việc làm là tiền lương được trả theo đúng năng lực thực chất, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của cán bộ, công chức, viên chức, thay vì phụ thuộc vào thâm niên công tác, bằng cấp như hiện tại. Và giáo viên sẽ không còn thăng hạng chức danh nghề nghiệp nữa.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google