Bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp: Những quy định mới giáo viên cần biết

Ly Hương
14:18 - 17/12/2023
Công dân & Khuyến học trên

Chính phủ ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2023 về tuyển dụng và quản lý viên chức, trong đó sửa đổi tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp: Những quy định mới giáo viên cần biết- Ảnh 1.

Giáo viên cần biết tiêu chuẩn mới để giáo viên thăng hạng nghề nghiệp.

Nghị định 85/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện từ ngày 7/12/2023. Giáo viên là viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập chịu ảnh hưởng bởi Nghị định này.

Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Viên chức được đăng ký dự xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

Thứ nhất, được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật;

Thứ hai, có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp;

Thứ ba, đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng. Trường hợp tại thời điểm xét thăng hạng mà Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành chưa ban hành quy định nội dung, chương trình, hình thức, thời gian bồi dưỡng theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Nghị định này thì không phải đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp; viên chức được xét thăng hạng được coi là đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của hạng được xét;

Thứ tư, đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng, trừ trường hợp xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà chức danh nghề nghiệp đó theo quy định tại thời điểm xét không có hạng dưới liền kề.

Như vậy, Nghị định 85/2023/NĐ-CP đã bỏ quy định: "Cơ sở giáo dục có nhu cầu và được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý cử đi dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp".

Phân công, phân cấp tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập

Thứ nhất, Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Quyết định chỉ tiêu thăng hạng phù hợp với vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp đã được phê duyệt;

Chủ trì tổ chức hoặc phân cấp, ủy quyền việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I trở xuống đối với viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này.

Thứ hai, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này:

Tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I xếp lương loại A3 theo phân cấp, ủy quyền;

Tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I xếp lương loại A2 và từ hạng II trở xuống đối với viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp đã được phê duyệt;

Quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương, nâng bậc lương (thường xuyên, trước thời hạn), phụ cấp thâm niên vượt khung đối với viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng I trở xuống (bao gồm cả chức danh nghề nghiệp hạng I xếp lương viên chức loại A3) thuộc phạm vi quản lý.

Việc phân công, phân cấp tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng.

Theo quy định này, hiệu trưởng/giám đốc được phân cấp, phân quyền tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên. Trước đây, việc xét/thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp do Phòng Nội vụ kết hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ kết hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Có thể nhận thấy, việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được chuyển về người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập (trường, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp) sẽ giảm được áp lực cho các cơ quan quản lí giáo dục, quản lí viên chức.

Xác định viên chức trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng

Thứ nhất, viên chức trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng là người đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định này, được người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức xét thăng hạng công nhận kết quả trúng tuyển kỳ xét thăng hạng.

Thứ hai, trường hợp cơ quan, đơn vị có số lượng viên chức dự xét thăng hạng nhiều hơn số chỉ tiêu thăng hạng đã được phê duyệt thì việc xác định viên chức trúng tuyển xét thăng hạng thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau:

1) Viên chức có thành tích cao hơn trong hoạt động nghề nghiệp đã được cấp có thẩm quyền công nhận; 2) Viên chức là nữ; 3) Viên chức là người dân tộc thiểu số; 4) Viên chức nhiều tuổi hơn (tính theo ngày, tháng, năm sinh); 5) Viên chức có thời gian công tác nhiều hơn.

Thứ ba, trường hợp không xác định được người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng viên chức thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức xét thăng hạng có văn bản báo cáo với người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý viên chức và quyết định người trúng tuyển theo ý kiến của người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý viên chức.".

Theo quy định này, giáo viên giỏi chuyên môn, nghiệp vụ và có nhiều thành tích trong công tác; giáo viên có thâm niên giảng dạy sẽ có nhiều lợi thế hơn khi xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Bình luận của bạn

Bình luận