Chuyện cấp căn cước công dân cho người được đề nghị đặc xá trong trại giam

05:49 - 27/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Những ngày này, cán bộ chiến sĩ Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, công an các địa phương, nơi có Trại giam đóng quân đang nỗ lực hết mình để thu nhận dữ liệu căn cước công dân, hoàn thành cấp căn cước công dân cho các phạm nhân được đề nghị đặc xá, tha tù trong dịp 2/9 sắp tới.

Chuyện cấp căn cước công dân cho người được đề nghị đặc xá trong trại giam - Ảnh 1.

Cán bộ Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội vào Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Kạn làm thủ tục cấp Căn cước công dân cho phạm nhân được đề nghị đặc xá năm 2022.

Triển khai thu nhận hồ sơ căn cước công dân gắn chíp cho phạm nhân ở các trại giam

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về việc triển khai thu nhận hồ sơ căn cước công dân gắn chíp cho phạm nhân ở các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ được đề nghị đặc xá năm 2022 theo quyết định của Chủ tịch nước; Công an các huyện có trại giam đóng quân và Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã tranh thủ thời gian đến các cơ sở giam giữ để thu nhận dữ liệu, hồ sơ căn cước công dân.

Trước đó, để thông tin cá nhân của các trường hợp đặc xá được thu nhận hồ sơ căn cước công dân được đảm bảo, Cục Cảnh sát Quản lý Trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng đã trực tiếp làm việc với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội về việc cấp căn cước công dân cho người được đặc xá. Có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Văn Long và chuyển danh sách các phạm nhân đủ điều kiện đặc xá cùng với dữ liệu phạm nhân liên quan để chủ động thu thập dữ liệu dân cư, làm các thủ tục cấp căn cước công dân cho người được đặc xá kịp thời. Chỉ đạo Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Công an các địa phương trong việc thu nhận hồ sơ phục vụ việc cấp căn cước công dân nhanh chóng, thuận lợi, đạt kết quả tốt.

Tại Công an các tỉnh, lực lượng Công an đã tập trung lực lượng, khẩn trương rà soát, cập nhật thông tin từng trường hợp đảm bảo chính xác, đồng thời tổ chức thu nhận hồ sơ căn cước công dân theo quy định.

Đến các trại giam để thu thập dữ liệu công dân

Có mặt tại các địa phương, chúng tôi mới thấy hết được sự khẩn trương, tích cực của lực lượng Công an trong thực hiện nhiệm vụ. Như trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá – nơi có 4 Trại giam trực thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hướng dẫn Công an các huyện đến các trại giam trên địa bàn để thu thập dữ liệu công dân của các phạm nhân, đối chiếu, so sánh sau đó gửi thông tin để Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp căn cước công dân cho phạm nhân kịp thời.

Thượng tá Lê Hồng Thái, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, để đảm bảo tiến độ cấp căn cước công dân cho các phạm nhân được đặc xá, tha tù dịp 2/9, Công an tỉnh Thanh Hoá đã tranh thủ ngày nghỉ lễ 19/8, thứ 7, chủ nhật đến các trại giam, trại tạm giam để thu thập dữ liệu căn cước công dân. Hiện nay, Bộ Công an đã nâng cấp phần mềm và yêu cầu các đơn vị cập nhật phần mềm mở để có thể thu nhận được tất cả dữ liệu của các phạm nhân được đề nghị đặc xá, tha tù đợt này. Chính vì vậy, dù là công dân của địa phương nào thì khi thi hành án trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá cũng được thu thập dữ liệu để làm căn cước công dân.

Được biết, theo đề nghị đặc xá của Bộ Công an, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có 159 phạm nhân được đề nghị đặc xá thuộc 4 trại giam của Bộ gồm: Trại giam Thanh Lâm, Trại giam Thanh Cẩm, Trại giam số 5, Trại giam Thanh Phong và Trại tạm giam Công an tỉnh. Công an tỉnh Thanh Hoá đã thu nhận thông tin công dân được 152 trường hợp để đề nghị cấp căn cước công dân, 7 trường hợp cần xác minh, làm rõ thêm.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang – nơi Trại giam Ngọc Lý đóng quân và Trại tạm giam Công an tỉnh có 123 trường hợp là phạm nhân đang chấp hành được đề nghị đặc xá đợt này. Trong buổi sáng thứ 7 ngày 20/8, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Tân Yên và Công an thành phố Bắc Giang đã tổ chức triển khai thực hiện thu nhận hồ sơ căn cước công dân cho 123 trường hợp là phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam trên địa bàn tỉnh để đề nghị Bộ Công an in thẻ căn cước công dân, hoàn thành nhiệm vụ Bộ Công an giao.

Còn tại Cà Mau, Tổ công tác Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Cà Mau đã mang các trang thiết bị đến Trại giam Cái Tàu đóng trên địa bàn xã Khánh An, huyện U Minh để thực hiện quy trình cấp công cước công dân cho 39 phạm nhân trong danh sách được đặc xá của Chủ tịch nước.

Tại Trại giam Hoàng Tiến ở Chí Linh, Hải Dương, sau khi được Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Hải Dương tổ chức lưu động để thu thập dữ liệu công dân, các phạm nhân được đề nghị đặc xá đều rất vui mừng vì họ sắp được trở thành công dân tự do với đầy đủ giấy tờ trong tay, không phải lo lắng gì. Đặc biệt đối với những người ở vùng sâu, vùng xa, hiểu biết hạn chế, đi lại khó khăn thì có căn cước công dân là hạnh phúc vô bờ với họ.

Chuyện cấp căn cước công dân cho người được đề nghị đặc xá trong trại giam - Ảnh 3.

Các cán bộ Công an làm thủ tục cấp căn cước công dân cho phạm nhân được đề nghị đặc xá

tại Trại giam Ngọc Lý.

Để phạm nhân được đặc xá có đầy đủ giấy tờ cá nhân

Nói về điều này, phạm nhân Lữ Thị Thiên, sinh năm 1988, trú ở bản Na Lượng, xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn, Nghệ An – người dân tộc Khơ Mú không giấu được niềm vui, xúc động cảm ơn các cán bộ đã tạo điều kiện tốt nhất cho mình.

Được biết, phạm nhân Lữ Thị Thiên phạm tội mua bán người. Đến nay, phạm nhân Thiên đã chấp hành án được gần 8 năm, đủ điều kiện được đề nghị Chủ tịch nước đặc xá lần này. Do gia đình khó khăn, ở xa nên những năm qua, gia đình không ai thăm nuôi, nhưng được sự giúp đỡ, động viên của các cán bộ, phạm nhân Thiên đã cải tạo tiến bộ.

Đặc biệt, Thiên có một cậu con trai, lúc bị bắt, cháu mới được 1 tuổi nên được đưa đi thi hành án ở Trại giam Hoàng Tiến cùng với mẹ. Khi cháu đủ 36 tháng, gia đình không có ai đón về nên Trại giam Hoàng Tiến đã gửi cháu vào Trung tâm bảo trợ xã hội của Thành phố Chí Linh. Đến nay, cháu đã học lớp 2. Chính vì vậy, được trở thành công dân tự do, có giấy tờ tùy thân, được sống với con, Thiên mừng lắm.

Thiên cho biết: "Tôi đi khỏi địa phương sang Trung Quốc từ rất lâu rồi, không có giấy tờ gì. Nay được cấp căn cước công dân tôi mừng lắm. Nếu không được cán bộ đến trại cấp căn cước công dân cho tôi, tôi cũng chưa biết thủ tục thế nào, đến đâu để làm. Tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước, Bộ Công an đã tạo điều kiện cho những người lầm lỗi như chúng tôi".

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, việc thu nhận dữ liệu, cấp căn cước công dân cho người được đặc xá là một trong những công tác chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng cho các phạm nhân; để khi họ trở về nhà có đầy đủ giấy tờ để sử dụng giao dịch trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Cùng với công tác thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân lưu động cho các phạm nhân được đề nghị đặc xá, tha tù, cán bộ chiến sĩ lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về Luật Cư trú cho các phạm nhân để khi trở về cộng đồng họ nắm rõ được các quy định của pháp luật, thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

Nguồn: Báo Công An Nhân Dân