Hà Nội mở đợt cao điểm 30 ngày đêm cấp căn cước công dân gắn chíp cho người dân

Công Ngọc
15:55 - 25/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Từ ngày 25/7 đến 25/8/2022, Công an thành phố Hà Nội mở đợt cao điểm 30 ngày đêm thu nhận hồ sơ để cấp căn cước công dân gắn chíp cho những công dân đủ điều kiện còn lại trên toàn thành phố.

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về việc yêu cầu 5 thành phố trực thuộc Trung ương phải hoàn thành công tác cấp căn cước công dân gắn chíp cho tất cả người dân đủ điều kiện trên địa bàn. Mọi thủ tục phải hoàn tất trước ngày 31/8/2022.

Do đó, để đảm bảo huy động tối đa mọi nguồn lực, cần phân công rõ trách nhiệm, đảm bảo đúng tiến độ, đúng quy định của pháp luật. Mới đây, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã ban hành Mệnh lệnh 01 mở cao điểm 30 ngày đêm thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp.

Mở đợt cao điểm 30 ngày đêm cấp CCCD gắn chíp cho người dân   - Ảnh 1.

Mở đợt cao điểm 30 ngày đêm cấp căn cước công dân gắn chíp cho người dân. Ảnh: ANTĐ

Cụ thể, lực lượng công an cấp xã, phường, thị trấn sẽ phải thực hiện 3 ca làm việc từ 7h-22h hằng ngày để bảo đảm tận dụng tối đa thời gian sử dụng các bộ thiết bị thu nhận. 

Ngoài ra, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cũng giao nhiệm vụ cho chỉ huy công an các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức rà soát lại toàn bộ số nhân khẩu trong diện cấp, nhưng chưa được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip trên địa bàn, bao gồm các nhân khẩu đăng ký thường trú, nhân khẩu tạm trú và nhân khẩu hiện đang cư trú không đủ điều kiện đăng ký, thường trú, tạm trú trên địa bàn.

Từ đó, xây dựng phương án tổ chức thu nhận hồ sơ căn cước công dân gắn chip cụ thể, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. 

Đối với các trường hợp nhân khẩu có nơi đăng ký thường trú tại tỉnh/ thành phố khác thì khi thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp phải có đăng ký tạm trú trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, cần lập danh sách đối với các trường hợp không thể thu nhận do các yếu tố khách quan như đang chấp hành án phạt tù, chết, chuyển hộ khẩu về tỉnh/ thành phố khác. Hoặc những trường hợp có hộ khẩu thường trú nhưng đã xuất ngoại, vắng mặt tại địa phương không rõ nơi đến...

Theo Công an thành phố Hà Nội, sổ hộ khẩu giấy sẽ hết hiệu lực ngày 31/12/2022, do đó căn cước công dân gắn chip được tích hợp các thông tin sẽ là giấy tờ để công dân thực hiện giao dịch.

Chính vì vậy, công dân đủ điều kiện được cấp nên tranh thủ thời gian đến trụ sở công an xã, phường, thị trấn thực hiện thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp, đảm bảo quyền lợi cá nhân của chính mình.

Căn cước công dân gắn chip có tính năng ưu việt là tính bảo mật cao, tránh được giả mạo, thuận lợi cho giao dịch, ký hợp đồng quốc tế do có song ngữ Anh - Việt. Khi giao dịch với người có thẻ căn cước công dân gắn chip sẽ yên tâm hơn, tránh được các trường hợp lừa đảo, giả mạo, dùng giấy tờ giả để vi phạm pháp luật. Sử dụng căn cước công dân gắn chip thì người dân mới tạo được tài khoản định danh điện tử, dễ dàng thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, tiết kiệm thời gian đi lại… mà căn cước công dân mã vạch không thực hiện được. Mặt khác, trong thời gian tới, căn cước công dân gắn chip ngày càng tích hợp được nhiều tính năng tiện ích như rút tiền, khám chữa bệnh… Việc hoàn tất thủ tục cấp căn cước công dân gắn chip chính là hành động giúp ngành công an và Chính phủ hoàn thành đề án 06, xây dựng chính phủ số, xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, làm giàu dữ liệu cho các ngành...
Bình luận của bạn

Bình luận