Phạt tới 500.000 đồng nếu không đổi, xin cấp lại căn cước công dân gắn chip

PV
15:10 - 19/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Nếu không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân gắn chip, người dân có thể bị phạt tới 500.000 đồng.

Hiện nay, căn cước công dân gắn chip là loại giấy tờ duy nhất được cấp thay thế khi người dân xin đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân mã vạch hết hạn, hoặc không còn sử dụng được do bị hỏng, rách, sai thông tin...

Những trường hợp không đổi, xin cấp lại căn cước công dân gắn chip sẽ bị xử phạt - Ảnh 1.

Căn cước công dân. Ảnh minh họa: Thuvienphapluat

8 trường hợp phải đổi hoặc xin cấp lại thẻ căn cước công dân gắn chip:

- Khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

- Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được.

- Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên.

- Thay đổi đặc điểm nhận dạng.

- Xác định lại giới tính, quê quán.

- Có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân.

- Bị mất thẻ căn cước công dân.

- Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.

6 trường hợp phải đổi từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân gắn chip:

- Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng là 15 năm kể từ ngày cấp.

- Chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được.

- Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh.

- Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Thay đổi đặc điểm nhận dạng.

- Bị mất chứng minh nhân dân.

Mức phạt cụ thể với các trường hợp vi phạm

Nghị định 144/2021 của Chính phủ (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình đã nâng mức phạt với các trường hợp vi phạm quy định về căn cước công dân.

Theo đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không xuất trình Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền.

b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

c) Không nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân cho cơ quan có thẩm quyền khi được thôi, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; không nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân cho cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, cơ quan thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Ra mắt ứng dụng định danh điện tử VNeID có giá trị tương đương căn cước công dân

Ngày 18/7, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đã phối hợp tổ chức họp báo công bố ứng dụng định danh điện tử VNeID chính thức được đưa vào hoạt động. Ứng dụng định danh điện tử VNeID phục vụ cơ quan chức năng, công dân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

Đây là ứng dụng quản lý công dân trên nền tảng kỹ thuật số với các chức năng như tố giác tội phạm, khai báo y tế, thẻ bảo hiểm y tế, thông tin giấy phép lái xe, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, công dân có thể thực hiện thông báo lưu trú mọi lúc mọi nơi, không cần phải liên hệ qua cơ quan Công an.

Những trường hợp không đổi, xin cấp lại căn cước công dân gắn chip sẽ bị xử phạt - Ảnh 3.

Toàn cảnh buổi họp báo giới thiệu ứng dụng định danh điện tử VNeID. Nguồn: Bộ Công an

Phương thức quản lý thông tin thẻ căn cước công dân

Công dân sử dụng các giấy tờ đã tích hợp vào VNeID thay thế các giấy tờ truyền thống như: Thẻ Căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, đăng ký xe, giấy phép lái xe … 

Hiện tại, tài khoản định danh điện tử là một phương thức để công dân quản lý thông tin thẻ căn cước công dân, thông tin các giấy tờ khi công dân có nhu cầu tích hợp. Đồng thời, giúp bảo mật thông tin công dân, chính xác và duy nhất do thông tin được xác thực từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc được Chính phủ giao cho Bộ Công an quản lý. Việc chia sẻ thông tin do người dân quyết định; Bộ Công an chỉ cung cấp thông tin nếu công dân đồng ý, bên sử dụng phải chịu trách nhiệm sử dụng thông tin này theo đúng quy định của pháp luật.

Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cho biết sau 4 tháng triển khai cấp thẻ định danh điện tử cho công dân Việt Nam, đến thời điểm này, đã thu nhận gần 6 triệu hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử. Tất cả hồ sơ được phê duyệt của công dân sẽ được kích hoạt tài khoản định danh trên ứng dụng VNeID bắt đầu từ ngày 18/7/2022.

Những trường hợp không đổi, xin cấp lại căn cước công dân gắn chip sẽ bị xử phạt - Ảnh 4.

Ứng dụng VNeID. Ảnh chụp màn hình: vneid.com

Trong tương lai, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội sẽ cung cấp thêm tiện ích cho công dân trên ứng dụng VneID như: Bổ sung vào ví giấy tờ tích hợp đăng ký phương tiện, mã số thuế cá nhân, chức năng nhập thông tin giấy tờ để thanh toán điện tử…nhằm cung cấp tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, lấy người dân làm trung tâm để phục vụ, từ đó thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và công dân số.

Lợi ích của định danh, xác thực điện tử là giúp người dân thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử, bảo đảm chính xác, thuận tiện và an toàn. Cụ thể, công dân sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập khi thực hiện các dịch vụ công, sẽ giảm bớt các thủ tục xác minh thông tin; có thể chia sẻ thông tin của mình phục vụ cho việc tạo tài khoản ngân hàng, tài chính, viễn thông …; thông tin tự điền vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không phải khai báo, điền nhiều lần giúp công dân thực hiện các thủ tục nhanh chóng, thuận tiện.

Theo Bộ Công an, tài khoản định danh điện tử có hai mức:

Mức 1: trải nghiệm một vài tiện ích cơ bản như đọc báo, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Để đăng ký tài khoản định danh mức 1, công dân thao tác trực tuyến (online) trên ứng dụng VNeID (tải từ CH Play hoặc App Store). Kết quả phê duyệt tài khoản sẽ được gửi qua tin nhắn SMS, công dân vào ứng dụng, kích hoạt và sử dụng.

Mức 2: sử dụng tất cả các dịch vụ tiện ích mà Bộ Công an cùng các bộ ngành liên quan xây dựng. Đối với mức này, công dân phải đăng ký trực tiếp tại cơ quan công an, nơi thu nhận hồ sơ căn cước công dân hoặc tại công an phường thuộc 5 thành phố trực thuộc trung ương, nếu đã có thẻ căn cước công dân gắn chip.

Để được hướng dẫn chi tiết, người dân có thể:

1. Truy cập Fanpage: https://www.facebook.com/ttdldc/

2. Zalo: Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư.

3. Gọi tổng đài hướng dẫn 19000368.


Nguồn: Bộ Công an, Kinh tế và Đô thị