Chảy máu chất xám hay "rút ruột" bệnh viện công?

Phạm Thanh Khương
22:17 - 14/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Hiệu ứng "domino" từ việc y, bác sĩ từ bỏ bệnh viện công đã để lại hậu quả nhãn tiền. Sự thiếu vắng nguồn nhân lực đảm bảo cho chất lượng khám chữa bệnh; niềm tin của người bệnh đối với chất lượng hệ thống bệnh viện công dần suy yếu.

Một vài năm trước, tình trạng y, bác sĩ làm việc ở bệnh viện công xin nghỉ, về hưu sớm rồi chuyển ra làm việc tại các bệnh viện tư đã lác đác xảy ra. Tình trạng này "nở rộ" từ sau dịch CVID-19 bùng phát, nhất là khi một số chuyện vi phạm trong "đấu thầu" mua sắm trang thiết bị, thuốc chữa bệnh xảy ra và trở thành hiệu ứng "domino" gần như ở khắp các bệnh viện công trong phạm vi cả nước.

Tìm hiểu sự việc, dường như ai cũng cho rằng, nguyên nhân do áp lực công việc, lo "dính" việc đấu thầu "không trong sáng", chế độ, chính sách đãi ngộ, chung quy lại do môi trường làm việc. 

Bản chất của sự việc, xin được gọi là "thủ đoạn rút ruột chất xám" từ các bệnh viện công. Rút ruột chất xám không chỉ xảy ra ở ngành y mà xảy ra trong tất cả các lĩnh vực, các ngành. 

Thường thấy nhất là trong môn thể thao "vua"- bóng đá.

Giải bóng đá các quốc gia mỗi năm thường có có 2 mùa chuyển nhượng, mùa đông và kết thúc mùa giải. Việc chuyển nhượng cầu thủ cũng là cách làm kinh tế của các câu lạc bộ, các đội bóng. Đào tạo cầu thủ từ trẻ, lựa chọn những cá nhân có khả năng đưa lên đội trên. Sau một thời gian, khẳng định "giá trị", thông qua hoạt động chuyển nhượng để thu về một khoản kinh phí đầu tư, trang trải cho hoạt động của câu lạc bộ. Đây là cách làm "trục dọc" của các ông bầu bóng đá.

Tuy nhiên, trong mặt bằng cạnh tranh chung, khi các đội trong cùng giải đấu đều là các đối thủ thì cách làm suy yếu đối thủ nhanh nhất là bỏ tiền mua nhân tài của đối thủ. Kể cả có là khoản kinh phí "khổng lồ" để mua nhân tài, cộng với nhiều khoản khác, nhưng miễn là mua được cầu thủ mang sức mạnh chính của đối thủ coi như mùa giải thành công. 

Việc đó cơ bản cũng như "rút ruột" đối thủ, làm suy yếu để dễ bề thống trị, kiểm soát "độc tôn" trong giải. Giới thể thao thường gọi là chơi "xiên ngang", "rút ruột", "chơi đẹp" của các đội bóng trong cùng một giải đấu.

Với "sân đấu" chuyên môn trong ngành Y, việc các y, bác sĩ ở các bệnh viện công "ồ ạt" xin nghỉ việc, về hưu sớm rồi chuyển ra ngoài mở các phòng khám chữa bệnh hoặc về làm việc tại các bệnh viện tư có phải đã tiếp tay làm suy yếu hệ thống Y tế công không? 

Nguyên nhân để tình trạng trên xảy ra có một phần rất lớn do môi trường công tác, hoạt động ở các bệnh viện công. Sức ép từ công việc, từ chế độ chính sách đãi ngộ èo uột đến thái độ "chiêu hiền đãi sĩ" của lãnh đạo các bệnh viện công.

"Tiên trách kỷ hậu trách nhân", để y bác sĩ không gắn bó với bệnh viện, với công việc, không yêu mến công việc đã lựa chọn, tìm cách ra ngoài cũng là một "lỗi" về năng lực, phẩm chất của các bộ lãnh đạo, quản lý ở đây. Tuy nhiên, "ẩn khuất" phía sau tình trạng này là thủ đoạn "rút ruột" chất xám từ các bệnh viện tư đối với bệnh viện công vốn là sự cạnh tranh khốc liệt. 

Trong hoạt động khám chữa bệnh, rõ ràng, bệnh viện công là "đối thủ" của các bệnh viện tư. Để thu hút được người bệnh đến khám chữa bệnh tại cơ sở y tế của mình, bệnh viện tư phải chiêu nạp được các y, bác sĩ có tay nghề cao. Muốn thế, ngoài việc mua sắm các trang thiết bị "hơn hẳn" bệnh viện công, các nhà đầu tư sẵn sàng "săn đầu người", chiêu mộ y, bác sĩ có chuyên môn cao bằng các khoản đãi ngộ, chế độ tiền lương và môi trường làm việc. 

Việc làm này, ai cũng thấy lợi ích "sờ sờ" trước mắt, không mất kinh phí đào tạo, không mất thời gian trải qua thực tế đúc rút kinh nghiệm, về "dùng được ngay". Khi có đội ngũ y, bác sĩ tay nghề cao, chuyên môn giỏi, bệnh viện tư lại coi trọng khâu truyền thông, thu hút được người bệnh đến cơ sở và đương nhiên người bệnh chuyển sang, tiền sẽ "chảy" về.

Xin hãy khoan nói đến y đức hay lời thề ngành y của các y, bác sĩ "từ bỏ" bệnh viện công. Điều muốn bàn chính là chính sách, ngành y cần xem lại ngay chế độ chính sách đãi ngộ, việc đầu tư mua sắm trang thiết bị ngành y và môi trường công tác đối với các y, bác sĩ có tay nghề và chuyên môn cao.

Muốn họ cống hiến, họ phải sống trước đã. Chế độ bồi dưỡng các y, bác sĩ tham gia phòng chống dịch COVID-19 đã được Thủ tướng duyệt và có ý kiến, ấy thế mà đến giờ, các y, bác sĩ tham gia có nơi vẫn chưa được nhận. Chuyện tiền chế độ trực đêm của y, bác sĩ chỉ đủ mua bát phở sáng từ mấy năm trước không khỏi làm người có "tâm" trong nghề xót ruột.

Ngành Y cũng cần tham mưu Đảng, Nhà nước không chỉ chế độ, chính sách đãi ngộ với các y, bác sĩ nói chung mà với cả những cá nhân có tay nghề và chuyên môn cao nói riêng, rất cần xây dựng quy định, quy chế về thời gian công tác, hoạt động. Đối với y bác sĩ tay nghề cao, chuyên môn giỏi do Nhà nước đầu tư đào tạo thì phải có điều khoản quy định về cống hiến. Tránh tình trạng "cốc mò cò xơi", Nhà nước đào tạo nhiều công sức, tiền của rồi ra bác sĩ làm ở bệnh viện tư, người bệnh trả tiền chữa bệnh cao, nhà đầu tư giàu lên và hệ thống bệnh viện công suy yếu. Có lẽ đã đến lúc, Đảng, Nhà nước làm cuộc "đại phẫu" ngành Y để bảo đảm cho sự phát triển dài lâu. Nhất là vấn đề quản trị nhân lực. 

Tình trạng y, bác sĩ xin nghỉ việc hiện nay còn tiềm ẩn nguy cơ rất lớn khác. Khi người bệnh tìm đến các bệnh viện tư, không chỉ làm yếu hệ thống bệnh viện công mà sẽ dẫn đến tình trạng bảo hiểm y tế cũng sẽ "chảy" về cơ sở bệnh viện tư cùng hàng loạt hệ lụy khác. 

Hiệu ứng "domino" từ việc y, bác sĩ từ bỏ bệnh viện công đã để lại hậu quả nhãn tiền. Sự thiếu vắng nguồn nhân lực đảm bảo cho chất lượng khám chữa bệnh; niềm tin của người bệnh đối với chất lượng hệ thống bệnh viện công; tạo tiền lệ chảy máu chất xám trong ngành; sự dịch chuyển công tác quản lý đội ngũ y, bác sĩ và nhất là kinh phí vọt lên của người bệnh khi phải ra bệnh viện tư điều trị. Nhiều bệnh nhân nghèo sẽ bị bỏ lại phía sau.