Né vaccine COVID-19 mũi 4, vì sao?

Phạm Thanh Khương
18:11 - 29/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tiêm mũi 4 vaccine COVID-19 nhằm phòng chống, kiểm soát dịch. Lợi ích cho bản thân và cộng đồng ai cũng thấy nhưng tại sao, người dân lại có tâm lý "thờ ơ" và né tránh tiêm phòng?

Vụ việc xảy ra vừa qua tại các trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) ở các tỉnh, thành có liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á không chỉ ảnh hưởng mà tác động trực tiếp đến niềm tin của người dân.

Bên cạnh nỗ lực, tâm sức, hy sinh của chuyên gia, y, bác sĩ ngành Y và các lực lượng chống dịch, ngành Y đã "lộ" những "tiêu cực" "nâng giá", rút ruột ngân sách, hưởng "hoa hồng", không chú trọng gỡ thế khó trong đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc, ngại va chạm. 

Bên cạnh việc ngành Y phải giải quyết các vấn đề "nội bộ" của mình, họ còn một nhiệm vụ phải làm với truyền thông là trấn an công chúng, lấy lại niềm tin của nhân dân đối với nghề thày thuốc cao quý, đưa Y tế trở lại vị trí trụ cột, chỗ dựa cho chăm sóc sức khỏe toàn dân. Có như thế thì lòng dân mới ủng hộ, chiến dịch phòng chống dịch bệnh mới được bảo đảm. Nhất là trong thời kỳ "dịch chồng dịch" như hiện nay: COVID-19 chưa thể là bệnh lưu hành trong khi dịch sốt xuất huyết hoành hành dữ dội. 

Và như vậy, tránh sao người dân có tâm lý coi thường, so sánh và lo lắng trở thành "chuột bạch" khi nhìn thấy tiêu cực đã xảy ra "sờ sờ" trước mắt.

Hơn nữa, trong đợt bùng phát căng thẳng đợt dịch thứ 4 đầu năm 2022, rất nhiều công dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng bệnh và đã ít nhất một lần nhiễm virus SARS-CoV-2 và vượt qua dễ dàng. Ít ai nghĩ việc giảm nhẹ các tác động của virus là do cơ thể đáp ứng tốt với việc tiêm chủng, mà phát sinh tâm lý coi thường, nghĩ COVID-19 không còn đáng sợ nữa. 

Người dân nghĩ tiêm 2-3 mũi vaccine nên đã an toàn, bỏ ngoài tai cảnh báo về biến thể mới. Tình trạng "lạc quan tếu" một phần do công dân ít được tiếp cận với thông tin tuyên truyền của các cơ quan truyền thông, mà phần lớn những thông tin trên mạng xã hội không có nguồn gốc, không kiểm chứng thì lại đọc hằng ngày. 

Lại nhớ giai đoạn cả nước truy vết, cách ly, "hóng vaccine" quá "hóng mẹ về chợ". Trên các phương tiện thông tin, từ loa phường đến báo in, báo hình, báo điện tử mở ra là thấy thông tin về vaccine trên trang nhất. Thuật ngữ "ngoại giao vaccine" ra đời từ đây, trở thành chương trình hành động vì lợi ích cộng đồng. Khi chưa có nhiều có nguồn vaccine "kha khá", người dân được ưu tiên tiêm mũi một, rồi hai và ba, triển khai cho các lứa tuổi khác. 

Công tác tuyên truyền dường như cũng dựa vào tâm lý người dân, gần đây "năm thì mười họa" mới nhắc đến tình hình dịch COVID-19. Tình trạng tuyên truyền "lúc chết giá, khi quá nước" đã tạo nên tâm lý coi COVID-19 là "ngon rồi", về zero rồi. Việc thực hiện 5K cũng "tùy" vào ý thức cá nhân mà thôi.

Mới đây, thông báo số 20 do một Phó Chủ tịch Ủy ban Huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng ký có nội dung: Không cho phép người dân đi khỏi nơi cư trú, hoặc tham gia các sự kiện nơi công cộng và không giải quyết các thủ tục hành chính khi người dân chưa tiêm vaccine mũi 4. 

Văn bản đưa ra cả xã hội "phản ứng", Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Xuyên vội vã ban hành văn bản thay thế, tuân thủ nguyên tắc chỉ tuyên truyền, vận động người dân tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4, không có chế tài ép buộc. 

Tưởng là vấn đề sẽ được nhìn nhận chiều hướng khác, nhưng trả lời báo chí chiều ngày 27/6/2022, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân khẳng định: "Tiêm vaccine COVID-19 là yêu cầu phòng chống dịch. Người dân cần đi tiêm vaccine đúng quy định, đúng liều. Còn địa phương yêu cầu người dân ký cam kết là thể hiện trách nhiệm với người dân trong các hoạt động của mình".

Việc tiêm vaccine phòng, chống dịch là cần thiết, nhưng vì sao lại phải viết cam kết? Có phải sẽ có trường hợp: "Người bị di chứng dẫn đến khuyết tật do tiêm chủng được bồi thường 30 tháng lương và các chi phí khác. Nếu thiệt mạng do tiêm chủng, chi phí mai táng tính bằng 10 tháng lương cơ sở và thân nhân người bị thiệt mạng nhận 100 triệu đồng bù đắp tổn thất tinh thần" như Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã nhắc đến Nghị định 104/2016-NĐ/CP áp dụng với tiêm chủng chống dịch và cả tiêm chủng mở rộng?

Trách nhiệm của ngành Y là thực hiện, vận động nhân dân tiêm vaccine mũi 4. Muốn triển khai có kết quả, phải làm công tác tuyên truyền mà lâu nay ngành Y "thả trôi", "quên" không động tới. Bây giờ, giai đoạn "bình thường mới", dịch bệnh đã được kiểm soát, không còn như giai đoạn "nước sôi lửa bỏng", lúc được tiêm vaccine như là một "đặc ân". Tuyên truyền cho dân hiểu, dân biết, dân sẽ "tự nguyện" tiêm, chứ không phải ra thông báo rồi khi bị chất vấn lại cho rằng "làm như vậy là để …động viên" mọi người tiêm mũi 4 như cách nói của ngành Y.

Trước biến thể mới của COVID-19 xuất hiện và đã được phát hiện ở Việt Nam, tốc độ lây lan và độc lực vẫn còn là ẩn số, việc tiêm vaccine là chặn đứng dịch, kiểm soát nguồn lây. Đây là lúc khơi gợi trách nhiệm công dân đóng góp ý thức cho sức khỏe cộng đồng. Những mất mát, thiệt hại từ COVID-19 thời gian qua cho các cá nhân, gia đình, xã hội đã là bài học nhãn tiền, là "nỗi đau" mà rất nhiều người không muốn nhắc lại.

Để "hoàn thành kế hoạch" tiêm mũi 4, có lẽ ngành Y nên học theo cách giáo viên miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn là gõ cửa từng nhà, lên tận nương, nói cho dân hiểu. Việc tuyên truyền phải đi trước một bước, đừng để "sát nút" có vaccine về thì mới cuống lên, rồi thời gian ngắn chưa tuyên truyền được cho dân thì bắt ép bằng văn bản, rồi dẫn tới vaccine hết hạn sử dụng có nguy cơ phải hủy bỏ.  

Như thế lại vô tình làm "nóng" trở lại nỗi lo về kết quả phòng, chống dịch đã đạt được, lại khiến dư luận bàn tán về cách tổ chức tiêm chủng của ngành Y lâu nay. 

Bình luận của bạn

Bình luận