Chữa bệnh, phải chờ... thuốc !

Phạm Thanh Khương
12:37 - 12/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Người bệnh đi chữa bệnh phải... chờ thuốc! Tình trạng các bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế, làm ảnh hưởng đến hoạt động khám, chữa bệnh nghe có vẻ vô lý nhưng là sự thật.

Chữa bệnh... chờ thuốc  - Ảnh 1.

Công tác khám chữa bệnh luôn đòi hỏi nhanh chóng, hiệu quả. Ảnh Đồ hoạ IT

Từ phản ánh của bệnh nhân nhập viện chữa bệnh, bị ung thư phổi có chỉ định truyền hóa chất nhưng phải chờ gần 2 tháng vẫn chưa có thuốc với lý do, loại thuốc trong danh mục được bảo hiểm. 

Lãnh đạo một bệnh viện lớn tại Hà Nội thừa nhận với truyền thông đang có hiện tượng thiếu thuốc, đặc biệt là thuốc biệt dược, thiếu vật tư, tiêu hao… phục vụ khám chữa bệnh. 

Tại sao có tình trạng thiếu thuốc đang xảy ra ở nhiều bệnh viện để xảy ra việc vô lý là bệnh nhân vào viện lại không có thuốc chữa bệnh?

Nguyên nhân nào mà giám đốc các bệnh viện không mặn mà, ngần ngại các gói thầu mua sắm thiết bị y tế được lý giải là ngành y gần đây xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến mua sắm vật tư, tài chính bệnh viện khiến họ "ngại" đấu thầu thuốc. Thậm chí, ngay các lãnh đạo bệnh viện "ngại" lên tiếng vì câu chuyện ngành y đang trong giai đoạn "nhạy cảm". 

Thậm chí, GS,TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương "thẳng tưng" ra rằng: Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nhìn bề ngoài, mọi người cho rằng vì thời gian qua, nhiều cán bộ y tế vướng sai phạm, từ cấp nhỏ như trưởng khoa cho tới cấp giám đốc bệnh viện, thậm chí lên đến cả thứ trưởng, bộ trưởng Bộ Y tế đã dẫn đến việc cán bộ y tế sợ không dám làm.

Vậy hãy khoan nói đến quy định về việc mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế mà họ cho là "nhạy cảm", tôi chỉ muốn nói đến trách nhiệm, lương tâm thày thuốc.

Bất kể là ai, khi bị bệnh, nơi tìm đến đầu tiên là bệnh viện và sức khoẻ, sự sống của mình đặt cả vào các thày thuốc. Vẫn biết, các quy định hiện thời về hoạt động đấu thầu còn nhiều bất cập. Song, không phải vì những bất cập mà "bỏ bẵng" việc xoay sở, tìm ra phương án tối ưu, đủ thuốc, đủ điều kiện chữa bệnh để cứu người bệnh. Bệnh nhận chờ thuốc có khác gì... chờ chết?

Khâu nào, mặt nào trong quy định còn bất cập thì báo cáo cơ quan có trách nhiệm để chỉnh sửa, kịp thời có chỉ đạo. Nguyên tắc văn bản quy định có thể chưa cập nhật tình hình thực tế, cần bổ sung, sai đâu sửa đấy, bất hợp lý chỗ nào, chỉnh sửa chỗ đó. Và đương nhiên, các cơ quan soạn thảo văn bản dưới luật cũng cần loại bỏ tư tưởng "ôm quyền lợi" vào lòng mà nên tạo điều kiện cho đơn thị thực thi chủ động. 

Các chính sách đã được phê duyệt cũng rất cần theo dõi, kiểm tra, giám sát, kịp thời chỉnh sửa cho phù hợp, chứ không phải "quăng" ra đấy coi như xong dẫn đến tình trạng "gà mắc tóc" trong triển khai thực hiện như câu chuyện quy định đấu thầu ngành y hiện nay.

Có thể Luật đấu thầu, quy định đấu thầu trong ngành y còn bất cập song việc đấu thầu đều có hội đồng đấu thầu. Khi cần thiết, các bệnh viện vẫn có thể chủ động triển khai, miễn là minh bạch, và phục vụ yêu cầu khám chữa bệnh cấp thiết. Một khi, tất cả đều ngay thẳng, rõ ràng, không trục lợi, chỉ vì mục tiêu duy nhất trị bệnh cứu người thì "cây ngay lo gì chết đứng". 

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã từng ghi nhận nhiều chí sĩ "dám làm dám chịu", lưu "danh thơm" cho những việc làm ngay thẳng, sáng trong phục vụ những mục đích cao cả, không nề hà đến những phiền nhiễu cho bản thân mình. 

Sợ sai không dám làm và làm gì cũng sợ sai là tâm lý có thật, bởi sợ liên luỵ đến bản thân, sợ chịu trách nhiệm. Chắc những ai có suy nghĩ như thế sẽ rơi vào trường hợp, năng lực "dám nghĩ, dám làm", phân định đúng, sai trong hoạt động chuyên môn có hạn chế hoặc là người "thủ thế", bình chân như vại, sống chết mặc bệnh nhân, miễn là bản thân yên ổn. Bản lĩnh nghề nghiệp của thày thuốc, của bệnh viện, tổ chức, tập thể cũng phát huy được. 

Và như thế, vô tình hay cố ý, chính họ đã lãng quên lời thề Hippocrates và 12 điều quy định về y đức của ngành y.

Vẫn biết, ngành y thời gian qua quả là có "cơn bão lớn". Chuyện xảy ra, không phải chỉ cán bộ, bác sĩ trong ngành y buồn mà toàn dân cũng thấy "đau lòng". Nhưng, tĩnh tâm, xét cho đến cùng, những việc làm của các cá nhân đó là do không giữ được đúng lời thề và quy định về y đức. Họ sa ngã bởi "miếng bả hoa hồng", "đồng tiền" nâng giá đã làm họ mụ mẫm đánh mất mình. 

Còn, nếu vịn vào đó, "sợ làm" để dẫn đến tình trạng, bệnh nhân thiếu thuốc điều trị, người bệnh buộc phải tìm đến mua vật tư, thuốc ở ngoài thì "thậm nguy". Khi đó, không chỉ tác động xấu đến người bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, gây tốn kém cho người bệnh làm họ suy kiệt và khánh kiệt, mà còn là cơ hội cho những tư thương "buôn bán" thuốc trục lợi.

Việc tháo gỡ bấp cập trong đấu thầu vật tư, sinh phẩm, thuốc chữa bệnh hiện nay cũng là việc cần làm ngay. Người bệnh cần được chữa bệnh mà không phải chờ … thuốc rồi đợi … chết. Đó không chỉ là việc tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh trước những xôn xao và đầy "nhạy cảm" hiện nay, mà còn tuân thủ chủ trương bao phủ việc chăm sóc sức khoẻ toàn dân của Đảng và Nhà nước ta.