Giám sát lời hứa
Giám sát là chức năng cơ bản của Quốc hội, được quy định trong Hiến pháp. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giám sát là một trọng tâm của đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội Khóa 15.
Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở các kỳ họp giữa các đại biểu quốc hội với những cá nhân đảm trách các cương vị "tư lệnh ngành" luôn được xã hội quan tâm. Thông qua các phiên chất vấn, không chỉ sự "minh bạch" và dân chủ được mở rộng, cử tri cả nước biết những vấn đề "bức xúc" trong đời sống xã hội được cơ quan "đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất" quan tâm và qua đó cũng biết được năng lực của đại biểu Quốc hội mà chính các cử tri đã gửi gắm niềm tin vào lá phiếu.
Hãy khoan bàn đến "cái được và cái chưa được" trong những câu hỏi chất vấn và những đề xuất của các đại biểu. Trong bài viết ngắn này, chỉ bàn đến việc trả lời chất vấn và lời hứa của các "tư lệnh" ngành với những vấn đề đại biểu đặt ra và xã hội quan tâm. Phải nói ngay rằng, dẫu có nhiều câu hỏi chất vấn được gửi trước và có thời gian chuẩn bị, song, khi trả lời trước Quốc hội, không ít các lãnh đạo ngành bị "cóng". Nếu thoải mái đối chất, câu chuyện phản biện không bó hẹp vào khuôn khổ thời gian của nghị trường, thì có nhiều khả năng "nợ" câu trả lời, hoặc "xin trả lời sau". Lại cũng xin khoan bàn về năng lực diễn đạt hay khả năng nắm bắt vấn đề trong phạm vi chức trách nhiệm vụ được giao quản lý, chỉ xin bàn đến "lời hứa" và hoạt động "giám sát lời hứa" trước Quốc hội và truyền hình trực tiếp trước bàn dân thiên hạ.
Tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 15, khi vấn đề về sách giáo khoa có "sạn" mà nói trắng ra là chất lượng biên soạn còn nhiều vấn đề phải xem lại. Dư luận xã hội phản ứng trước những "sạn" "sai số" và có nhiều ý kiến cho rằng, cần phải thu hồi để chất lượng sách giáo khoa "chuẩn của chuẩn" trên bàn học sinh và đưa vào giảng dạy. Khi câu hỏi được đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đề cập về "một số bài học thiếu tính khoa học, tính giáo dục trong các bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là chưa thuyết phục". Trong chất vấn, đại biểu Quốc hội cũng cho rằng: "sách sai thì học sinh cũng đã mua rồi, đã học rồi cho nên dư luận đang trông chờ vào việc giải quyết dứt điểm kịp thời và minh bạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo và cần có sự trả lời trước công luận càng sớm càng tốt".
Câu hỏi chất vấn của Đại biểu Quốc hội ngày 11/11 năm 2021, ngày 12/1 năm 2022 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản trả lời số 104/BGDĐT-GDTH về việc trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội tại hội trường Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 15.
Trong văn bản trả lời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đưa ra các công văn về việc điều chỉnh ngữ liệu sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ Cánh diều và bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Đáng chú ý, trong văn bản trả lời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm: "Đối với sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, ngay sau khi nhận được ý kiến góp ý của một số chuyên gia, nhà khoa học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Hội đồng thẩm định sách giáo khoa của các môn học đó kịp thời điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tiếp thu, chỉnh sửa và hướng dẫn giáo viên lưu ý vấn đề này trong sách giáo viên Khoa học tự nhiên 6".
Văn bản khẳng định: "Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thu hồi để sửa chữa 110.000 cuốn, đồng thời hủy và in lại 38.000 cuốn sách Khoa học tự nhiên 6 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Rà soát đính chính một số lỗi trong các sách giáo khoa lớp 6 môn ngữ văn, lịch sử, địa lý và một số môn học khác".
Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu như Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện đúng như những gì trả lời trong văn bản. Điều đáng nói ở đây là, Bộ Giáo dục và Đào tạo "viết nhưng chưa làm". Văn bản trả lời từ kỳ họp thứ 2 và đã qua kỳ họp thứ 3 và cho đến thời điểm này, cuốn sách có số liệu rất cụ thể và "rất đẹp ấy" vẫn "nằm yên trong cặp" học sinh và trên bàn giáo viên.
Một vấn đề đặt ra là, làm thế nào để "giám sát" được "lời nói và việc làm" của các lãnh đạo ngành khi trả lời chất vấn?
Theo báo cáo kết quả bầu cử Quốc hội, trong số đại biểu Quốc hội khóa 15 có 38,6% là đại biểu chuyên trách, nhiều nhất trong các khóa Quốc hội từ trước đến nay. Đây cũng là điều kiện tăng cường khả năng "giám sát" để biết được "lời nói" và "việc thực làm" từ các phiên trả lời chất vấn. Việc giám sát có thể các đại biểu chuyên trách "kiểm tra" thực tế từ các cơ sở trường học trong các lần tiếp xúc cử tri; hoặc có thể điện trực tiếp trao đổi với giáo viên hay lãnh đạo các nhà trường. Nếu chỉ nghe "báo cáo" mà không có kiểm tra, giám sát, sẽ chỉ nghe được "lời nói đẹp", tạo sơ hở cho những "báo cáo hình thức" với những "con số đẹp", cơ hội cho "báo cáo qua loa" có "đất sống".
Phát biểu khai mạc Hội nghị Triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, giám sát là chức năng cơ bản của Quốc hội, được quy định trong Hiến pháp. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giám sát là một trọng tâm của đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội Khóa 15.
"Giám sát lời hứa", "giám sát việc làm", theo đến cùng "lời hứa" khi trả lời chất vấn cũng là cách "đánh chặn" hiệu quả nhất "bệnh hình thức", quan liêu, "làm láo, báo cáo hay". Thông qua đó, không chỉ đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của cá nhân trên các vị trí đảm nhận mà còn tăng cường "sức mạnh quyền lực" của niềm tin cử tri gửi gắm trong lá phiếu bầu.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google