Từ Nghị quyết tới hành động: Trên nóng - dưới lạnh
Việc bộ máy cồng kềnh ngốn ngân sách, năng lực công chức, viên chức không cao, lãng phí nguồn nhân lực rất cần quyết tâm điều chỉnh, sắp xếp lại.
Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tháng 6/2022 công bố một thông tin đáng chú ý: Thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều công chức, viên chức dư dôi so với số lượng Trung ương giao. Và cho đến thời điểm này, Thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa phương duy nhất còn tồn tại tình trạng dôi dư công chức, viên chức sau khi các địa phương khác đã cân chỉnh, sắp xếp tinh gọn biên chế theo chỉ đạo.
Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo hiện dôi dư 5.705 gồm 3.601 công chức, 2.104 viên chức. Tồn tại này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chỉ rõ là do Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh quản lý không chặt biên chế, thậm chí buông lỏng.
Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng đã có chủ trương "xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Có thể hiểu, đây là cuộc đổi mới toàn diện bộ máy công quyền. Chủ trương, đường lối ấy được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 18-NQ/TW; Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị BCH TW khóa 12 ngày 25.10.2017 về xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống. Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng cũng xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo.
Vấn đề đặt ra là Nghị quyết của Đảng đã có, Chính phủ cũng đã giao "chỉ tiêu" nhưng bộ máy "phình" cứ phình? Có thể hiểu Nghị quyết của Đảng cứ quán triệt, cứ triển khai nhưng tổ chức thực hiện "không phải tôi". Bởi "xa lửa" không lo rát mặt. Thậm chí có thể hiểu là "phớt lờ" sự lãnh đạo của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ. Bên trên chỉ đạo nóng rãy rồi mà ở dưới cứ bình chân như vại, "rung đùi uống trà đá".
Nguyên nhân có thể do "vướng" vì đụng đâu cũng thấy có quan hệ "con cháu" cả. Thế là căn bệnh lâu nay của các cá nhân, tổ chức trong bộ máy công quyền "e dè, nể nang", sợ "va chạm" không làm vẫn nhức nhối. Hoặc để tổ chức thực hiện theo cách "sáng tạo" là "vẽ" ra các đầu mối để "luân chuyển", đưa số lượng "dư, dôi" lấp vào. Thành ra, đã không giảm được đầu mối, số lượng nhân sự mà bộ máy lại càng phình "đẫy ra".
Lý giải về sự chênh lệch này, Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố được Trung ương giao 10.869 biên chế công chức nhưng Hội đồng nhân dân thành phố đã duyệt 14.470 biên chế, chênh lệch cao hơn 3.601 người. Biên chế viên chức được Trung ương giao cho Thành phố Hồ Chí Minh là 97.881 người, trong khi Hội đồng nhân dân thành phố đã duyệt 99.985 viên chức. Số lượng công chức, viên chức chênh lệch đều đang làm việc trên địa bàn, không phải dôi dư.
Số biên chế tại địa phương nhiều hơn số lượng được Trung ương duyệt có nguyên nhân từ việc tốc độ gia tăng dân số cao, số lượng bệnh viện, trường học tăng dần theo từng năm. Nhưng cái "hay nhất", Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh nói rõ, "thành phố đã đề xuất Trung ương công nhận số biên chế công chức mà Hội đồng nhân dân đã duyệt. Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được Trung ương xác nhận. Nếu không công nhận, thành phố Hồ Chí Minh vẫn làm theo biên chế thế chứ không khắc phục được".
Vẫn biết, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống không phải việc dễ. Song, không phải vì khó mà không làm. Việc vận hành chính quyền đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh còn muôn thế khó. Khó càng phải cần đến vai trò "cán bộ chủ chốt" trước những khó khăn thách thức. Nhớ lời Bác dạy: "Không có việc gì khó/ Chỉ sự lòng không bền".
Sự việc rồi sẽ đi đến hồi kết nhưng qua đây cho thấy, giữa nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ "đi vào thực tiễn cuộc sống" quả là còn "con đường" rất xa.
Lo là trong quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ liệu có xảy ra tình trạng "cát cứ". Việc không thực hiện được luôn có nhiều lý do "chính đáng", lý do đặc thù địa phương giải trình dài dòng tại các cuộc họp. Nếu các tỉnh thành khác cũng đều "trên nóng - dưới lạnh" như Thành phố Hồ Chí Minh đối với chủ trương xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì sẽ như thế nào?
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google