Vĩnh Phúc: Hơn 350 người nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn
Liên quan đến vụ việc hơn 350 công nhân của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Shinwon Ebenezer Việt Nam (tỉnh Vĩnh Phúc) có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm phải nhập viện, Bộ Y tế đã yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể của công ty này, điều tra xác định rõ nguyên nhân.
Hơn 350 công nhân nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa trưa tại bếp ăn công ty
Trước đó, vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 15/4, sau khi ăn bữa trưa, các công nhân của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Shinwon Ebenezer Việt Nam (có địa chỉ tại Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) có các triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm như nôn, đau bụng, đau đầu... và được đưa đi cấp cứu tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên.
Các công nhân cho biết, bữa trưa gồm có các món: Thịt gà tây xào sả ớt, rau súp lơ xào, dưa chua và canh rau giá.
Theo báo cáo sơ bộ của Sở Y tế Vĩnh Phúc, đến 18 giờ cùng ngày, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận hơn 300 trường hợp công nhân nghi ngộ độc thực phẩm. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc tiếp nhận 50 trường hợp, Trung tâm Y tế thành phố Vĩnh Yên tiếp nhận 80 trường hợp, Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt tiếp nhận hơn 220 trường hợp.
Ngay khi nắm được thông tin, lãnh đạo Sở Y tế Vĩnh Phúc đã có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các cơ sở y tế chỉ đạo việc tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhân.
Sở Y tế Vĩnh Phúc yêu cầu các bệnh viện khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng hơn 1.000 giường bệnh cùng phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, giường bệnh, thuốc, hóa chất, vật tư để kịp thời khắc phục, tổ chức tiếp nhận, điều trị, xử trí cấp cứu kịp thời, đảm bảo an toàn người bệnh.
Bộ Y tế yêu cầu đình chỉ ngay bếp ăn khiến công nhân nhập viện do nghi ngộ độc thực phẩm
Liên quan đến vụ việc trên, tối 14/5, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể của công ty này.
Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc triển khai gấp việc chỉ đạo các cơ sở y tế có bệnh nhân đang điều trị, tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân. Không để các bệnh nhân có diễn biến nặng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Trong trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với tuyến trên.
Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể Công ty Trách nhiệm hữu hạn Shinwon Ebenezer Việt Nam, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ việc theo quy định, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Sở Y tế Vĩnh Phúc phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Vĩnh Phúc tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.
Thời gian qua, trên cả nước liên tục xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn, đặc biệt có vụ lên tới hơn 500 người tại Long Khánh, Đồng Nai. Trước thực tế trên, ngày 11/5, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các sở Y tế, sở An toàn thực phẩm, ban Quản lý an toàn thực phẩm các địa phương về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị nêu trên phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương tham mưu Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh/thành phố ban hành kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Trong đó yêu cầu thực hiện nghiêm các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, nhấn mạnh nội dung người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Bộ Y tế đề nghị ngành Y tế các tỉnh, thành phố; Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh; Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh tăng cường công tác liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm; trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình.
Các đơn vị chú ý biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động, các bữa ăn liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người trên địa bàn quản lý.
Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thuộc đối tượng phải cấp).
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google