Trong chiến tranh, chúng tôi đã học tập như thế

Việt Dương
06:00 - 09/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sau chiến tranh, chỉ chưa đầy một nửa trong số hơn 10 ngàn sinh viên ra trận trở về. Chúng tôi thấu hiểu nỗi đau từ tổn thất mất mát khủng khiếp do chiến tranh, thấu hiểu nghĩa vụ của mình với quá khứ, hiện tại và tương lai, để tiếp tục học tập và cống hiến, góp sức xây dựng đất nước hùng cường.

Trong số những kỉ vật mà tôi nâng niu giữ gìn, có bức thư của người bạn lớn tuổi gửi cho tôi cách nay tròn nửa thế kỉ. Bức thư có những dòng tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt. Người ngoài cuộc thoạt nhìn có thể lấy làm lạ, nhưng với tôi, đó là kỉ niệm vô cùng thân thiết của một người anh, người bạn học cùng lớp tiếng Anh đại học tại chức năm thứ hai. Đó là năm 1972, khi cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt nhất.

Tháng 9 năm 1969, trong những ngày "đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa", cả nước đau đớn nghe tin Bác Hồ mất, chúng tôi nhận được giấy gọi vào học Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau một năm học ở nơi sơ tán trên làng Nhật Tảo, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, cuối năm 1970, chúng tôi được chuyển về trường chính tại Cầu Giấy tiếp tục học năm thứ hai.

Chúng tôi đã học tập như thế - Ảnh 1.

Bức thư từ 50 năm trước. Ảnh: Việt Dương

Những năm ấy, đời sống nhân dân nói chung và sinh viên các trường đại học nói riêng vô cùng thiếu thốn. Bữa ăn bếp tập thể của mỗi người chỉ một bát cơm và cái bánh bột mì hấp, chút canh rau luễnh loãng và một món mặn, khi thì đậu phụ kho, khi thì rau xào, thỉnh thoảng có miếng thịt mỏng dính mà sinh viên vẫn nói ngoa rằng giơ miếng thịt lên, ánh sáng có thể xuyên qua. Ăn ở, sinh hoạt thiếu thốn, nhưng sinh viên vẫn nghiên cứu khoa học, vẫn có khát vọng vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức.

Ngày ấy, trước cổng Trường Đại học Sư phạm, bên kia đường là cánh đồng bát ngát, ven đường có dãy nhà cấp 4 đêm đêm le lói ánh đèn dầu. Biết đó là lớp học tiếng Anh tại chức do Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ mở, tôi nộp đơn xin phép Ban Chủ nhiệm Khoa Văn để đi học lớp ấy. Thầy Trần Thanh Đạm, Phó Chủ nhiệm khoa hỏi cô Thái Vân, giáo viên tiếng Nga, cậu này học tiếng Nga thế nào, cô Vân trả lời, nó học tốt lắm. Thầy Trần Thanh Đạm bút phê vào tờ đơn, đồng ý. Thế là mỗi tuần hai tối, tôi xách đèn dầu, lủi thủi một mình đến lớp ban đêm.

Chúng tôi đã học tập như thế - Ảnh 2.

Một buổi tiễn sinh viên ra trận. Ảnh: Tư liệu

Học viên trong lớp phần lớn nhiều tuổi hơn tôi. Họ là cán bộ các cơ quan trung ương và Hà Nội, do nhu cầu công việc và chủ yếu là do lòng ham học, nên dù đường xa vẫn lặn lội đến lớp. 

Tôi thân nhất với anh Dương Vĩnh Chân, cán bộ giảng dạy Bộ môn Lặn, Trường Đại học Thể dục - Thể thao Từ Sơn. Anh Chân to khoẻ, đậm người, nước da bánh mật, có khuôn mặt như người Azecbaizan, đầy nam tính. Có hôm tan lớp muộn, anh ngủ lại với tôi trong ký túc xá.

Thầy giáo dạy chúng tôi ở lớp tiếng Anh là thầy Bàng. Chúng tôi học bằng tài liệu in ronéo trên giấy giang đen xì. Tôi vẫn còn nhớ nhiều bài mẫu trong giáo trình năm ấy. If you want to tell something to another person living far from you, you can send him a letter. You can also send him a telegram if the thing is urgent… Hoặc nguyên văn một đoạn hồi ký của Charles Longuet, con rể Karl Marx: The first time I saw Marx was in February 1865. Never in my life, shall I forget the impression made on me by my first visit. Những bài mẫu ấy dễ thuộc, dễ nhớ và dễ vận dụng trong những văn cảnh khác.

Kết thúc năm thứ ba Khoa Văn Đại học Sư phạm, cũng là năm thứ hai lớp tại chức tiếng Anh ban đêm, tôi nhận được giấy gọi nhập ngũ.

Những năm ấy, đất nước chắt những giọt máu cuối cùng, gửi ra trận một thế hệ tinh tuý đã góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường, thần tốc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chỉ trong ba năm 1970, 1971, 1972, đã có hơn 10 nghìn sinh viên các trường đại học ở Hà Nội "xếp bút nghiên lên đường chiến đấu".

Lứa sinh viên nhập ngũ tháng 5/1972 chúng tôi háo hức lên đường, quyết tâm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ, "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy nuối tiếc những năm học dang dở, nhưng chúng tôi tin sẽ có ngày trở lại giảng đường, đồng thời quyết không để việc học tập chiếm lĩnh tri thức bị gián đoạn bởi đạn bom. 

Trong chiếc ba lô con cóc to đùng, tôi dành túi cóc to nhất đựng quyển Từ điển Anh - Việt (English - Vietnamese Dictionary) và một số sách, tài liệu tiếng Anh, trong đó có quyển Humour in uniform (Chuyện cười của lính). Dọc đường hành quân vào phía Nam, có những lúc đi bộ xuyên đêm, lúc được lệnh nghỉ giải lao, gối đầu lên hòn đá ven đường thiêm thiếp, tôi vẫn quờ tay sờ xem quyển sách quý có suy suyển gì không.

Chúng tôi được phiên chế vào một đơn vị pháo cao xạ, liên tục cơ động khắp chiến trường Đường 1 Bắc, lúc bảo vệ cửa khẩu Đồng Đăng, khi bảo vệ cầu và nhà ga Đồng Mỏ (Lạng Sơn), lúc bấy giờ là "cảng nổi" của miền Bắc sau khi cảng Hải Phòng đã bị thuỷ lôi Mỹ phong toả, có lúc về bảo vệ cầu Bắc Giang, sân bay Kép mà chúng tôi hay gọi đùa là Kiep. Cơ động đến đâu, dựng nhà bạt xong, chúng tôi lấy bốn cây gỗ, hoặc tre, đóng xuống nền "nhà", đặt tấm gỗ ván nắp thùng đạn lên làm bàn viết.

Lính sinh viên bạn tôi, các pháo thủ Phùng Ngọc Kiếm, Phạm Việt Long, Phạm Văn Khoán, trắc thủ máy chỉ huy Nguyễn Tiến Hồi, Nguyễn Đăng Thành, trắc thủ radar Trần Trung Bộ, Lưu Công Mẫn… ngoài giờ trực chiến vẫn làm thơ, những vần thơ về tình yêu, nỗi nhớ, về tình đồng đội. Ngay trong những ngày tháng 12/1972, máy bay B-52 Mỹ ném bom trúng giữa trận địa, nhiều đồng đội hy sinh, chúng tôi gạt nước mắt chôn bạn, và lại càng làm thơ, càng tiếp tục tự học.

Tôi thường tìm những bài trong tài liệu, trong sách tiếng Anh mang theo để tập dịch, chỗ nào khó thì tra từ điển. Dịch xuôi từ Anh sang Việt phải ngẫm nghĩ, chọn từ tiếng Việt phù hợp. Nhiều lần liều dịch ngược, thậm chí còn thử làm thơ bằng tiếng Anh, mặc dù chẳng biết các thể loại thơ trong Anh ngữ như thế nào, miễn là đọc lên nghe có vần có điệu. It is the first time/In the moonligt of a quiet night/I gave you a dear kiss/And all my heart seems to fly.

Thỉnh thoảng tôi nhận được thư của anh Dương Vĩnh Chân, những lá thư xen lẫn tiếng Anh, như để cùng nhau ôn lại kiến thức từ những buổi học ban đêm. Đau xót, đầu năm 1973, anh Chân hy sinh trong khi lặn khảo sát bảo đảm an toàn cho một đoạn sông. Anh bị bọt khí trong máu khi từ độ sâu trồi lên. Người viết thư báo tin buồn cho tôi là một nữ vận động viên bơi lặn, chị Huệ, học trò của anh Chân.

Sau chiến tranh, chỉ chưa đầy một nửa trong số hơn 10 ngàn sinh viên ra trận trở về. Bao người đã vĩnh viễn nằm lại nơi sa trường. Chúng tôi còn sống trở về, thấu hiểu nỗi đau từ tổn thất mất mát khủng khiếp do chiến tranh, thấu hiểu nghĩa vụ của mình với quá khứ, hiện tại và tương lai, để tiếp tục học tập và cống hiến, góp sức xây dựng đất nước hùng cường.

Dân tộc mình là dân tộc kiên cường chiến đấu vì độc lập, tự do, cũng là dân tộc hiếu học. Mong các bạn trẻ tiếp nối và phát huy truyền thống ấy.