Nhà giáo Nhân dân, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp: Một đời tận hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước

Nguyễn Năng Lực
06:29 - 01/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ghi nhận công trạng của Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, tên ông được đặt cho một trường học ở Bến Tre quê hương ông và một đường phố ở quận Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong những năm "bom Mỹ trút trên mái nhà", theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, để bảo toàn lực lượng kế cận cho cách mạng, học sinh miền Nam không học tập trung ở những trường dành riêng nữa mà phân tán về học cùng học sinh các địa phương. Nhiều học sinh có cha mẹ chiến đấu ở miền Nam cứ lặng lẽ chia sẻ với đất nước, với dân tộc nỗi buồn chia xa, ngày ngày đến trường học cùng bè bạn, âm thầm chờ ngày đất nước thống nhất, gia đình đoàn tụ.

Trong số bạn học lớp 8, 9, 10C Trường cấp 3 Yên Hòa B những năm học 1966 - 1969, có Trần Kiều Lan, cô bạn gầy mảnh, ít cởi mở. Chúng tôi chỉ biết rằng ba mẹ cô đang có mặt tại chiến trường, gửi con nơi đất Bắc.

Năm mươi năm sau ngày ra trường, gặp lại nhau, chúng tôi mới được biết, ba cô là Nhà giáo Nhân dân, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, một chiến sỹ giải phóng tiền bối, một trí thức lớn của cách mạng miền Nam.

Nhà giáo Nhân dân, Bác sỹ Trần Hữu Nghiệp:  Một đời tận hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng  đất nước - Ảnh 1.

Nhà giáo Nhân dân, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp (1911 - 2006)

Rũ bỏ vinh hoa, lên đường kháng chiến

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp sinh năm 1911 trong một gia đình trung nông ở xã Tân Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. 15 tuổi, do hưởng ứng phong trào để tang nhà chí sĩ Phan Chu Trinh, ông bị đuổi khỏi Trường Trung học công tỉnh Bến Tre.

Năm 1931, sau khi đỗ tú tài, ông thi đỗ và được học bổng vào Đại học Y khoa Hà Nội. Năm 1937, ông tốt nghiệp bác sĩ và được sang Paris (Pháp) để tu nghiệp thêm.

Năm 1938, đốc tờ Trần Hữu Nghiệp 27 tuổi về nước, cưới vợ là bà Lê Thị Nhi, bạn học Trường Trung học công tỉnh Bến Tre, là con gái duy nhất của ông Huyện Hương giàu có bậc nhất ở Ba Tri, Bến Tre. Sau khi kết hôn, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cùng vợ sang thành phố Mỹ Tho mở phòng mạch. Họ có chung ba người con là Trần Hữu Kim Dung, Trần Hữu Trí và Trần Hữu Dũng.

Năm 1945, theo tiếng gọi của non sông và ngọn cờ đại nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp rũ bỏ cuộc sống sung túc, lên đường kháng chiến. Cuộc đời ông là một hành trình tự nguyện dấn thân đầy gian khổ để nhằm mục tiêu độc lập dân tộc. Trên hành trình ấy, ông đã chấp nhận hy sinh cuộc sống giàu sang, hạnh phúc gia đình. Bà Lê Thị Nhi đã không chờ đợi được, đi lấy chồng khác.

Nhà giáo Nhân dân, Bác sỹ Trần Hữu Nghiệp:  Một đời tận hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng  đất nước - Ảnh 2.

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp - Hiệu trưởng Trường Cán bộ Y tế (đi sau Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại buổi lễ đón
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Hội nghị Tổng kết công tác Y tế tổ chức tại Trường năm 1956. Ảnh: TL

Tháng 3/1946, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và Nhà giáo Ca Văn Thình có mặt trên con thuyền gỗ do bà Nguyễn Thị Định chỉ huy, xuất phát từ Cồn Lợi (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, Bến Tre), vượt biển ra Bắc gặp Trung ương báo cáo tình hình và xin chi viện vũ khí.

Ngày 19/5/1946, tại Thủ đô Hà Nội, bà Nguyễn Thị Định, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và Nhà giáo Ca Văn Thỉnh được gặp và mừng sinh nhật Bác Hồ.

Sau cuộc gặp này, Bác Hồ đã giữ Nhà giáo Ca Văn Thỉnh và Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp ở lại miền Bắc. Nhà giáo Ca Văn Thỉnh được cử làm Quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Bà Nguyễn Thị Định tổ chức một con tàu, đưa 12 tấn vũ khí về chi viện cho chiến trường miền Nam.

Ở Hà Nội, tháng 6/1946, Bác sỹ Trần Hữu Nghiệp tham gia thành lập và là Uỷ viên Trung ương Đảng Xã hội Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Xiển là Tổng Thư ký. Đảng Xã hội là tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tập hợp các nhà trí thức yêu nước kháng chiến..

Năm 1947, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp trở lại miền Nam với chức danh Tổng Thanh tra Quân y Việt Nam. Ông tham gia thành lập và là Phó Giám đốc Sở Y tế Quân Dân y Nam Bộ. Ngoài ra, ông còn trực tiếp đào tạo, huấn luyện rất nhiều cán bộ y tế để phục vụ công cuộc kháng chiến các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Nhà giáo Nhân dân, Bác sỹ Trần Hữu Nghiệp:  Một đời tận hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng  đất nước - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Lê và ba người con gái sau ngày tập kết ra Bắc.
Ảnh: Gia đình Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cung cấp

Năm 1948 ông tái hôn với bà Nguyễn Thị Lê năm đó mới tròn 18 tuổi. Cả hai có ba người con, tất cả đều con gái. Người con út của ông bà chính là Trần Kiều Lan, bạn học cùng lớp với chúng tôi ở Trường Cấp 3 Yên Hoà B.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Bác Hồ cho xe đến đón gia đình ông và gia đình bác sĩ Lương Đình Của ra Hà Nội. Tháng 9/1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận.

Năm 1956, ông được cử làm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cán bộ Y tế Trung ương (Bộ Y tế) để chuẩn bị đào tạo lực lượng y tế cho chiến trường miền Nam. Nhưng tấm lòng hướng về miền Nam ruột thịt thân yêu lúc nào cũng nung nấu trong ông.

Trong dòng chảy lịch sử, đã có nhiều tấm gương tận hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước mà Nhà giáo Nhân dân, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp là một trong những tấm gương tiêu biểu.

Năm 1965, ông lại vượt Trường Sơn, trở lại chiến trường miền Nam, công tác tại Ban Dân y, trực tiếp đào tạo đội ngũ y, bác sĩ và tham gia chữa trị thương tật cho đồng bào, chiến sĩ. Sau đó ông được phân công làm Hiệu trưởng Trường Đào tạo Cán bộ Y tế Trung Cao cấp miền Nam.

Hai năm sau, bà Lê gửi lại ba cô con gái ở miền Bác, vượt Trường Sơn vào Nam để được công tác gần chồng. Bà kể:

"Đời tôi chưa bao giờ có một lựa chọn khó khăn đến thế, một bên là miền Nam vẫy gọi và anh đang mong chờ, một bên ba đưa con còn non nớt. Kiều Dung năm ấy 16 tuổi, Kiều Miên 14 tuổi, còn Kiều Lan mới 13. Nhưng tôi tin, các con ở miền Bắc có sự giúp đỡ của tổ chức, bạn bè, sẽ trưởng thành".

Nhà giáo Nhân dân, Bác sỹ Trần Hữu Nghiệp:  Một đời tận hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng  đất nước - Ảnh 5.

Tác phẩm của Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Ảnh: Gia đình cung cấp

Ngoài nghiên cứu, giảng dạy, trực tiếp chữa bệnh, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp còn viết báo, viết văn với bút danh Hằng Ngôn.

Tác phẩm văn học đầu tiên của ông là tập ký Hồ Chủ tịch trong lòng dân tộc (1948).

Những tác phẩm đã xuất bản của Bác sỹ Trần Hữu Nghiệp: Hồi ký Thời gian trong mắt tôi (1993); Phép nuôi con (1943); Binh chủng đặc biệt của đội quân tóc dài (1990); Nói chuyện với người uống rượu (1981); Lịch sử phụ nữ ngành Y tế miền Nam trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1991); Nói chuyện với người hút thuốc lá (1983), Chữa bệnh cho con khi xa thầy thuốc (1962), Sanh khỏe đẻ vui; Nuôi con; Chữa bệnh cho con…

Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động Dương Quang Trung, người gắn bó nhiều năm với Nhà giáo Nhân dân, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nhận định: "Cuộc đời của Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp rất trong sáng, được ví như kẻ sĩ Gia Định, có sự nghiệp phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân rất vẻ vang".

Đường Trần Hữu Nghiệp ở quận Bình Chánh Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Trung học cơ sở Trần Hữu Nghiệp ở Ba Tri, Bến Tre. Ảnh: Gia đình cung cấp

Ông được mệnh danh là cỗ "máy cái" của nền Y học kháng chiến miền Nam. Rất nhiều học trò của ông sau này giữ những trọng trách trong ngành Y tế.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở về Sài Gòn sinh sống, tham gia dạy học và viết nhiều cuốn sách về giáo dục sức khỏe, truyền thống đấu tranh cách mạng có giá trị

Năm 1988, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân đợt đầu tiên.

Ghi nhận công trạng của Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, tên ông được đặt cho, một trường học ở Bến Tre quê hương ông và một đường phố ở quận Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Vườn tượng Danh y ở Quy Hoá, Quy Nhơn, Bình Định có tượng và bia ghi sự nghiệp của Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp ở vị trí trang trọng.

Quỹ Học bổng Trần Hữu Nghiệp ra đời năm 2007 do gia đình ông quản lý đã hỗ trợ nhiều sinh viên Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và các y sĩ trẻ của Bệnh viện Ba Tri học tập nâng cao trình độ chuyên môn để phục vụ nhân dân địa phương.

Nhà giáo Nhân dân, Bác sỹ Trần Hữu Nghiệp:  Một đời tận hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng  đất nước - Ảnh 7.

Tượng Nhà giáo Nhân dân, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp tại Khu Vườn tượng các danh nhân Y học Việt Nam và thế giới tại Quy Hòa, Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh Tư liệu

Thế hệ sau thành đạt

Người con thứ ba của ông với người vợ trước là Trần Hữu Dũng, sang Mỹ du học từ năm 1963, hiện là Giáo sư Kinh tế học của Đại học Wright State tại Dayton, Ohio, Mỹ. Con trai ông Dũng, tức cháu nội Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp là Trần Hữu Minh Duẩn, kiến trúc sư nổi tiếng, đã thiết kế nhà ở cho nhiều ngôi sao Hollywood.

Trần Kiều Lan sau khi học hết lớp 10 (tương đương lớp 12 hiện nay) được sang Bulgari học ngành Hoá thực phẩm. Năm 1975, cô về nước, vào thẳng Thành phố Hồ Chí Minh mới giải phóng, đoàn tụ gia đình và công tác cho đến ngày nghỉ hưu. Hai người chị của cô, Kiều Dung là Tiến sĩ Vật Lý ở Nga, Kiều Miên là giảng viên Đại học Y Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong dòng chảy lịch sử, đã có nhiều tấm gương tận hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước mà Nhà giáo Nhân dân, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp là một trong  những tấm gương tiêu biểu. Ông tạ thế tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2006.