Phan Đình Phùng - tấm gương sáng hiếu học

Đoàn Đình Anh
07:55 - 28/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Cụ Phan Đình Phùng là chí sĩ yêu nước, lãnh tụ kiệt xuất của phong trào khởi nghĩa Cần Vương. Người anh hùng dân tộc Phan Đình Phùng đã trực tiếp ra trận, giao tranh với giặc nhiều đợt và hy sinh ở quân doanh. Ít ai biết một vị tướng trận như thế lại có con đường khoa cử khá gian nan.

Cụ Phan Đình Phùng tên hiệu là Châu Phong, sinh ngày 24 tháng 4 năm Đinh Mùi, tức ngày 6/6/1847, tại làng Đông Thái (nay là xã Tùng Ảnh), huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình có truyền thống hiếu học.

Phan Đình Phùng, tấm gương sáng hiếu học - Ảnh 1.

Bút tích của cụ Phan Đình Phùng được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Ngày nay nhiều người đều biết cụ Phan Đình Phùng là một Đình nguyên Tiến sĩ, là một nhà nho yêu nước, hưởng ứng chiếu Cần vương, đã đứng ra tổ chức cuộc kháng chiến chống Pháp suốt 10 năm trời. 

Trong bài viết này tôi xin phép chỉ đi sâu vào việc học hành khoa cử của cụ.

Để đậu đầu tại một kỳ thi Đình không phải dễ, mà phải là một người thực sự giỏi, với sự hiểu biết sâu rộng và phải vượt qua nhiều kỳ thi từ thấp đến cao. Cũng như các triều đại trước, hệ thống thi cử dưới thời Nguyễn - thời mà Phan Đình Phùng tham dự các kỳ thi, gồm có ba kỳ: Thi hương, thi hội và thi đình. Thi hương là kỳ thi ở địa phương, gồm một số tỉnh thi chung một trường, nhằm mục đích kén chọn người tài để vào dự thi hội và thi đình.

Từ một cậu bé không thông minh 

Như vậy, để đậu đầu kỳ thi đình và trở thành đình nguyên trong kỳ thi đình năm 1877, thì trước đó năm 1876 Phan Đình Phùng đã phải đỗ cử nhân ở kỳ thi hương. Để đạt được điều đó Phan Đình Phùng đã phát huy truyền thống hiếu học của gia đình, dòng họ Phan và quê hương Đông Thái mà nổ lực học tập không ngừng nghỉ suốt nhiều năm trời. 

Như chúng ta đã biết, gia đình Phan Đình Phùng là một gia đình có truyền thống hiếu học và khoa bảng. Cha ông là Phó bảng Phan Đình Tuyến, các bác ông là chí sĩ Phan Đình Thông và Cử nhân Phan Đình Thuật; chú ông là Phó bảng Phan Đình Vận. Với truyền thống gia đình như vậy, đúng ra Phan Đình Phùng phải là con người thông minh, học giỏi. 

Vậy nhưng Phan Đình Phùng lúc nhỏ lại là cậu bé không được cho là thông minh.

Theo nhà văn, nhà sử học Đào Trinh Nhất khi ông đi điền giã để thu thập tư liệu viết cuốn Phan Đình Phùng, thì ông đã về quê hương Đông Thái, gặp gỡ những người thân, bạn bè quen biết cụ Phan, cũng như ông đã đến vùng Thượng Bồng, Hạ Bồng, Đan Trai, Khê Thượng vào tận vùng rừng núi Vũ Quang, gặp gỡ trò chuyện với nhiều gia đình đã từng giúp nghĩa quân cùng như những người lính đã tham gia cuộc khởi nghĩa của cụ, Đào Trinh Nhất đã viết về cụ lúc còn nhỏ như sau:

"Những người được gần cụ Phan, đều nói cụ tướng mạo rất xấu, nếu cứ lấy ngoài da mà xét người, thì không có ai ngờ đâu về sau cụ làm nên được anh hùng. Nhà tướng số nói cụ chỉ khác người được một quý tướng, là khi nằm ngủ thì mình mẩy ông đỏ hồng hào lên, đó là tướng lạ.

Thuở còn đi học, học đần độn tối tăm, đến nỗi học trước quên sau, thầy học đã nói mai sau tất Phùng không làm gì nên thân".

Quyết tâm học, để học giỏi

Với tư chất, trí tuệ như vậy thì sao Phan Đình Phùng thi đỗ đầu kỳ thi đình? 

Có thể lý giải việc này bằng việc hiếu học và quyết tâm học. Trong cuốn sách Phan Đình Phùng Đào Trinh Nhất viết: "Nhưng cụ có tính rất tự hùng, thấy anh em mình ai cũng thông minh học giỏi, thì lấy làm phẫn uất vô cùng, cố gắng học để theo kịp mới nghe".

Như vậy có thể thấy rằng: Phan Đình Phùng là người không thông minh bằng người, nên trong học hành, khoa cử chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn nhiều người có trí tuệ mẫn tiệp hơn và cụ Phan cũng nhận thấy điểm yếu về trí tuệ của mình so với anh em trong nhà. Không thể để truyền thống hiếu học của gia đình dòng họ chỉ vì mình mà không được tô thắm thêm cho dày lên. Đồng thời cũng không phải vì không thông minh mà chịu thua chị kém em. Cụ đã tự đề ra cho mình một sự quyết tâm sắt đá là lấy "Cần cù, bù khả năng", phải học thành tài. Cụ nói " Ta cố học để mai sau chiếm được khôi nguyên mới nghe". 

Từ đó ròng rã trong bốn năm năm, trong tay không rời quyển sách, chân không bước ra đường, chỉ mài miệt nơi án sách ngọn đèn, quyết chí lập được công danh sự nghiệp. Đây cũng là điển hình của việc vì hiếu học mà khổ luyện thành tài.

Liều chết vì không được đi thi

Cũng theo Đào Trinh Nhất "Vì lập chí mai sau phải chiếm được giải khôi nguyên, cho khỏi phụ lời mình đã nói cứng cáp, đến nỗi có một phen Phùng đã liều chết.

Năm 21 tuổi cùng em là Phan Đình Vận, thọ nghiệp với ông bác là Phan Đình Tuân, đậu tú tài gặp giữa năm ấy có khoa thi, Phùng năn nỉ bà thân mẫu đến xin bác cho mình được cùng em đi thi. Ông bác nói: "Phùng học hãy còn kém sút, nó chưa đi thi khoa này được, hãy đợi khoa sau".

Cậu năn nỉ xin đi thi không được, đâm ra bực mình phẫn chí, lén sai đầy tớ ra chợ mua một lượng hương nhu là vị thuốc độc về, viện cớ mua để thử chế thuốc pháo, nhưng kỳ thật là đem trộn vào ly rượu, rồi gọi em là Phan Đình Vận tới bảo rằng: Sinh ra làm trai, cốt được học, học cốt đi thi, học mà không được đi thi, thì còn sống làm gì. Phen này anh liều chết cho rồi đời, nghe em.

Em sợ quá, kiếm lời an ủi can ngăn mãi, song anh không nghe, một hai đòi uống thuốc độc tự tử mà thôi. Cực chẳng đã, Phan Đình Vận phải chạy mau mau tìm kiếm bà thân mẫu để nói cho bà nghe rằng anh Phùng đang uống rượu độc tự tử. Trong khi ông Vận chạy đi kêu mẹ, thì Phùng đã uống thuốc độc mà mê man bất tỉnh rồi. Sau bà thân mẫu tới, hô hoán người nhà hàng xóm lại cứu cấp. Họ lấy nước đậu xanh và cam thảo cạy miệng ra mà đổ, một lúc lâu mới tỉnh".

Qua câu chuyện trên cho thấy sự hiếu học và quyết tâm học của Cụ Phan lớn biết chừng nào.

Phan Đình Phùng, tấm gương sáng hiếu học - Ảnh 1.

Các đại biểu dự Hội thảo khoa học “Hào khí Cần Vương - Khát vọng Vũ Quang" do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức tháng 6/2022 về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng. Ảnh: Hội Khuyến học Hà Tĩnh

Lời thề thành hiện thực

Với ý chí và quyết tâm sắt đá với việc học, Phan Đình Phùng đã ra sức học tập không ngừng nghỉ từ lúc còn trẻ cho đến khoa thi hương năm Bính Tí (1876) là năm cụ 39 tuổi, mới đậu cử nhân.

Qua năm sau (1877) vô kinh thi Hội, đậu Đình nguyên Tiến sĩ. Và cụ đã hoàn thành được lời thề "thế nào cũng chiếm giải khôi nguyên" ngày xưa, bây giờ trở thành sự thật.

Một đức tính nữa của cụ trong học hành khoa cử mà chúng ta cũng cần học ở cụ là "đức thuần phác trung hậu làm gốc sự học cùng với tính cách thật thà mạnh dạn hơn người" là điều gì biết thì nói biết, điều gì không biết thì nói ngay không biết, không có thói đắp điếm lòe đời như ai. Trong bài luận tại khoa đi thi Đình, đầu bài chính tay vua ra, có vấn đề nào cụ chưa học tới, chưa từng nghiên cứu, thì trong bài làm, tới chỗ đó, cũng viết ngay rằng: "Sĩ vị tằng đọc, bất cảm mạo tấu", nghĩa là: "chỗ này tôi chưa học, tôi không dám tâu càn". Thế cho biết trong sự học của cụ có đức thận trọng và tự khiêm.

Như vậy chúng ta thấy rằng, nhờ hiếu học và quyết tâm học giỏi mà Phan Đình Phùng đã chiếm giải khôi nguyên. Đồng thời đây cũng là cơ sở để sau này cụ trở thành một quan ngự sử, cương trực có tiếng. Ông dám đứng ra cán gián vua đến nỗi bị Tôn Thất Thuyết lột áo mũ giam vào ngục sau này bị đuổi về quê. 

Để rồi khi Hàm Nghi xuất bôn lại có một cụ Phan sẵn sàng ra gánh vác việc nước, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa suốt mười nằm trời chống sự xâm lược của thực dân Pháp. Sau làm nên được bậc người oanh oanh liệt liệt trong mười năm trời, nước non ỷ thác, bạn phục dân theo, chính vì có dũng cảm, có nghĩa khí, và có quyết tâm cao từ việc học.