Truyền thống hiếu học của dân tộc Việt

Hoàng Khôi
15:13 - 07/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đất nước ta đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, đào tạo nên bao thế hệ anh hùng, dũng sĩ, lao động trí óc và lao động chân tay, dựng nên nền văn hiến Việt Nam. Trong thành quả ấy, công lao của giáo dục đến đâu?

1.Truyền thống không phải là một cái gì cố định, nhất thành bất biến, có hôm qua mà không có ngày mai

Truyền thống hiếu học của dân tộc Việt - Ảnh 1.

Tượng thầy giáo Chu Văn An. Nguồn: Wikipedia

Nhìn lại quá trình phát triển của nền giáo dục Việt Nam, nhân dân cũng như nhà nước, ta thấy có một nét lạ. Nơi này sang nơi khác, thế hệ nọ đến thế hệ kia cứ luôn luôn tiếp diễn những chuyển động gần như không đổi. Những người mẹ, người vợ không được học hành, chữ nghĩa thế mà họ nâng niu, rèn cặp đứa con mình từ nhỏ đến lớn, cho tới khi chúng thành người. Hết con rồi sang cháu. Con cháu cũng có người thành đạt trong một giai đoạn nhưng rồi lại trở về với cái nông thôn cũ kỹ, hiền lành, khép kín tái hiện ở những thế hệ tiếp theo.

Những người mẹ, người vợ không được học hành, chữ nghĩa thế mà họ nâng niu, rèn cặp đứa con mình từ nhỏ đến lớn, cho tới khi chúng thành người.

Sách vở lý thuyết của cả ngàn năm cũng chỉ là những đạo lý thánh hiền, những lối diễn đạt khuôn sáo, hầu như không một kinh sử nào được bổ sung trong quá trình dạy học!

Thế mà rất lạ! Những đứa con, cả những đứa rất ít học lại vẫn thành con hiếu, tôi trung, danh sĩ, dũng sĩ? Rõ ràng chúng ta phải có một truyền thống giáo dục mới có thể tạo ra những nhân cách Việt Nam đẹp đến như vậy?!

Phải chăng những nét truyền thống của giáo dục Việt Nam đã được hình thành, được xây dựng từ những giá trị nhân đạo thể hiện trong nội dung và phương pháp dạy dỗ, uốn nắn, rèn cặp của nhà trường, của gia đình và của cộng đồng?

Trường học Việt Nam xưa, trường của nhà nước hay trường của các thầy đồ chắc chắn không nhiều bộ môn như ngày nay và cũng ít sách giáo khoa như ngày nay. Thế nhưng cổ tích, ca dao, giai thoại... thì không thiếu những lời bảo ban để con người Việt Nam hiểu được cái đạo lý làm người, rèn luyện, xây dựng được cho mình về ý thức dân tộc rõ ràng, liên tục và bền bỉ.

Con người Việt Nam là con người có gốc rễ, có họ hàng, làng nước, có nhà cửa, xóm giềng, có tổ tông... Như vậy, mặc nhiên con người đã có được, hiểu được lịch sử của quốc gia, của dân tộc, mặc nhiên gắn bó với làng, với nước và xây dựng nên ý thức tự hào về đất nước làng quê.

Cũng giống như nhiều quốc gia trên thế giới, chẳng hạn, cả châu Âu tiếp thu văn hóa Hi Lạp - La Mã; Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam thời trước dùng tiếng Hán làm phương tiện giảng dạy, nhưng Việt Nam không nói tiếng Tàu, cũng không chở cái đạo nước ngoài về làm mờ bản sắc Việt Nam. Mà tiếp thu văn hóa nước ngoài để khẳng định truyền thống Việt, để làm một lợi khí đấu tranh, để đồng hóa và làm giàu thêm ngôn ngữ Việt.

2. Truyền thống giáo dục Việt Nam còn thể hiện rất rõ ở tính cộng đồng

Người Việt cố kết, gắn bó với cộng đồng và bộc lộ trách nhiệm cá nhân với cộng đồng. Những cộng đồng làng xã có tập tục riêng, có tổ tiên, thành hoàng và cộng đồng ấy luôn có ý thức bảo vệ danh dự, bảo vệ sự tồn tại của mình để phát triển. Và dù rất riêng, nhưng ý thức cộng đồng lại phát triển thành ý thức dân tộc, trân trọng quý mến cội nguồn giống nòi.

Đạo đức của cộng đồng thể hiện ở sự tôn trọng nghĩa vụ, ý thức trách nhiệm đối với hành vi của từng thành viên trong công xã, về bổn phận đối với bà con thân thuộc, chòm xóm quê hương, với đồng bào, đồng loại, với cả người đã khuất, với những người có trách nhiệm lớn lao với nước nhà.

Giáo dục gia đình, giáo dục công xã đặc biệt coi trọng những điều này. Còn giáo dục của nhà nước, những lý thuyết như trung, hiếu, tín, nghĩa ở các kinh, truyện, sử, thư sẽ được các thầy đồ - cũng là một thứ thành viên của công xã, bổ sung. Và, cái kết quả của thuần phong mỹ tục, con hiếu tôi trung, vốn do sự rèn luyện của giáo dục cộng đồng là chính lại cứ được hiểu là do đạo lý của thánh hiền!

Sự nghiệp giáo dục ở đất nước ta hàng ngàn năm là do nhân dân xây dựng. Khi có giai cấp, có nhà nước thì chức năng giáo dục của nhà nước ra đời, nhưng nhân dân thì vẫn không quên phần trách nhiệm. Dân làm lấy trường, nuôi thầy, cùng dạy dỗ con em.

Chính nhờ tinh thần tự lực này, nhờ cơ sở nhân dân bền vững này mà trong những biến động gay go của lịch sử, sự nghiệp giáo dục cũng không hề bị dở dang, bế tắc. Trong lòng của giáo dục gia đình, giáo dục công xã, mọi giá trị đạo đức mà đứa trẻ được bồi dưỡng đã thấm thía ngay từ lời ru bên nôi, hay trong cánh tay người mẹ.

Một biểu hiện cụ thể khác của truyền thống giáo dục Việt Nam là tinh thần tôn sư trọng đạo. Nói một cách nôm na, thiết thực, đó là truyền thống hiếu học, trọng thầy. Nói đến tinh thần hiếu học, trọng đạo tôn sư thì không chỉ Việt Nam mới có, mà thế giới cũng rất nhiều. Chẳng hạn những câu chuyện xung quanh Khổng Tử, Socratet.v.v... Ở Việt Nam, truyền thống này có những nét riêng. 

Người thầy ở Việt Nam được gắn với người thợ: "Dốt kia thì phải cậy thầy/ Vụng kia cậy thợ thì mày làm nên" là nhận thức quen thuộc. Người dân, người trò Việt Nam rất trọng thầy, biết ơn thầy vì thành quả của thầy gắn với thành quả của lao động: "Không thầy đố mày làm nên".

"Dốt kia thì phải cậy thầy/ Vụng kia cậy thợ thì mày làm nên"

Đó là một quan niệm đúng mực không giống như quan niệm "quân, sư, phụ" trong học thuyết Tống nho bên Tàu. Ta thấy tục ngữ, ca dao Việt Nam hầu như không có một câu nào thể hiện cái luân lý ấy.

Các ông thầy ở Việt Nam xưa, trừ một số ông đồ, nho sĩ tha hóa, đại đa số là những người thực sự có công với nước, mà khi nhắc đến tên tuổi họ thì lớp lớp con dân đều ngưỡng mộ.

Đó là Lý Công Ẩn, người thầy giáo đầu tiên của triều Lý không nhận tước vị nhưng có học trò nổi tiếng như Lý Thường Kiệt.

Đó là Lê Văn Hưu, người biên soạn bộ "Đại Việt sử ký", bộ sử đầu tiên của nước ta và cũng là thầy giáo của Thái sư Thượng tướng Trần Quang Khải.

Đó là Chu Văn An, người hiệu trưởng đầu tiên của đại học Việt Nam được xem là người thầy lớn nhất Việt Nam...

Các vị thầy này hầu như không hẹn mà cùng nhất trí với nhau vui với cuộc đời thanh bạch bên cạnh sách đèn và bầy trẻ ngây thơ, không thèm quan tâm đến lợi danh chức vị.

Đó là những người thầy có khí tiết thanh cao, luôn biểu lộ tính cương trực, khảng khái, không sợ quyền thế, không ghét thói xiểm nịnh, a dua, giữ lòng trung nghĩa chống lại mọi hành động phản bội.

Người dân nói chung, cha mẹ học sinh và học sinh nói riêng ở phần sâu kín nhất của tâm hồn mặc nhiên tin tưởng quý trọng về công phu vĩ đại này của các ông thầy.

3.Truyền thống hiếu học cũng cần được xem xét trên cơ sở hoàn cảnh lịch sử, xã hội cụ thể

Gương cần cù kiên nhẫn, khắc phục khó khăn để chiếm lĩnh khoa học khắp thế giới đều rất phong phú. Những hiện tượng trăm ngàn thế hệ người vợ, người mẹ nhịn ăn, nhịn mặc chịu đựng hi sinh thầm lặng để cho chồng con ăn học, hoặc những tấm gương của từng dòng họ, từng địa phương có ý thức trách nhiệm với sự học không rõ ở các nước khác thì thế nào, nhưng ở Việt Nam ta thì có nhiều câu chuyện mang ý nghĩa cảm động.

Ngày xưa, chỗ ngồi của thầy đồ đến dạy học bao giờ cũng phải tại gian thờ, phòng học của nho sĩ phải là nơi thanh tịnh, nghiên mực, ngọn bút, tờ giấy..., bao giờ cũng được để trên cao, không vứt bừa bãi. Nhiều gia đình rất có ý thức khuyến khích sự ganh đua, nỗ lực học tập, sẵn sàng đón tiếp bạn bè của chồng con đến bàn bạc văn bài, xướng họa, không sợ tốn kém.

Có gia đình, bố con thi nhau học như bố con ông Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Bá Lân (thế kỷ XVIII), bố học thua con đã tự phạt bằng cách nhảy xuống sông! Những gia đình nghèo vẫn cho con cái đi học mà không hề nhụt chí như câu đối ở miền Trung từng miêu tả.

Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa

Ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà

Ta thường nghe người dân ca tụng: "Con nhà nòi". Nhà nòi là chỉ vào những nhà có con cái đã được rèn cặp vào khuôn khổ, có phép tắc, có giáo dục. Nhân dân đã lấy lương tri của mình để dạy bảo con cái biết xử thế, lập thân và những điều gia đình dạy bảo và thầy giáo truyền thụ vẫn thường ăn khớp với nhau về mặt đức dục. Đây là điều rất đáng chú ý trong truyền thống hiếu học Việt Nam.

Gia đình có con đi học rất vui lòng chấp hành đầy đủ các quy phạm của nhà trường, bắt buộc con mình phải thực hiện. Mọi yêu cầu của thầy giáo đều được chấp hành, không hề có sự phàn nàn, ngần ngại. Ngược lại, thầy giáo cũng phải có ý thức sao cho xứng đáng với phụ huynh.

Phương pháp giáo dục trong gia đình truyền thống còn có đặc điểm là chú ý rèn cặp con em một cách thường xuyên và gắn liền với thực tiễn sinh hoạt của cha mẹ. Nếu cha mẹ là người có kiến thức văn hóa thì có gia đình trực tiếp dạy con cái. Còn những gia đình có kinh nghiệm làm ăn, có nghề nghiệp, kỹ thuật thì họ rèn luyện cho con biết quan sát, mô phỏng và rèn luyện tay nghề...

Nhìn lại mấy trăm năm phát triển của giáo dục Việt Nam ta cũng nhận ra một số hạn chế. Đó là dưới chế độ phong kiến hay thực dân, giáo dục không nhằm mục đích phục vụ số đông. Xã hội có giai cấp trước đây, việc học hành là đặc quyền đặc lợi của con cái tầng lớp trên.

Các tầng lớp khác không có quyền hi vọng cho dù lịch sử từng ghi nhận những hiện tượng "bạch ốc xuất công khanh" (nghèo mà thành đạt). Hoặc việc học và dạy ngày xưa hầu như xem nhẹ khoa học tự nhiên, khoa học thực hành, ngoại ngữ...

Càng gần với hiện đại, chúng ta đang khắc phục những nhược điểm để làm cho truyền thống giáo dục Việt Nam thêm sáng rõ hơn, khẳng định hơn những nét ưu tú của truyền thống. Đó là truyền thống cần cù hiếu học.

Học để phát huy những tốt đẹp của nền giáo dục cổ truyền. Học để tạo thêm những giá trị mới đóng góp, xây dựng đất nước, quê hương. Học để đưa dân tộc ta, đất nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu như kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở.