Danh nhân Hồ Sĩ Dương - người vượt án trường thi nghiệt ngã

Lê Tiên Long
08:11 - 22/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Nổi tiếng học giỏi nhưng dính án thi hộ, bị bắt đi lính, nhưng Hồ Sĩ Dương vẫn nỗ lực thi lại, đỗ tiến sĩ, làm quan lên tới Thượng thư, là danh sĩ triều Lê.

Hồ Sĩ Dương - người nỗ lực vượt qua bản án trường thi - Ảnh 1.

Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia mộ và đền thờ Hồ Sĩ Dương tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu,
tỉnh Nghệ An.
Ảnh:
quynhdoi.gov.vn

Hồ Sĩ Dương - người tranh cãi biên giới 5 lần đều thắng lợi

Hồ Sĩ Dương sinh năm 1621, quê ở làng Hoàn Hậu, nay là Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Cha ông là giám sinh Hồ Hoàng, ông cũng là hậu duệ họ xa của học sĩ Hồ Tông Thốc, danh sĩ thời Trần Phế Đế.

Làng Quỳnh Đôi vốn là làng nổi tiếng văn học. Theo sử làng thì Hồ Sĩ Dương 7 tuổi đã biết đọc chữ, 18 tuổi dự khảo thí ở trường huyện trúng hạng ưu. Năm 1645, ông đi thi Hương, đậu giải nguyên, đứng đầu kỳ thi ở tỉnh. Nhưng tới năm 1648, do đội tên đi thi hộ người khác, ông bị cách chức thủ khoa, bắt đi lính.

Tuy nhiên, Hồ Sĩ Dương chỉ phải chịu cảnh làm lính có 3 năm, đến năm 1651 ông được ân xá, cho dự kỳ thi Hương năm đó và lại đỗ. Năm sau, triều đình tổ chức thi Hội, ông xếp thứ 9, vào thi Đình, ông xếp thứ ba, được ban học vị tiến sĩ.

Về sau, năm 1659, thời vua Lê Thần Tông, triều đình mở khoa thi Đông dành cho những người đã đậu các kỳ thi đình, ông lại thi đậu. Hồ Sĩ Dương làm quan, trải qua các chức võ quan kinh lược Tuyên Quang, Lại khoa đô cấp sư trung thăng đông các đại học sĩ, được cử đi giao thiệp tranh cãi biên giới 5 lần đều thắng lợi. 

Theo "Đại Việt sử ký toàn thư" thì năm 1662, trong chuyến lên cửa quan đón tiếp sứ thần Trung Quốc, Bùi Sĩ Dương có chức quan là Bồi tụng, tức Phó thủ tướng ở phủ chúa Trịnh.

Năm 1673, ông được cử làm chánh sứ đi Trung Quốc. Năm 1676, ông làm Tham tụng (tức Thủ tướng), kiêm Thượng thư bộ Công, tước quận công. Năm đó, ông cũng được sai giám tu quốc sử, Thượng thư bộ Hình kiêm Đông các đại học sĩ. Sau đó, ông còn được thăng lên Thượng thự bộ Lễ.

Hồ Sĩ Dương - người nỗ lực vượt qua bản án trường thi - Ảnh 2.

Đền thờ Hồ Sĩ Dương ở xã Quỳnh Đôi. Ảnh: Quynhdoi.gov.vn

Danh tiếng lớn lao của Hồ Sĩ Dương

Ông được người trong nước và ngoài nước đánh giá cao. Dù ông mất năm 1681, nhưng năm 1683, sứ thần nhà Thanh là Chu Xán, vâng mệnh vua Khang Hy sứ sang Đại Việt, khi trở về dâng lên vua Thanh tập "Sứ Giao ngâm" viết về chuyến đi sứ này, trong đó có câu: "Y quan văn vật trọng Nam cương", trong đó Chu Xán tự chú thích rằng: "Nhân vật nước này về lý học có Trình Tuyền (tức Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm), Vũ Duệ, Nguyễn Đăng Cao và Hồ Sĩ Dương, về kinh tế có Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh". 

Sự xưng tụng của sứ thần nhà Thanh cho thấy danh tiếng của ông để lại lớn thế nào.

Hồ Sĩ Dương qua đời khi 61 tuổi, được triều đình phong là Thiếu bảo, tước Duệ quận công. Dù con của ông là Hồ Lại làm quan lên đến chức Viên ngoại lang bộ Hình bị tố cáo việc ám muội phải biếm truất, nhưng cháu chắt của ông vẫn nối tiếp dòng khoa bảng. 

Theo sách "Quỳnh Đôi cổ kim sự tích hương biên" của Hồ Phi Hội (chủ biên), Hồ Trọng Chuyên (tục biên) (NXB Lao động, 2004), thì cháu ông là Hồ Sĩ Tân năm 31 tuổi, thi đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu, niên hiệu Bảo Thái đời vua Lê Dụ Tông. Người cháu khác là Hồ Sĩ Đống 34 tuổi đỗ Hoàng giáp chế khoa năm Cảnh Hưng đời Lê Hiển Tông. Sang triều Nguyễn, có Sĩ Tuần 32 tuổi đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn…".

Có lẽ do là người từng đi lính, nên Hồ Sĩ Dương cũng rất thương hoàn cảnh gia đình những người đi lính. Theo nội dung bài bia dựng ở nhà thờ ông tại Quỳnh Đôi, do Tiến sĩ Văn Đức Giai viết năm 1854, viết về công đức của ông với dân làng, họ hàng: "Người trong họ mà nghèo đói thì cấp tiền gạo khi sống, cấp vải và áo quan khi chết. Cấp ruộng cho nhà có người đi lính, chiêu tập dân xiêu lưu thành làng".

Đặc biệt, Hồ Sĩ Dương là người biết đem của cải để khuyến khích thế hệ sau học tập. Bài văn bia viết tiếp: "(Ông) đặt ruộng học điền 10 mẫu (ở Bờ Re, Cửa Chợ, Đập Bút) để khuyến khích học tập".

Vượt qua được cái án kỷ luật để tiếp tục đi thi đỗ rồi làm quan để lại nhiều công trạng, con đường của tiến sĩ, Hồ Sĩ Dương cũng là hiếm có trong lịch sử nước ta.

Hồ Sĩ Dương – Thái Sơn Bắc Đẩu

Theo các bộ chính sử và gia phả họ Hồ lưu giữ, thì từ khi xuất chính với chức Cấp sự trung cho đến lúc về hưu với chức Thượng thư Tham tụng, ông đã làm quan ở kinh đô trải 4 triều vua: Lê Thần Tông (1649 – 1662), Lê Huyền Tông (1662 – 1671), Lê Gia Tông (1671 – 1675), Lê Hy Tông (1675 -1705); 2 đời chúa: Thanh Đô vương Trịnh Tráng (1623 – 1657), Tây Đô vương Trịnh Tạc (1658 – 1682) và thăng tiến rất nhanh, là điều hiếm có trong xã hội phong kiến. Hậu thế biết đến Hồ Sĩ Dương không chỉ là một vị đại quan thành đạt, mà trước hết vì ông là một trí thức tài cao, đức cả, được thăng tiến nhanh vì có thực tài.

Trong lần đi sứ năm 1673, Trung Quốc có loạn Tam phiên. Ông đã hiến kế ly gián cho vua Khang Hy, nhờ đó lôi kéo được Thượng Chí Tín và Cảnh Thịnh Trung về hàng triều đình để tập trung lực lượng đánh thắng Ngô Tam Quế. Ông được vua Khang Hy tặng danh hiệu "Hồ sinh Phật" (Phật sống họ Hồ).

Có thể mượn bốn chữ "Thái Sơn Bắc Đẩu" trên bức đại tự treo chính giữa điện thờ Hồ Sĩ Dương tại làng Quỳnh, tương truyền do vua Lê ban tặng, để đánh giá chung về ông.

Hồ Sĩ Dương còn là một học giả nổi tiếng. Ông là tác giả các tác phẩm: Trùng san Lam Sơn thực lục, Hoan Châu phong thổ ký, Hồ Thượng thư gia lễ, Hồ tộc phổ ký, Đại Việt Lê triều đế vương Trung hưng công nghiệp thực lục, Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền, Thục An Dương Vương sự tích, Trưng Vương công thần phả lục, Thiên Nam ngữ lục, Trinh tiết phu tỉ muội bi ký, Khuông lộc hầu bi ký, Tam tòa đại vương miếu bi ký.

Không những vậy, ông còn tham gia biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư (quyển 11 đến quyển 15), hiệu đính bộ Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên và nhuận chính Nam giao điện bi ký. Đáng tiếc hầu hết tác phẩm của ông đã thất truyền.