Thầy Bùi Nguyên Cát - Bí thư Đảng uỷ đầu tiên của Đại học Bách khoa Hà Nội
Thầy Bùi Nguyên Cát (1919-2007) vốn là một thanh niên Hà Nội, nhà văn, nhà viết kịch tài hoa, chiến sỹ quyết tử của Trung đoàn Thủ đô.
Bùi Nguyên Cát - văn sỹ, chiến sỹ "quyết tử để Tổ quốc quyết sinh"
Người Bí thư Đảng uỷ đầu tiên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thầy Bùi Nguyên Cát vốn là một thanh niên Hà Nội hào hoa. Trước cách mạng Tháng Tám 1945, ông là nhà văn, nhà viết kịch tài ba, đã đăng nhiều tác phẩm trên Tiểu thuyết Thứ Năm do Lê Tràng Kiều làm chủ bút. Ông học Trường Cao đẳng Thương mại Đông Dương, tốt nghiệp được vài năm, ông chuyển sang sáng tác kịch bản sân khấu. Ông đã cùng các nhà văn, nhà viết kịch Lê Tràng Kiều, Vũ Trọng Can, Chu Ngọc lập nên Ban Kịch Hà Nội, tiền thân của Nhà hát Kịch Hà Nội ngày nay.
Tháng 8/1945, văn sĩ, kịch tác gia tiền chiến 26 tuổi Bùi Nguyên Cát có mặt trong Đội Tự vệ Thành Hoàng Diệu, là Phó Chủ tịch Tự vệ Liên khu 1, kiêm phụ trách Tự vệ khu Đồng Xuân. Tháng 10/1946, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Những ngày Toàn quốc kháng chiến, Bùi Nguyên Cát được cử là Trưởng ban Quản lý, giúp việc cho Ban Chỉ huy Trung đoàn Thủ đô chiến đấu giam chân địch tại Hà Nội, trở thành chiến sỹ quyết tử của Trung đoàn Thủ đô.
Bữa tiệc ngoại giao trong lòng Thủ đô kháng chiến
Tết Năm Đinh Hợi 1947, Trưởng ban Quản lý Bùi Nguyên Cát được chỉ huy Trung đoàn giao nhiệm vụ đặc biệt: Chủ tọa bữa tiệc ngoại giao giữa lòng Thủ đô kháng chiến. Hồi ký của ông ghi lại sự kiện này:
"Sau 49 ngày đêm khói lửa ác liệt, chúng tôi vẫn giữ được từ chợ Đồng Xuân xuống đến phố Cầu Gỗ; từ Hàng Thiếc, Hàng Bút sang đến bờ sông Hồng; dọc từ Trường Ke đến nhà Xô-va gần Bác Cổ... Chúng tôi vẫn quản gần nửa trong số 36 phố phường theo cái cách sau này gọi là quân quản. Vậy mà Đài Phát thanh của quân viễn chinh Pháp và của cả nước Pháp nữa, dám nói sa sả ra thế giới rằng họ đã chiếm đóng xong Hà Nội, diệt hết Việt Minh rồi!
Để đập tan luận điệu lừa bịp nhân dân thế giới của thực dân Pháp bằng một sự việc có thật, cấp trên chỉ thị cho Trung đoàn Thủ đô chúng tôi tổ chức một bữa tiệc nhân ngày Tết, mời đại diện ngoại giao các nước còn có mặt tại Hà Nội đến dự, đủ mặt các Tổng lãnh sự Mỹ, Anh, Trung Hoa Dân quốc, đại biểu Ấn kiều... Họ nhận lời đến dự tiệc chính là đã thừa nhận sự hiện diện của chính quyền ta ở Thủ đô Hà Nội.
Đảng ủy, Ban Chỉ huy Trung đoàn phân công tôi chủ trì bữa tiệc ngoại giao phức tạp đó. Thấy tôi có vẻ do dự, vì cha sinh mẹ đẻ cho đến cái Tết đó là 26 tuổi, tôi chưa được học làm ngoại giao bao giờ. Đồng chí Lê Trung Toản, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn, bảo tôi: "Phải coi việc này là một trận chiến đấu đặc biệt, không dễ dàng đâu. Đoàn thể đã cân nhắc kỹ khi phân công đồng chí".
Thế là tôi nhận nhiệm vụ và quyết tổ chức thật chu đáo bữa tiệc ngoại giao theo mục đích, yêu cầu cấp trên đã đề ra.
Về nghệ thuật nấu ăn, chúng tôi kén những bàn tay vàng của các cô gái Hàng Đường, Hàng Bạc và may mắn trong tự vệ thành lại có anh Cào, thợ nấu cỗ chuyên thầu các bữa cỗ Tàu cho các nhà giàu của Hà thành. Địa điểm mở tiệc chúng tôi mượn nhà ông chủ hiệu Anh Hoa, một tòa biệt thự đồ sộ ở Ngõ Gạch, nhà bày toàn đồ gỗ quý, đủ bát đĩa chén cốc vào loại sang nhất.
Anh em xưởng quân trang của Trung đoàn chuẩn bị cho cấp chỉ huy trung đoàn, tiểu đoàn mỗi người một bộ quân phục bằng vải ga-ba-đin loại sang, có quân hàm sao vạch vàng trên nền đỏ, mẫu quân hàm do chúng tôi sáng tác vô tình lại đúng với mẫu quân hàm chính quy của Quân đội ta sau này.
Riêng tôi sắm vai "Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Liên khu 1" chủ tọa bữa tiệc và anh Hoàng Phương, Tham mưu trưởng Trung đoàn, vốn là sinh viên Trường Canh nông sắp tốt nghiệp, sắm vai phiên dịch cho tôi thì được may đo bộ com-plê bằng hàng Đoóc-mơi (Dormeuil) rất sang.
Hơn 20 năm là Bí thư Đảng uỷ nhà trường, với nhãn quan chính trị rộng, có tài thuyết phục, lôi cuốn trí thức và có tâm hồn nghệ sĩ, Thầy Bùi Nguyên Cát đã góp phần quyết định đào tạo nên nhiều thế hệ sinh viên có đức có tài. Không ít người trong số học trò của ông đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước.
Đúng 5 giờ chiều Mồng Một Tết, các quan khách đủ mặt. Các Tổng lãnh sự Mỹ, Anh, Trung Hoa Dân Quốc và đại diện Ấn kiều mặc lễ phục, người của họ đi trước 5m giương quốc kỳ nước họ để được phép đi qua các trạm gác của ta và của Pháp như đã quy ước. Mấy hôm trước, tôi đã tập thử cho quen các động tác ngoại giao, nên lúc họ đến tôi đĩnh đạc, niềm nở xuống bắt tay từng viên tổng lãnh sự.
Khi các cô gái xinh đẹp mặc áo dài đưa ra rượu khai vị, Tổng lãnh sự Anh tròn mắt không giấu sự ngạc nhiên: "Các ngài vẫn có rượu Martini chính cống!". Rồi ông ta ngập ngừng ngỏ ý xin tôi cho phép chụp một "pô" ảnh dưới chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, để "kỷ niệm một cái Tết trong Hà Nội thời chiến".
Từ vị trí chủ tọa, tôi đọc một bài diễn văn ngắn gọn, tất nhiên bằng tiếng Việt, anh Hoàng Phương dịch ra tiếng Anh, nói rõ ba ý: Việc cầm súng kháng chiến của Việt Nam là chính nghĩa; chúng tôi sẽ nhận được sự đồng tình của nhân dân Pháp và thế giới; quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập, tự do.
Theo thông lệ ngoại giao, viên Tổng lãnh sự Mỹ Sullivan là người cao tuổi nhất trong các Tổng lãnh sự, làm trưởng đoàn ngoại giao, đứng dậy ứng khẩu đáp từ, có câu kết khá bất ngờ: "Kiên nhẫn, các ngài sẽ là người chiến thắng!". Lúc đầu nghe câu này, tôi ngỡ mình nghe nhầm, nhưng nhìn vẻ xúc động của ông ta, tôi biết là đúng như vậy. Mọi người vỗ tay kéo dài hưởng ứng, khi ông kết thúc bằng câu: "Nhờ ngài Chủ tịch Liên khu chuyển lời chúc sức khỏe Cụ Hồ kính mến".
Sau này được biết, Bộ Chỉ huy Pháp tại Hà Nội tức tối chất vấn các Tổng lãnh sự, họ yêu cầu chính ông Sullivan cải chính câu nói ở cuộc chiêu đãi.
Viên Tử Kiện, Tổng lãnh sự Trung Hoa Dân Quốc vốn rất sành ăn cũng phải khen rượu ngon, khen bếp ta nấu giỏi không kém các đầu bếp Nam Kinh, Thượng Hải. Ông ta nói thạo tiếng Việt, quay sang tôi nói: "Nhân dịp này, tôi xin thay mặt bà con Hoa kiều hết lòng cảm tạ nhà đương cục Việt Nam lâu nay vẫn chu cấp lương thực cho Hoa kiều. Tôi mong rằng các ngài sẽ tiếp tục tấm lòng bao dung độ lượng sẵn có trong thời gian tới".
Qua câu nói đó, tôi đọc được ngay ẩn ý muốn thăm dò khả năng của Trung đoàn có còn đủ lương thực để trụ lại nội thành được bao lâu nữa. Anh Lê Trung Toản ngồi kín đáo giữa các sĩ quan ta đưa mắt nhắc nhở tôi cảnh giác.
Tôi bình thản trả lời họ Viên: "Ngài yên tâm. Kho dự trữ trong nội thành Hà Nội còn đủ lương thực, súng đạn cho chiến sĩ chúng tôi chiến đấu lâu dài, vậy thì bà con Hoa kiều vẫn có cái ăn. Tiện đây cũng xin nhắc ngài, nếu ngài xin phép vận chuyển lương thực, thực phẩm cho Hoa kiều, chúng tôi sẽ tạo điều kiện dễ dàng". Họ Viên đứng dậy, cúi rạp cảm tạ. Bữa tiệc kết thúc bằng quả tươi, chè kho.
Ngay khuya hôm đó, trong bản tin cuối ngày, Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin ra thế giới về bữa tiệc, tất nhiên không quên đưa nguyên văn lời chúc của Tổng lãnh sự Mỹ Sullivan: "Kiên nhẫn, các ngài sẽ là người chiến thắng!". Và cũng viên Tổng lãnh sự này, sau khi dự tiệc trở về đã viết thư cho Tổng lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn, G.Ác-bớt, có đoạn đánh giá: "Thật kỳ tài, bữa tiệc Tết của tự vệ Việt Minh diễn ra ngay giữa vòng vây của quân đội Pháp".
Hôm sau, Trung đoàn chúng tôi nhận được điện của Bộ Ngoại giao ta khen Trung đoàn đã tổ chức bữa tiệc ngoại giao có ý nghĩa. Lúc ấy, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Đến hôm nay, mỗi lần Tết đến, tôi lại nhớ Tết Đinh Hợi 1947, mở đầu bằng Giao thừa nghe đọc thư Bác và kết thúc bằng bữa tiệc ngoại giao đầu tiên trong đời tôi!".
Năm 1951, Bùi Nguyên Cát được cấp trên giao nhiệm vụ là Chính trị viên Tiểu đoàn, cùng Tiểu đoàn trưởng Hồng Vân xây dựng tiểu đoàn phòng không đầu tiên, phiên hiệu "387". Tiểu đoàn 387 đã lập chiến công vang dội trong các chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và đặc biệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Góp phần quyết định đào tạo nhiều thế hệ sinh viên có đức có tài
Sau ngày tiếp quản Thủ đô, năm 1956, Chính trị viên Bùi Nguyên Cát chuyển ngành về Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trường đại học khoa học - công nghệ lớn nhất, lâu đời nhất của đất nước, làm Hiệu phó kiêm Bí thư Đảng ủy nhà trường.
Ông Nguyễn Đức Chiến, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Bách khoa đánh giá về người Bí thư tiền nhiệm:
Hơn 20 năm là Bí thư Đảng uỷ nhà trường, với nhãn quan chính trị rộng, có tài thuyết phục, lôi cuốn trí thức và có tâm hồn nghệ sĩ, Thầy Bùi Nguyên Cát đã góp phần quyết định đào tạo nên nhiều thế hệ sinh viên có đức có tài. Không ít người trong số học trò của ông đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google