Cấp thiết phải có phong trào cả nước thi đua khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập
Đó là khẳng định của GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam tại Hội nghị Chuyên đề "Công tác thi đua khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập" diễn ra tại Hà Nội.
Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ ngành liên quan: Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Bộ Nội vụ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo… nhằm lấy ý kiến sâu rộng trình Chính phủ về việc cấp thiết phải phát động phong trào cả nước thi đua khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập mang tầm quốc gia. Đây sẽ là cuộc vận động quy mô, huy động toàn quốc, toàn dân vào chiến dịch lớn: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.
GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam và Đồng chí Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng chủ trị Hội nghị.
Hội nghị công bố đề xuất của Hội Khuyến học Việt Nam về việc xây dựng phong trào thi đua cả nước chung tay xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời trong nhân dân. Hội cũng đề xuất tên của phong trào là: "Cả nước thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập " và phối hợp với đơn vị quản lý nhà nước cấp Bộ là Bộ Giáo dục và Đào tạo để trình Chính phủ phát động cuộc vận động ý nghĩa này.
Nội dung của phong trào thi đua sẽ tập trung vào thực hiện tốt các chủ trương, Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Lấy phong trào để thi đua triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp và tập trung nguồn lực; huy động sự tham gia, phối hợp của các tổ chức, cá nhân thúc đẩy công cuộc khuyến học toàn dân.
Thi đua phát huy sáng kiến, giải pháp khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động và phát triển các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng xã hội có cơ hội học tập suốt đời.
Đặc biệt, phong trào thi đua thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức các hoạt động học tập; triển khai phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và xây dựng mô hình công dân học tập.
Thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác truyền thông, thông tin về kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực giáo dục người lớn, học tập suốt đời; công nghệ đào tạo mở, từ xa; xây dựng thành phố học tập, xã hội học tập.
Các đại biểu tham dự Hội nghị chia sẻ nhận định, dân ta vốn có truyền thống hiếu học, sẵn lòng ưu tiên nguồn lực cho khuyến học, chỉ còn phương thức tổ chức thực hiện như thế nào cho hiệu quả thì rất cần khuếch trương phong trào thành quy mô lớn, rộng khắp và thu hút sự chú ý của toàn dân vào sự học. Hệ thống giáo dục - đào tạo có đổi mới và canh tân đến đâu cũng cần một sự quyết tâm của người học. Đó hầu như là trách nhiệm của công dân với việc xây dựng đất nước giàu mạnh, con người làm chủ khoa học kỹ thuật. "Thi đua xây dựng xã hội học tập cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị" - ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định.
Ông Vũ Chiến Thắng cho thêm, đề án của Hội Khuyến học Việt Nam đã đủ cơ sở pháp lý, bao hàm quan điểm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ chỉ đạo về xây dựng xã hội học tập. Thứ trưởng đề nghị cần có uỷ ban quốc gia hoặc ban chỉ đạo quốc gia cho phong trào.
Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang đề xuất mức khen thưởng cấp thẩm quyền Chủ tịch Nước bao gồm huân chương các loại cho phong trào. Ông cũng đồng thuận quan điểm cần có cơ quan thường trực cho phong trào là Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan có chức năng, nhiệm vụ và kinh nghiệm trong việc huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân đã nhấn mạnh, cần có cơ chế cụ thể để các ban ngành liên quan vào cuộc nhanh chóng và hiệu quả. Cần thêm chương trình giám sát như một bước khảo sát tiền khả thi trước khi bắt tay vào thực hiện phong trào.
Ông Vũ Huy Văn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng nêu ý kiến ở cái nhìn phía người dân. Dù phong trào quy mô và lớn mạnh đến đâu nếu người dân thiếu sự quyết tâm hưởng ứng thì phong trào không thể thành công. Không gì bằng dân tự thực hiện, tự đôn đốc, kiểm tra, vì thế càng cần khâu truyền thông phải đẩy mạnh hơn nữa.
Đặc biệt, các đại biểu tại Hội nghị chia sẻ nhiều mô hình khuyến học hay đã được thử thách qua thực tế như "lấy khuyến tài nuôi khuyến học", dòng họ học tập, khuyến học trong hương ước làng xã… Rất nhiều gia đình, dòng họ, tổ chức doanh nghiệp, tổ chức nghề nghiệp, nhóm hội bạn bè, đồng môn, đồng nghiệp tự tổ chức các mô hình khuyến học, người thành công lại dẫn dắt thế hệ sau, dạy nghề, đào tạo, nâng đỡ về mặt học vấn, nghề nghiệp… Đó chính là những nhân tố để phong trào toàn dân tự học thành công.
GS.TS Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: Đây đang là thời điểm cấp thiết phải xây dựng phong trào thi đua trong khuyến học – khuyến tài. Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo xây dựng phong trào này nhằm thực hiện đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt năm 2021; thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Kết luận của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Hội nghị đã thảo luận 5 vấn đề gồm sự cần thiết của việc phát động phong trào thi đua mang tính quốc gia về khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; thảo luận về tên phong trào; thảo luận về nội dung phong trào và lựa chọn đơn vị quản lý nhà nước thường trực; thời gian và quy mô phát động phong trào.
Hội nghị thống nhất tổ chức phong trào thi đua với nội dung, hình thức phong phú, phù hợp, thiết thực nhằm vận động toàn dân tích cực tham gia phong trào học tập suốt đời để xây dựng cả nước thành một xã hội học tập, gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua khác. Dự kiến phong trào thi đua được triển khai sâu rộng, cả hệ thống chính trị vào cuộc và đồng bộ từ trung ương đến cơ sở, trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, đơn vị và doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân.
Phát biểu kết luận hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Doan cảm ơn tất cả các ý kiến tham luận nhằm làm rõ hơn cơ sở thực tiễn, hoàn chỉnh dự thảo đề án cho phong trào thi đua. Dự kiến, tháng 10/2022, đề án sẽ hoàn thiện sau khi Hội Khuyến học Việt Nam có cuộc giám sát về khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập do Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện. Hội Khuyến học Việt Nam quyết định lấy tên phong trào là "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập"; thêm hình thức khen thưởng trao tặng huân chương. Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực và đề nghị Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương giúp hoàn thiện tờ trình.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google