Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là tất yếu để phát triển đất nước

CDKH
18:10 - 24/05/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sáng 24/5, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo quốc gia chủ đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ thông qua việc thực hiện các mô hình học tập".

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là tất yếu để phát triển đất nước- Ảnh 1.

Hội thảo tổ chức theo hình thức trực tiếp, kết hợp với trực tuyến với sự tham gia của 63 điểm cầu tại các tỉnh thành phố trên cả nước. Hội thảo tập trung phân tích chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ, tìm ra giải pháp nâng cao nguồn nhân lực và các mô hình học tập tại Việt Nam.
Dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phùng Xuân Nhạ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Phan Văn Hùng - Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam...
Toàn bộ diễn biến của Hội thảo đã được Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học tường thuật trực tiếp. Tạp chí trân trọng trích giới thiệu bài phát biểu đề dẫn Hội thảo của GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: 

"Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao được Đảng ta xác định là một trong ba đột phá chiến lược để thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến nay. Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử đất nước, con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm, là chìa khóa của sự phát triển, là động lực, là mục tiêu, là chủ thể của quá trình phát triển. 

Trong suốt chặng đường hoạt động Cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi "vấn đề con người là vấn đề hàng đầu". Trong Di chúc người để lại đã ghi rõ "Đầu tiên là công việc đối với con người". Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề này nên từ năm 1986, Đảng ta đã chú trọng đến việc chăm lo, bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người.

Cương lĩnh xây dựng đất nước đã khẳng định: "Phát huy nhân tố con người trên cơ sở đảm bảo công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân...". Hội nghị lần thứ 4 khóa VII nhấn mạnh "Con người là vốn quý nhất, chăm lo hạnh phúc con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất...".

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là tất yếu để phát triển đất nước- Ảnh 3.

GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Vấn đề con người đã được cụ thể hóa thành các quốc sách lớn đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một trong những quốc sách đó được thể hiện ở Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII là "Lấy việc phát huy nhân tố con người là yếu tố cơ bản của sự phát triển nhanh và bền vững".

Đại hội IX xác định: Con người Việt Nam trong thế kỷ 21, trước hết phải là những con người được đào tạo có trí tuệ, có tay nghề vững vàng, là người lao động có chất lượng cao, là những con người "vừa hồng vừa chuyên", "có đức có tài".

Đại hội X: Đảng ta tiếp tục khẳng định "Chiến lược con người phải nằm ở vị trí trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa". Ở Đại hội XI: "Coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển". Đại hội XII: "Tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc". Đại hội XIII: Vấn đề con người được khẳng định mạnh mẽ hơn trong các nhiệm vụ trọng tâm, trong các đột phá chiến lược để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Đại hội này đề cập rõ hơn đến nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ.

Trong suốt thời kỳ thực hiện chiến lược đổi mới đất nước con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển đất nước nhanh và bền vững. Vấn đề chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong từng giai đoạn cách mạng được Đảng ta coi là vấn đề cốt lõi, là nguồn vốn quan trọng, và của cải đích thực của đất nước chính là con người. Đáng chú ý là nguồn vốn này càng sử dụng hợp lý thì càng tăng trưởng mạnh, không bao giờ cạn kiệt. Một quốc gia giàu có, bền vững được đánh giá thông qua nguồn vốn này – một trong các chỉ tiêu quan trọng nhất.

Nhưng tại sao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước? Các chỉ tiêu cần đạt được về nhân lực chất lượng cao hầu như chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Báo cáo tổng kết 10 năm xây dựng xã hội học tập 2021 đã chỉ ra: Có tới 3 trong số 4 chỉ tiêu không hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao.

Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với nước ta trong thời gian tới là: Nguồn vốn do thiên nhiên ban tặng đã dần cạn kiệt. Nguồn vốn ODA sẽ giảm đi khi chúng ta vào nhóm nước phát triển. Còn lại tài sản quý giá nhất là tài nguyên "nguồn nhân lực: con người Việt Nam thông minh – sáng tạo – cần cù". Thực tế cho thấy nguồn nhân lực dồi dào của chúng ta đang bị già hóa nhanh. Thêm nữa, công nghệ lạc hậu, cơ sở hạ tầng yếu kém, môi trường ô nhiễm... sẽ được cải thiện nếu chúng ta biết sử dụng, bồi đắp nguồn vốn nhân lực đầy ắp trí thông minh, làm cho đất nước phát triển nhanh, bền vững, thực hiện các mục tiêu mà Đại hội XIII đã đề ra đến năm 2050.

Chúng ta đã biết Cách mạng 4.0 với 3 trụ cột chính là sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo. 3 lĩnh vực này đang tác động toàn diện đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội, đến từng gia đình, từng con người đặc biệt là đến thị trường lao động. Điều đó buộc chúng ta phải chấp nhận và thay đổi để được sống và làm việc, đáp ứng yêu cầu trong những diễn biến nhanh chóng của tiến bộ khoa học. 

Nếu không thay đổi, từ tư duy đến phương pháp và thường xuyên bồi đắp trí tuệ thì chính chúng ta gạt mình ra khỏi guồng máy đang chạy. Cách mạng 4.0 đã chỉ rõ mục tiêu mỗi quốc gia, mỗi con người cần đạt tới để phát triển bền vững, là cơ hội quí báu buộc chúng ta phải học tập để nâng cao trình độ toàn diện nhằm thích nghi một cách sáng tạo và tiến bước cùng những đổi thay nhanh chóng của cuộc sống. 

Cách mạng 4.0 làm chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế. Các ngành sử dụng nhiều lao động sẽ mất đi, xuất hiện nhiều ngành nghề mới. Hệ thống tự động hóa và trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế lao động thủ công, sẽ nhiều người mất việc làm, gây bất ổn cho xã hội. Trong cách mạng 4.0 nhân công giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh, thị trường lao động sẽ bị phân hóa mạnh mẽ. Tất cả các nhóm lao động từ trình độ thấp đến trình độ cao đều bị đe dọa về việc làm.

Nếu không được trang bị các kỹ năng cần thiết, mang tính sáng tạo do yêu cầu của Cách mạng 4.0 với 3 trụ cột chính nêu trên thì người lao động sẽ không tìm được chỗ đứng của mình vì các lĩnh vực của nền kinh tế sẽ chủ yếu sử dụng những lao động có các kỹ năng thuần thục (kể cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm).

Đã có nhiều Hội thảo bàn về vấn đề này nhưng tựu chung lại đều có điểm chung. Đó là: Nếu không nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ thông qua đổi mới nhận thức của các cấp và người lao động, đổi mới giáo dục – đào tạo, trước tiên là đào tạo nghề và sự nỗ lực học tập của từng người thì chúng ta sẽ tự đào thải mình.

Hiện nay, Việt Nam đang có lực lượng lao động dồi dào, chiếm 58% dân số (54,56 triệu người/97.757 triệu người). Tỷ trọng dân số đang trong độ tuổi lao động hầu hết ở nhóm tuổi từ 25 - 29 tuổi - Lực lượng lao động vàng. Song chất lượng thì đang ở mức thấp trong bậc thang năng lực quốc tế, thiếu lao động có trình độ tay nghề bậc cao. Số người có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm 20,87% đã qua đào tạo từ sơ cấp đến sau Đại học. Hiện còn 76,9% người tham gia lực lượng lao động chưa được đào tạo. Lực lượng lao động đã có chứng chỉ từ sơ cấp trở lên ở thành thị cao gấp 2,5 lần nông thôn. Năm 2019, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7,6% mức năng suất lao động của Singapore; 19,5% của Malaysia; 37,9% của Thái Lan... Trong khu vực Đông Nam Á năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia (Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư - 2019). 

Để khắc phục tình trạng chất lượng nguồn nhân lực, Nhà nước đã có nhiều giải pháp từ quy hoạch, đào tạo, sử dụng và nhiều chính sách kèm theo. Song việc khắc phục tình hình thực tế chưa được chuyển biến mạnh. Nhận biết được vấn đề trên trong những năm qua, thực hiện Kết luận 49/KL-TW và Quyết định 489/QĐ-TTg Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã nhiều lần hội thảo và xây dựng xong bộ tiêu chí đánh giá sự học của công dân nhằm nâng cao năng lực làm việc của người lao động đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng 4.0 và chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ. 

Để chuẩn bị bước vào giai đoạn Việt Nam hội nhập sâu vào các nền kinh tế thế giới, công dân Việt Nam phải có đủ năng lực hoạt động, làm việc trong môi trường số. Lao động các lĩnh vực của nền kinh tế cần nắm được những tri thức và các kỹ năng thiết yếu để sử dụng thành thạo các thiết bị thông minh, đáp ứng yêu cầu của Cách mạng 4.0 trong nền kinh tế tri thức để phát triển bền vững. Đồng thời, trong một thế giới phẳng, muốn hòa nhập vào nhịp đập chung của thị trường lao động thì người lao động chỉ có kỹ năng sử dụng thành thạo các thiết bị thông minh chưa đủ mà còn phải sử dụng được ngoại ngữ theo yêu cầu công việc ở các cấp độ khác nhau cùng với cách ứng xử mềm mại thích nghi với mọi điều kiện của đời sống xã hội như vậy thì Công dân học tập mới trở thành Công dân toàn cầu trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Công dân học tập với 10 tiêu chí mà chúng ta đã xây dựng sẽ là yếu tố cốt lõi đáp ứng các kỹ năng cần có của người lao động. Công dân học tập cũng làm nòng cốt của Đơn vị học tập, Gia đình học tập... và tất cả các mô hình học tập khác. Đồng thời không có công dân học tập cũng không thể có xã hội học tập. 

Chính vì vậy, nhiệm vụ của hội thảo là phân tích làm rõ thực trạng của chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ của tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội: Công nhân, nông dân, cán bộ công chức, viên chức và doanh nhân. 

Cần làm rõ mối quan hệ giữa yêu cầu chất lượng nhân lực với 10 tiêu chí đã đưa ra và xác định các giải pháp nhằm thực hiện tốt 3 năng lực cốt lõi của công dân học tập với 10 kỹ năng cụ thể. Hội thảo cũng cần khẳng định: Nếu một công dân (người lao động) đạt được 10 tiêu chí thì chất lượng nguồn nhân lực có được nâng lên không? Có đáp ứng được yêu cầu Cách mạng 4.0 và Chính phủ số trong bối cảnh hội nhập hay không?

Ngoài các giải pháp, các nhóm thuộc chính sách để kích thích người lao động thì đề nghị các nhà khoa học phân tích và gắn với giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ thông qua thực hiện 2 mô hình: "Công dân học tập" và "Đơn vị học tập". Đây là giải pháp mới, chưa được đề cập ở các cuộc Hội thảo trước đây. 

Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban Tuyên giáo Trung ương hy vọng các nhà khoa học tập trung khai thác những vấn đề thuộc giải pháp mới này nhằm góp phần thực hiện tốt khâu đột phá chiến lược về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra. Đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục đào tạo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục - Đào tạo và Hội Khuyến học Việt Nam. Hội Khuyến học ở 63 tỉnh, thành đã và đang thực hiện 4 mô hình học tập và đang thực hiện thí điểm mô hình "Công dân học tập". Kết quả đem lại rất khả quan, đã góp phần "nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài" cho chính quê hương và nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần cho nhân dân. Hy vọng báo cáo tham luận của các Hội sẽ nêu rõ ý nghĩa, mối quan hệ giữa nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ (người lớn) thông qua thực hiện các mô hình học tập và đưa ra các giải pháp tiếp tục thực hiện các mô hifh này trong giai đoạn tiếp theo.

Các trường Đại học được Nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Song "Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội" Theo thống kê mới nhất, trong 350 trường đại học ở Việt Nam, chỉ có 12 trường có nhóm giảng viên được trang bị kiến thức giảng dạy bằng phương pháp STEM. Các trường đại học hầu hết đang thiếu đội ngũ giáo viên có đủ điều kiện giảng dạy theo phương pháp mới. Điều kiện cơ sở vật chất của nhiều trường còn nghèo nàn, chính sách cho nhà giáo còn bất cập. Những điều đó đều ảnh hưởng đến đào tạo nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường lao động không nhỏ hàng năm nhưng lại thiếu cả kiến thức thực tế và kỹ năng cần thiết, thiếu năng lực sử dụng các trang thiết bị và trình độ ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp chưa cao, ý thức trách nhiệm và năng lực tư duy, sáng tạo còn yếu. Do đó, nếu được tuyển dụng, người sử dụng lao động vẫn phải đào tạo lại, rất lãng phí cả thời gian và tiền của của xã hội. Tất cả những vấn đề này, ai cũng thấy rõ. Song bản thân các trường cần tận dụng cơ hội do Cách mạng 4.0 mang lại, mạnh dạn đổi mới từ cách nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đến phương pháp dạy và học để thực hiện mục tiêu là đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao và đào tạo lại đội ngũ lao động tại chỗ có đầy đủ các kỹ năng lao động cần thiết (kể cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm) đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Kinh nghiệm thế giới đã chỉ ra một đất nước muốn phát triển cần có 2 yếu tố: Có hệ thống đại học đẳng cấp quốc tế và có đội ngũ lao động chất lượng cao mà đội ngũ này chủ yếu do hệ thống đại học, cao đẳng đào tạo mà có.

Đặc biệt, hiện các trường đại học đang thực hiện thí điểm mô hình "Đơn vị học tập" với nhiều tiêu chí, trong đó có các tiêu chí Công dân học tập. Tuy có những điểm thuộc nội dung các tiêu chí này có tên gọi khác nhưng tựu chung lại vẫn thuộc 3 nhóm năng lực thuộc mô hình "Công dân học tập". Hy vọng rằng thông qua việc thực hiện 2 mô hình này, chất lượng đội ngũ nhà giáo với đầy đủ các kỹ năng cứng (trình độ nghề nghiệp) và kỹ năng mềm sẽ được nâng lên khi bản thân từng công dân (giáo viên) trong đơn vị học tập của Nhà trường hoàn thành tốt các nội dung được chỉ ra trong Thông tư số 22/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Rất mong các nhà khoa học, các đại biểu về dự Hội thảo đóng góp ý kiến để Hội thảo thành công tốt đẹp. Hy vọng rằng Hội thảo chúng ta sẽ thành công trong việc đưa ra giải pháp mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ thông qua việc thực hiện các tiêu chí của các mô hình học tập, đặc biệt 2 mô hình "Công dân học tập" và "Đơn vị học tập".