Thực hư việc giáo viên dạy môn "tích hợp" chưa theo kịp Chương trình mới?
Vừa qua, truyền thông dẫn lời một số tác giả sách giáo khoa, chuyên gia giáo dục cho rằng trình độ giáo viên chưa theo kịp Chương trình mới nên khó dạy môn "tích hợp" bậc trung học cơ sở, tuy nhiên đội ngũ giáo viên đa số không đồng tình với ý kiến này.
Thực hư giáo viên chưa theo kịp Chương trình mới?
Liên quan đến môn "tích hợp" (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí) bậc trung học cơ sở, nhiều giáo viên xin phép được hỏi các chuyên gia rằng, đội ngũ tác giả viết sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6, 7, 8, 9 được đào tạo (ở bậc đại học và sau đại học) đơn môn hay đa môn?
Thầy cô giáo xem sách giáo khoa Khoa học tự nhiên thì nhận thấy, nội dung bài học trong các cuốn sách này được chia thành ba phần riêng biệt: Phần 1: Hóa học; phần 2: Vật lí; phần 3: Sinh học và chưa thấy rõ nét dấu hiệu "tích hợp". Vậy, các tác giả được phân công biên soạn từng phần theo chuyên ngành của từng người hay một tác giả soạn được cả ba môn với các chuyên ngành Hóa học, Vật lí, Sinh học?
Theo tìm hiểu của nhiều giáo viên, ở các quốc gia khác, họ chỉ tích hợp ở tiểu học với môn Tự nhiên và Xã hội như lâu nay Việt Nam vẫn làm. Điều kiện tích hợp là kiến thức sơ giản, chỉ dùng để giải thích hiện tượng thông thường, không chuyên sâu. Nhưng ở cấp học cao hơn, đòi hỏi tiếp cận khoa học hiện đại và chuyên sâu hơn thì buộc phải tách ra thành môn học khác nhau.
Có tác giả sách giáo khoa khẳng định, "các quốc gia tiên tiến đã làm" (tích hợp), nhưng quốc gia nào thì giáo viên vẫn chưa được rõ. Mong tác giả sách giáo khoa dẫn ra các trường hợp cụ thể mà sách của họ đã "tích hợp" để thầy cô giáo có thêm nguồn tài liệu tham khảo, đối chiếu.
Xem sách Khoa học tự nhiên của các tác giả biên soạn, nhiều giáo viên cho rằng, nội dung phần nào cũng có tính chất riêng biệt, chuyên sâu. Trong đó, thầy cô giáo khẳng định, nhiều nội dung giáo viên phải có trình độ chuyên sâu thì mới dạy được.
Nhiều giáo viên nhìn nhận, một quyển sách do một hay nhiều tác giả chủ biên chỉ là phép cộng từ 3 quyển sách trước đây gộp vào, chẳng có "tích hợp liên môn" nào cả. Nghĩa "tích hợp", "liên môn" khác hẳn với phép cộng cơ học của một bài toán. Trong sách Khoa học tự nhiên, "tích hợp" chỗ nào, "liên môn" chỗ nào, xin các tác giả chỉ rõ giúp giáo viên được biết.
Bàn về việc dạy học "tích hợp", là một thành viên trong Hội đồng khoa học của Trường Đại học Quy Nhơn, khi triển khai chương trình và tài liệu đào tạo "tích hợp liên môn" cho giáo viên phổ thông, thầy giáo C.M.L. đã phản biện như sau:
Chương trình Khoa học tự nhiên có ba phần: Hóa học, Vật lí, Sinh học, ở các học phần cơ sở, mỗi phần được tách ra thành các chuyên ngành sâu hơn: 1) Về Hóa học có hóa vô cơ, hóa hữu cơ, hóa phân tích,... 2) Vật lí học có vật lí chất rắn, vật lí điện, vật lí nano..., 3) Sinh học có thực vật học, động vật học, di truyền...
Mỗi chuyên ngành có giảng viên đứng tên theo chuyên ngành được đào tạo của mình. Vậy ai trong số thành viên này dạy được cả ba môn với tất cả các chuyên ngành khác nhau mà bắt giáo viên phổ thông phải giỏi hơn mình?
Giáo viên của ta cũng như thế giới, lâu nay phải đào tạo 3 năm cao đẳng, 4 năm đại học mới có thể đảm nhiệm được một môn học. Vậy Chương trình này đào tạo giáo viên chỉ trong vài ba tháng, liệu có đảm bảo trình độ cho họ dạy tất cả các chuyên ngành khác nhau?
Nếu các giảng viên có khả năng "tích hợp liên môn" thì sao nhà trường không để một giảng viên dạy một môn hay nhiều môn mà phải xé lẻ ra, mỗi giảng viên lên lớp một phần nhỏ với thời lượng chỉ có 8 đến 10 tiết?". Và thầy C.M.H cho biết: "Không ai trả lời 3 câu hỏi trên của tôi".
Ngành giáo dục triển khai dạy "tích hợp" là vội vàng?
Trong khi đó, một số nhà giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ nêu quan điểm về dạy học "tích hợp" như sau:
Một số tác giả sách giáo khoa, chuyên gia giáo dục cho rằng, trình độ giáo viên chưa theo kịp Chương trình mới cho thấy những trở ngại và khó khăn liên quan đến việc triển khai dạy học các môn "tích hợp" hiện nay.
Vậy nên, Ban phát triển và xây dựng chương trình các môn tích hợp cần cầu thị, lắng nghe dư luận, đặc biệt là đội ngũ thầy cô giáo đứng lớp để tìm ra phương án tháo gỡ về việc dạy các môn "tích hợp" trong thời gian tới.
Hiện tại, tuy chưa có đội ngũ giáo viên đảm nhận các môn "tích hợp" nhưng ngành giáo dục đã triển khai áp dụng đại trà là vội vàng. Thực tiễn, các trường đại học sư phạm trên cả nước cũng không/chưa kịp đào tạo giáo viên các môn học này.
Chủ trương tích hợp các môn học ở cấp cơ sở là không sai nhưng thực tế việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa là sự gán ghép thuần túy cơ học. Việc thực nghiệm chương trình và sách giáo khoa các môn này trên thực tế phải chăng là làm cho có, nên đã không lường hết những khó khăn nhất là về đội ngũ và phương pháp dạy học?
Việc giáo viên chưa theo kịp chương trình và sách giáo khoa các môn "tích hợp" không hẳn là sai. Vì thực tế không giáo viên nào được đào tạo bài bản chính quy mà chỉ qua vài buổi tập huấn như "cưỡi ngựa xem hoa".
Dẫu vậy, đây hoàn toàn không phải lỗi của các thầy cô giáo phổ thông mà do đội ngũ tham mưu xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa "tích hợp" phải có trách nhiệm đồng hành cùng giáo viên trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Thầy cô giáo phổ thông chỉ là mắt xích cuối cùng. Vai trò của họ rất quan trọng nhưng hoàn toàn bị động, không có tiếng nói gì trong việc đổi mới này.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google