Giáo sư Phạm Tất Dong: Nếu hiểu dạy học tích hợp như phép cộng các môn học thì hoàn toàn sai

Ngọc Tân
08:59 - 30/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Phương pháp dạy học tích hợp giúp người học phát huy năng lực sáng tạo, khả năng tự học và lĩnh hội tri thức chứ không đơn thuần chỉ là một "phép cộng" các môn học đơn lẻ như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Giáo sư Phạm Tất Dong: Nếu hiểu dạy học tích hợp như phép cộng các môn học thì hoàn toàn sai - Ảnh 1.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong – cố vấn Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: TĐQ

3 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, còn nhiều vấn đề mà ngành giáo dục cần giải quyết để chương trình phát huy hiệu quả. Trong đó, dạy học tích hợp vẫn là một thách thức với các nhà trường và giáo viên.

Những khó khăn trong thực hiện phương pháp dạy học tích hợp là gì? Nguyên nhân cốt lõi ở đâu và làm thế nào để phương pháp này trở nên dễ dàng với mỗi giáo viên, góp phần thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới?

Về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong – cố vấn Hội Khuyến học Việt Nam đã đưa ra đánh giá và nhận định xác đáng, trên cơ sở đó có thể nhìn nhận đúng nhất về tiến trình dạy và học tích hợp hiện nay. 

4 vấn đề lớn của dạy học tích hợp hiện nay

Phóng viên: Theo Giáo sư, "nút thắt" vướng mắc trong dạy học tích hợp hiện nay là gì?

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong: Dạy học tích hợp hiện nay trong trường phổ thông đang tồn tại bốn vấn đề lớn. Đó là từ người dạy, người học, môn học và sách giáo khoa.

Về vấn đề môn học, từ trước đến nay, các môn học tại trường phổ thông luôn đi song hành với nhau. Quy định về thời gian trong một tiết học là phù hợp để học sinh có thể tiếp thu vừa đủ lượng kiến thức của bài học hôm đó. Vì vậy tích hợp nhiều môn như Vật lí, Hóa học, Sinh học trong cùng một tiết học là điều rất khó thực hiện. Muốn tích hợp môn học một cách khoa học, giữa chúng phải có sự liên quan về tiến trình kiến thức. 

Về người học, thế hệ Z là thế hệ mạnh về công nghệ. Trường học không phải nơi cung cấp kiến thức duy nhất, các em có nhiều nguồn để học. Học sinh ngày nay sẽ không chịu học hoặc không hào hứng trong việc học nếu thầy cô giảng dạy không hấp dẫn, chỉ giảng bài một cách nhàm chán.

Về vấn đề sách giáo khoa, chúng ta học theo nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng họ chỉ nói "dạy học tích hợp" chứ không phải là soạn một bộ "sách giáo khoa tích hợp".

Một chương trình hiện nay đang sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa dẫn đến lúng túng trong lựa chọn sách. Tôi nhận thấy nhiều sai sót về quan điểm học thuật của sách giáo khoa, không đáp ứng được những yêu cầu cơ bản. 

Có những kiến thức trong sách viển vông và khó hiểu với học sinh. Đó là chưa kể thời gian thực nghiệm sách còn chưa đủ sâu, rộng mà đã vội vàng triển khai ở hầu hết các cấp học.

Về vấn đề người dạy, trước yêu cầu đặt ra của môn học, vấn đề sách giáo khoa mới và thực trạng học sinh hiện nay, giáo viên tự nhận thấy mình chưa đủ năng lực để đáp ứng. Họ chưa được đào tạo một cách bài bản về dạy tích hợp. Dẫn đến việc hầu hết đội ngũ giáo viên đều không tán thành và ủng hộ thực hiện dạy học theo hướng tích hợp.

Cơ sở đào tạo sư phạm và quản lý ngành giáo dục cần điều chỉnh cho dạy học tích hợp

Phóng viên: Sau 3 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, đội ngũ giáo viên vẫn chưa sẵn sàng để dạy tích hợp. Đâu là nguyên nhân, thưa Giáo sư?

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong: Hiện nay tại các trường sư phạm, hầu hết khoa như khoa Toán, khoa Vật lí, khoa Lịch sử... vẫn đứng riêng, trong khi vào đến trường phổ thông thì lại dạy tích hợp.

Sinh viên sư phạm trong quá trình học tập, về cơ bản vẫn chưa được giáo dục, huấn luyện nhiều về dạy học tích hợp. Theo tôi, các trường sư phạm nên triển khai đào tạo giáo viên về việc dạy học tích hợp một cách thực tế chứ không chỉ trên lý thuyết, sách vở. 

Nếu không được tiếp cận các kiến thức này trên giảng đường, thì người giáo viên sẽ không thể thực hành tốt khi ra trường. Từ đó dẫn đến việc không đủ năng lực, kiến thức để có thể truyền đạt cho học sinh.

Ngoài ra còn một vấn đề nữa là sinh viên hiện nay ở trường sư phạm không phải ai cũng có trình độ cao, chỉ riêng việc dạy đúng môn học của mình chưa chắc đã chính xác. Giáo viên gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận và dạy học tích hợp, không đủ năng lực đứng lớp, gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng lớp học.

Vấn đề này cần có sự điều chỉnh nhất quán từ các cơ sở đào tạo đến những cơ quan quản lý của ngành giáo dục để người giáo viên, ngoài kiến thức còn phải có cả kỹ năng tốt để tự tin giảng dạy chương trình mới.

Nhiệm vụ cốt lõi mà dạy học tích hợp cần giải quyết?

Phóng viên: Giáo sư có cho rằng học sinh sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức qua giáo dục tích hợp này không?

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong: Chắc chắn học sinh sẽ gặp phải thách thức lớn vì đổi mới trong phương pháp giảng dạy của giáo viên và phương pháp học tập của các em cần có thời gian để thích nghi.

Khó khăn nhất của người học chính là chưa nhận biết, phân biệt được đâu là kiến thức trọng tâm phải ghi nhớ, đâu là kiến thức chỉ để tham khảo, dẫn đến rối loạn trong quá trình học tập.

Mỗi môn học đều có bản chất và đặc thù riêng, nếu ghép chúng lại sẽ khiến cho giáo viên và học sinh mất nhiều thời gian trong quá trình truyền đạt và lĩnh hội. Một tiết học đủ để nhận lượng kiến thức cần thiết của một môn nhưng khi tích hợp các môn học lại thì sẽ không tránh khỏi việc giảm chất lượng, làm cho tính logic và khoa học của môn học ấy.

Bản chất của việc dạy tích hợp là giúp học sinh có thể ghi nhớ nhiều kiến thức và mục đích của các môn học. Nhưng đối với các học sinh, đó lại là rào cản, làm phức tạp vấn đề, khiến kiến thức cơ bản trở nên khó tiếp thu.

Để giải quyết vấn đề này, cần phải có thêm nhiều dạng thực hành để học sinh có thể áp dụng kiến thức một cách dễ dàng và hình dung rõ được những vấn đề mình đang học. 

Dạy tích hợp mà chỉ giảng lý thuyết thì rất khô khan và khó để hiểu rõ bản chất vấn đề. Điều quan trọng là lý thuyết vẫn nên được đi đôi và áp dụng vào thực tế. Đó mới là nhiệm vụ cốt lõi mà dạy học tích hợp cần giải quyết.

Có nên bỏ dạy học tích hợp?

Phóng viên: Thực trạng triển khai mô hình dạy học tích hợp trong thời gian vừa qua gặp nhiều vấn đề như Giáo sư vừa phân tích. Với tình hình hiện giờ nên tiếp tục hay dừng lại việc dạy học tích hợp, thưa Giáo sư?

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong: Trước câu hỏi có nên "lối cũ ta về" với dạy học tích hợp, tôi cho rằng, dù điều kiện dạy học tích hợp chưa chín muồi nhưng chúng ta không thể để mất cơ hội của học sinh, không để mất quyết tâm đổi mới. Dạy học tích hợp đang là xu thế của giáo dục toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thành công với mô hình này thì không có lý do gì chúng ta không thực hiện được, song, cần có sự điều chỉnh.

3 năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lắng nghe nhiều ý kiến trái chiều mà vẫn chưa có đường lối điều chỉnh phù hợp. Bộ Giáo dục cần chọn lọc và thực hiện việc chọn sách giáo khoa cho cẩn thận.

Những môn học dạy không đạt chất lượng thì phải xem lại phương pháp dạy học. Nếu không điều chỉnh căn bản, có lẽ cách tốt nhất chính là dạy các môn như bình thường, môn gì ra môn đấy.

Những tổ chuyên môn cần biên soạn lại sách, nếu sách có sạn thì phải biên soạn lại. Còn nếu quyết định quay lại bộ sách cũ thì phải ngồi thảo luận hoặc cho phép giáo viên dùng tất cả các sách giáo khoa mà giáo viên cho là hay, kể cả sách nước ngoài.

Người trong ngành giáo dục cần hiểu đúng bản chất của dạy học tích hợp

Phóng viên: Theo Giáo sư, cần những giải pháp gì để thay đổi tình thế hiện tại, giúp học sinh và giáo viên thích nghi tốt hơn với Chương trình giáo dục phổ thông mới?

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong: Có 2 khó khăn hiện nay là nội dung chương trình học và tổ chức dạy tích hợp cho hiệu quả tốt nhất.

Bản thân giáo viên khi dạy tích hợp ngoài chuyên môn phải có kiến thức ở nhiều các lĩnh vực khác. Để bài học hấp dẫn, sinh động, những kiến thức giáo viên đưa ra cũng phải có tính liên hệ, gắn liền với thực tế.

Nội dung dạy học tích hợp hay môn học tích hợp sẽ không thể thực hiện được trong thực tiễn nếu cách dạy của giáo viên không thay đổi và điều kiện dạy học không được đảm bảo.

Nhà trường truyền thống luôn yêu cầu học sinh ghi chép lại kiến thức mà thầy huấn thị. Sự huấn thị này không vượt quá khuôn khổ của sách giáo khoa vốn rất chật hẹp về tri thức khoa học và tri thức cuộc sống. Trong khi đó, giáo dục kiến tạo luôn thúc giục người học phải tìm kiếm những nguồn tri thức ở bất cứ chỗ nào mà nó hiện hữu: trên sách báo, trong kho tàng tài nguyên giáo dục mở, trên mạng và trong đời sống của cộng đồng. Cứ quanh quẩn với mấy quyển sách giáo khoa không thôi thì cả thầy lẫn trò không bao giờ với tới giáo dục kiến tạo.

Khi chúng ta đã có được nội dung rồi thì cần để ý đến phương pháp. Giáo viên sẽ có nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau, ai tìm được phương pháp hay và đúng, phù hợp với điều kiện thì học sinh sẽ hứng thú học hơn.

Vậy nên các nhà quản lý giáo dục phải làm cho giáo viên của mình giỏi các phương pháp khác nhau. Phương pháp dạy học kiến tạo là một trong những phương pháp dạy học tích cực. Phương pháp này coi trọng vai trò chủ động của người học. Các nhà quản lý giáo dục cần tìm ra được nội dung giảng dạy đúng và phát huy tính sáng tạo trong việc truyền tải nội dung đến học sinh.

Với những điều kiện khác nhau, thì giáo viên nên chọn phương pháp dạy học phù hợp. Ví dụ không thể dạy học sinh vùng cao bằng phương pháp học online hay mặc định phải có các thiết bị hiện đại vì hoàn cảnh và trình độ dân trí của các khu vực là khác nhau.

Muốn dạy học tích hợp tốt thì phải phát huy sự sáng tạo và linh hoạt của người dạy xoay quanh kiến thức và phương pháp cơ bản. Trong mỗi nhà trường phổ thông đều có các tổ chuyên môn. Chính những tổ này là linh hồn của trường học. Theo tôi, tổ giáo viên phải là nơi chia sẻ tri thức, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau.

Sau cùng, bản thân những người trong ngành nên hiểu đúng bản chất của dạy học tích hợp. Đó là giúp người học phát huy được năng lực sáng tạo, khả năng tự học và lĩnh hội tri thức chứ không đơn thuần chỉ là một "phép cộng" như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư về những chia sẻ thiết thực này.