Nỗi khổ của giáo viên sau 2 năm dạy "tích hợp" bậc trung học cơ sở

Phan Anh
19:53 - 04/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Một giáo viên bày tỏ sự lo lắng: "Học sinh học môn Khoa học tự nhiên như hiện tại thì lên bậc trung học phổ thông sẽ rất vất vả cho thầy cô giáo và khổ cho các em, đặc biệt là môn Hóa học".

Triển khai dạy học môn "tích hợp" đã vội vàng?

Liên quan đến việc dạy môn "tích hợp" bậc trung học cơ sở, nhất là môn Khoa học tự nhiên – thực chất là ghép cơ học 3 môn Vật lí, Hóa học, Sinh học – nhiều giáo viên đã có những chia sẻ trên diễn đàn sau 2 năm giảng dạy môn học này. 

Một giáo viên ở Hà Nội cho biết, ngành giáo dục triển khai dạy học môn "tích hợp" là quá vội vàng vì thiếu 3 yếu tố cơ bản.

Về giáo viên: Chưa có một giáo viên nào được đào tạo để dạy môn "tích hợp" mà chỉ được đào tạo dạy đơn môn. Để "chữa cháy" cho sự bất cập này này, ngành giáo dục đã phải mở ra nhiều đợt tập huấn online (trực tuyến) để cố gò ép các giáo viên đi dạy kiểu "tay ngang" hai môn trái sở trường.

Kết quả tất yếu là chất lượng giảng dạy không cao, học sinh khó có thể tiếp cận được kiến thức. Nhiều trường phải cho giáo viên môn nào dạy phần của môn đó. Việc này xảy ra là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thất bại bước đầu của việc triển khai dạy và học môn "tích hợp".

Về sách giáo khoa: Môn được gọi là "tích hợp" ở đây là môn Khoa học tự nhiên thực chất là 3 môn Vật lí, Hoá học, Sinh học riêng biệt được ghép một cách cơ học vào trong một cuốn sách. Tương tự, môn Khoa học xã hội là 2 môn Lịch sử và Địa lí riêng biệt cũng được ghép cơ học vào trong một cuốn sách. Rõ ràng sách giáo khoa chưa đủ yêu cầu để gọi là môn "tích hợp".

Về cơ sở vật chất: Hiện nay, hầu hết trường phổ thông chưa được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học. Điều này khiến giáo viên và học sinh chỉ có thể dạy "chay", học "chay", không được làm thí nghiệm hay có bài tập thực hành. Việc dạy và học "tích hợp" đang "vướng, nghẽn, khó" thì rõ ràng đó là trách nhiệm của ngành giáo dục, không thể đổ lỗi cho địa phương.

Nỗi khổ của giáo viên, học sinh khi dạy và học môn "tích hợp"

"Học sinh học môn Khoa học tự nhiên như hiện tại thì lên bậc trung học phổ thông sẽ rất vất vả cho thầy cô giáo và khổ cho các em, đặc biệt là môn Hóa học. 

Học sinh chỉ học môn Hóa học ở học kì 1, cả học kì 2 không học gì, lên lên bậc trung học phổ thông gần như là các em quên hết kiến thức.

Đó là chưa nói đến chất lượng giảng dạy của giáo viên, chắc chắn sẽ có rất nhiều kiến thức không phải chuyên ngành của mình mà thầy cô giáo không hiểu rõ hoặc hiểu sai, như vậy sao dạy được học trò. 

Phân phối chương trình như hiện tại buộc học sinh phải học dồn, học ép mà đáng ra những môn khoa học cơ bản như thế này các em phải được học thật chắc và bài bản", một giáo viên nói thêm về những khó khăn khi học sinh học môn "tích hợp".

Một giáo viên khác nhìn nhận, hai năm dạy "tích hợp" có thể ảnh hưởng đến hàng triệu học sinh, đây là thế hệ tương lai của đất nước. Sẽ ra sao khi hai thế hệ học sinh này, thậm chí là các thế hệ sau nữa học chương trình thiếu sự chuẩn bị kĩ lưỡng? Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải xem xét lại các điều kiện cần và đủ, nếu chưa đáp ứng được việc dạy và học môn "tích hợp" tốt nhất thì cần điều chỉnh hợp lí, cho đến khi mọi điều kiện đã sẵn sàng.

"Tôi đã dạy tích hợp 2 năm nay. Tôi thấy tích hợp các môn như hiện nay chưa phù hợp. Việc biên soạn nội dung không có sự kết hợp nhuần nhuyễn kiến thức tổng hợp mà ghép cơ học các bài một cách máy móc, rời rạc. Người biên soạn sách chưa có kiến thức liên môn. Ví dụ môn Khoa học tự nhiên gồm Vật lí, Hoá học, Sinh học vẫn tách 3 phần riêng. Mỗi người biên soạn một nội dung, tách bạch nhau không có liên quan gì.

Bây giờ yêu cầu giáo viên dạy đa môn mà đào tạo đơn môn quả là quá khó khăn. Họ lại nghĩ ra phải tập huấn cho giáo viên dạy đa môn càng bất khả thi. Mỗi người có một năng lực nhất định, không phải ai cũng giỏi hết các môn. Để giỏi một môn đã khó, yêu cầu giáo viên giỏi nhiều môn là hiếm hoi.

Tại các trường không thể bố trí một giáo viên dạy nhiều môn được, nhất là các môn giáo viên không được đào tạo và không có khả năng. Cho nên nhà trường vẫn phải phân công, môn của ai người đó dạy để tránh thiệt thòi cho học sinh. Khi phân công như vậy thì có rất nhiều bất cập.

Chẳng hạn khi phân công 3 giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, lúc ra đề kiểm tra, chấm bài, vào điểm, làm các phụ lục, người nọ phụ thuộc người kia. Khi ra đề kiểm tra thì phần của ai dạy người đó ra đề, sau lại trộn các nội dung thành đề hoàn chỉnh. Nếu phân công một người dạy thì không thể, quá sức" - các giáo viên bày tỏ sự khó khăn khi phải dạy "tích hợp".

Bình luận của bạn

Bình luận