Thức đêm học thi gây nguy hại khó lường

Quốc Huy
19:00 - 08/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Việc thức đến 2, 3 giờ sáng để học bài, thay vì ngủ sớm, dậy sớm đang trở thành thói quen của nhiều học sinh, sinh viên hiện nay. Rõ ràng sức khoẻ học đường không được bảo đảm, dẫn đến nhiều hệ lụy khi thức đêm trở thành thói quen đối với giới trẻ.

Tại sao người trẻ chọn làm "cú đêm"?

Là học sinh lớp 12, Lý Hoàng Thùy (Lạng Sơn) đang cấp tập chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. Với mục tiêu đỗ vào một trường đại học tốp đầu, việc ôn luyện của Thùy diễn ra căng thẳng.

Ban ngày học trên lớp, chiều về học thêm, Hoàng Thùy thường xuyên thức đêm để giải quyết nhiều bài tập của các môn học, đặc biệt là những môn sử dụng xét tuyển đại học.

Nhiều học sinh, sinh viên chọn thức đêm học bài thay vì dậy sớm - Ảnh 1.

Thức đêm học bài đã trở thành thói quen của nhiều học sinh, sinh viên.

Thùy cho biết: "Vào ban đêm, không gian yên tĩnh giúp bản thân cảm thấy dễ tiếp thu kiến thức hơn ban ngày. Tinh thần mình khi đó cũng thoải mái, học cũng vào hơn.

Nhưng khi học trên lớp, nhiều lúc tôi cũng thấy mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt không rõ lý do. Gần đây, tôi cũng ít tập trung hoàn toàn vào bài giảng và hay chán ăn. Nhưng nghĩ đến việc phải đỗ vào trường đại học, tôi lại cố gắng thức đêm để học, bù sự lơ đãng của ban ngày", Hoàng Thùy tâm sự.

Cũng vì áp lực học hành, mong muốn đạt điểm cao nên Mai Quỳnh Anh (20 tuổi, Hòa Bình) cho biết bản thân thường xuyên thức khuya để học bài và hoàn thành bài tập, đặc biệt là vào đợt thi cuối kì.

"Buổi đêm các bạn cùng phòng mình đều đã ngủ hết, cũng không ai nhắn tin nên mình sẽ không bị phân tán nhiều. Thức khuya nhiều khiến nhịp sinh học của mình bị đảo lộn. Thời gian ngủ ban đêm ít đi, thường xuyên bỏ bữa sáng, ngày nào đi học cũng trong trạng thái mệt mỏi…

Mình cũng từng thử dậy sớm học bài một vài lần nhưng thấy không thể tỉnh táo và không tiếp thu được kiến thức.

Vài tiếng sau đó, mình đi học trong trạng thái gật gù, mất tập trung. Do vậy, mình lại chọn học và làm việc vào buổi đêm vì thấy hiệu quả hơn", Quỳnh Anh nói.

Còn với Nguyễn Hoàng Long (22 tuổi, Hà Nội), thức khuya đã trở thành khung giờ cố định hàng ngày.

Nam sinh này chia sẻ: "Cứ 23 giờ, mình bắt đầu học, làm bài tập nhóm. Ban ngày đi học, đi làm thêm đã mệt, nhiều hôm chỉ muốn lăn ra ngủ một giấc thật sâu. Nhưng nghĩ đến trách nhiệm với nhóm, mình vẫn phải làm nên thức khuya làm nốt bài.

Mình cũng thường xuyên ăn đêm và không có thời giờ dành cho bữa sáng. Thậm chí, có hôm mình chỉ ngủ được 2, 3 tiếng".

Việc nhịp sinh học cơ thể và chế độ sinh hoạt lệch nhịp với những người xung quanh cũng gây phiền toái không kém. Khi mọi người ngủ thì nhiều học sinh, sinh viên thức như "cú đêm". Còn khi mọi người làm việc thì nhiều bạn lại mệt mỏi, ngủ vùi hoặc lờ đờ mất kết nối và mất giao tiếp với những người xung quanh. 

Việc lệch "múi giờ" này diễn ra thường xuyên sẽ rất khó điều chỉnh lại. 

Thức đêm khiến cơ thể mệt mỏi, sức tập trung kém, hạn chế phát triển chiều cao

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung, Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, việc thức đêm thường xuyên gây tác hại khôn lường đến sức khỏe của trẻ em đang ở độ tuổi phát triển.

Nhiều học sinh, sinh viên chọn thức đêm học bài thay vì dậy sớm - Ảnh 2.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung, Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

"Khi thức đến 1 giờ sáng, thông thường chúng ta lại đói và thường ăn vào bữa khuya. Lúc đó, cơ thể không cần năng lượng cho hoạt động thể lực nên thức ăn vào cơ thể trong khoảng thời gian đó khiến tất cả chất dinh dưỡng hấp thu vào được tích thành mỡ bụng, mỡ nội tạng và không tốt cho sức khỏe. 

Đây là thói quen không tốt, cần khắc phục, đặc biệt là trong mùa thi, khi tinh thần đã mệt mỏi thường xuyên", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung khẳng định.

Theo một nghiên cứu 12.000 người Mỹ trong 5 năm, cho thấy bỏ ăn sáng tăng nguy cơ béo phì gấp 4 lần. Kèm theo chế độ ăn thất thường: thức khuya ăn đêm, ăn các bữa không đều, không điều độ, bị quá đói hoặc quá no có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe và gây rối loạn chuyển hóa.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung

Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho biết, đi ngủ sớm giúp cơ thể tiết ra hormones tăng trưởng và có một giấc ngủ sâu, hồi phục sức khỏe cho ngày làm việc mới.

Ngược lại, thức khuya thường xuyên gây ra những tác động có hại cho cơ thể như mệt mỏi, ảnh hưởng tới việc sự phát triển chiều cao, sự tập trung, tỉnh táo… Nếu lâu dài có thể gây mất ngủ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung cho rằng trẻ em, học sinh, sinh viên cần tập đi ngủ sớm, mỗi ngày đi ngủ sớm hơn tầm 30 phút để cải thiện dần. Trong trường hợp bắt buộc phải thức khuya, thì không nên thức quá 12 giờ đêm.

Nhiều người trẻ sử dụng cà phê, trà,… để giữ tỉnh táo khi thức khuya. Nhưng sau khi hết giai đoạn kích thích sẽ đến giai đoạn buồn ngủ và gây mệt mỏi hơn, bù vào lúc thần kinh căng thẳng do chất kích thích. Do đó, lạm dụng chất gây tỉnh táo ép buộc là cách làm không được khuyến khích.

"Sau một ngày hoạt động, tất cả cơ quan trong cơ thể, kể cả não bộ cần được nghỉ ngơi. Tốt nhất là ăn ngủ đúng giờ. 

Trong trường hợp có rất nhiều bài tập, công việc thì vẫn nên lựa chọn giải pháp đi ngủ sớm, ngủ lúc 22 giờ và dậy sớm hơn lúc 4,5 giờ sáng để học bài và làm việc sẽ tốt cho cơ thể hơn là thức tới 1, 2 giờ đêm để làm nốt bài tập, công việc", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung nhấn mạnh.