Học sinh trầm cảm mùa thi: Cha mẹ nên tránh tạo áp lực cho con

Đắc Quang (Tổng hợp)
15:55 - 09/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đến hẹn lại lên, cứ đến mỗi kỳ thi quan trọng, tình trạng học sinh stress, trầm cảm do áp lực lại tăng lên, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và kết quả bài làm của các em. Theo chuyên gia, để khắc phục vấn đề này, vai trò của bậc cha mẹ là rất quan trọng.

Học sinh trầm cảm mùa thi: Cha mẹ nên tránh tạo áp lực cho con - Ảnh 1.

Trước mỗi kỳ thi quan trọng, số lượng trẻ gặp stress, trầm cảm tăng lên rõ rệt. Ảnh: Internet.

Nhập viện được gần một tuần nay, áp lực thi cử khiến N.V.T có biểu hiện rối loạn lo âu quá mức, tức chỉ cần nghĩ đến kỳ thi là cậu đã hồi hộp, đánh trống ngực, dẫn đến mất ngủ. T chia sẻ: "Em lo nhiều quá nên em bị suy nhược cơ thể. Lúc nào em cũng cảm thấy mình bị đè nén".

Theo các bác sĩ, năm nào cũng vậy, cứ gần đến kỳ thi, số trẻ đến khám và điều trị liên quan đến sức khỏe tâm thần đều tăng từ 30 – 40%.

Trong một nghiên cứu năm 2019 – 2020 tại Bệnh viện Nhi Trung ương với đối tượng học sinh từ 10 – 19 tuổi, 55,6% số trẻ có sang chấn tâm lý. Trong đó, nguyên nhân từ áp lực học tập là 20%, áp lực gia đình là 20,5%, quan hệ bạn bè trong trường là 8,9%. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng stress và trầm cảm thường gặp ở các nhiều nhất là ở lứa tuổi 14 và 17. Đây là tuổi học sinh thi chuyển cấp lên trung học phổ thông và đại học.

Tiến sĩ, bác sĩ Dương Minh Tâm, Trưởng đơn vị điều trị rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe tâm thần (bệnh viện Bạch Mai) cho biết phần lớn các trẻ đến khám và điều trị trầm cảm, stress là đến từ các trường chuyên, lớp chọn. Những trẻ ngoan, có thành tích học tập khá giỏi thường có áp lực tự thân hơn là những trẻ mải chơi, áp lực vị trí trong trường lớp, hình ảnh bản thân trong gia đình, thầy cô và thường sống, suy nghĩ trách nhiệm hơn khiến trẻ nỗ lực không ngừng. Điều này khiến trẻ căng thẳng bị stress hơn, nhất là khi không đạt được kỳ vọng như mong muốn.

Học sinh trầm cảm mùa thi: Cha mẹ nên tránh tạo áp lực cho con - Ảnh 2.

Tiến sĩ, bác sĩ Dương Minh Tâm. Ảnh: Ngọc Trang.

Bác sĩ Lê Công Thiện, Trưởng phòng Điều trị tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, nguyên nhân của tình trạng trên thường là do các em chuẩn bị cho kỳ thi chưa tốt, thứ hai là do tâm lý chưa vững vàng, thứ ba là áp lực từ các nhóm khác như nhà trường, bố mẹ.

Thực tế, vẫn có những phụ huynh quan tâm nhiều đến kết quả học tập của con thay vì những khó khăn của các em, coi đó là những biểu hiện bình thường trước áp lực thi cử. Tuy nhiên đây cũng là một trong những nguyên nhân của các ca bệnh tâm thần sau kỳ thi, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.

Stress thường có diễn biến âm thầm, là kết quả của một thời gian tích tụ, dồn nén áp lực. Các phụ huynh cần quan tâm đến những biểu hiện của trẻ, nhất là trong khoảng thời gian kiểm tra, thi cử. Theo tiến sĩ Dương Minh Tâm, khi bị stress, dấu hiệu đầu tiên có thể quan sát được là hành vi tự hủy hoại bản thân (các vết thâm bầm ở tay, chân, những vết cứa ở đùi, cắn móng tay quá mức, bấm vào đầu ngón tay…). Trẻ có thể có những hành vi bất thường, trái ngược với tính cách trước kia như hung hăng hơn, chống đối hoặc tuân thủ quá mức, ăn, ngủ quá nhiều hoặc quá ít, buồn chán, giảm kết nối. Bên cạnh đó, còn có những dạng stress cơ năng như trẻ bị đau bụng, đau đầu, đau dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, tiêu chảy,…

Trước khi quá muộn, các chuyên gia cho rằng để giúp các con vượt qua khó khăn này, vai trò của phụ huynh là rất quan trọng. Cha mẹ luôn là người gần gũi với các con, nên chú ý quan sát những thay đổi từ cảm xúc, sức khỏe thể chất ăn, ngủ, sinh hoạt hằng ngày xem có gì khác thường không. Nếu tâm sự, chia sẻ sau 1 – 2 tuần mà không có thay đổi, cha mẹ nên đưa con đi gặp bác sĩ, nhà tâm lý để được can thiệp kịp thời. Đặc biệt, bậc cha mẹ cần thể hiện sự thấu hiểu và đồng hành cùng con, tránh những áp lực, khuyến khích trẻ vận động thể chất, đặc biệt chú trọng đến giấc ngủ để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp tốt nhất.

Nguồn: Tổng hợp