Người Việt đã biết quan tâm đến sức khỏe tinh thần

Thế Vinh
12:58 - 13/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đây chính là thông điệp được Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hương và Bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh nhấn mạnh trong hội thảo online "Có lẽ bạn bạn nên gặp bác sĩ tâm lý" nhân dịp ra mắt cuốn sách cùng tên của Thương hiệu sách và y học MedInsights.

Lượng người Việt gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần là con số không nhỏ

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính trên toàn cầu cứ 4 người thì có 1 người gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần. Ở thời điểm hiện nay, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm gia tăng các rối loạn tâm thần. 

Kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ hiện mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19 gia tăng đáng kể như: Rối loạn trầm cảm (31,4%), rối loạn lo âu (31,9%), rối loạn giấc ngủ (41,1%).

Tại Việt Nam hiện nay chưa có nhiều khảo sát và nghiên cứu diện rộng về sức khỏe tinh thần của người Việt, nhưng thông qua một số nghiên cứu đã được công bố và từ thực tế tham gia hỗ trợ về sức khỏe tinh thần cho đội ngũ nhân viên y tế và người dân, cũng như quá trình thực hiện điều trị lâm sàng trong hai năm qua, Tiến sĩ Mai Hương và Bác sĩ Vân Anh đều khẳng định lượng người Việt gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần là con số không nhỏ.

Về khía cạnh chăm sóc sức khỏe tinh thần, tại các nước tiên tiến trên thế giới, mức độ hiểu biết của người dân về sức khỏe tâm thần, cũng như tỷ lệ người dân sẵn sàng tìm đến sự hỗ trợ của các bác sĩ tâm lý hoặc nhà trị liệu tâm lý ở mức khá tốt. 

Sức khỏe tinh thần được coi là vấn đề quan trọng tương đương với sức khỏe thể chất và khi gặp đề về sức khỏe tinh thần, đa phần người dân sẵn sàng tìm đến sự trợ giúp, hỗ trợ từ những người có chuyên môn. Bên cạnh đó, lực lượng nhân sự chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân cũng được chú ý đào tạo.

Người Việt đã biết quan tâm đến sức khỏe tinh thần - Ảnh 1.

Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Mai Hương. Ảnh chụp màn hình

Tiến sĩ Mai Hương cho biết, tại Đức có sự phân biệt rõ ranh giới/ vai trò của bác sĩ tâm thần, bác sĩ tâm lý, nhà tâm lý… Trong một nhóm hỗ trợ cho bệnh nhân/ thân chủ luôn có 6 lực lượng tham gia bao gồm: Bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ tâm lý, nhà tâm lý, nhân viên công tác xã hội, nhà vật lý trị liệu, giáo viên giáo dục đặc biệt.

Trong khi đó tại Việt Nam, trải qua đại dịch, khi gặp những dấu hiệu khác lạ về mặt thể chất, cảm xúc, hành vi, gây ra nhiều cản trở trong sinh hoạt, học tập, làm việc; nhiều người đã chú trọng tìm kiếm thông tin và sự hỗ trợ từ các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý. 

Một số cơ quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo khá quan tâm đến sức khỏe tinh thần của học sinh. Các con được các thầy cô giáo cũng như nhà tham vấn hoặc nhân viên công tác xã hội hướng dẫn, nhận diện các vấn đề sức khỏe tinh thần của bản thân và hỗ trợ kịp thời. 

Tuy nhiên, nếu xét trên mặt bằng chung, người Việt vẫn cần được nâng cao nhận thức nhiều hơn về sức khỏe tinh thần. Vấn đề là làm sao cá nhân nhận diện được dấu hiệu về sức khỏe tâm thần và tìm cho mình các trợ giúp cần thiết.

Bác sĩ Vân Anh cũng đồng ý quan điểm này. Từ thực tế thực hành trị liệu chị cho biết vẫn tồn tại thách thức khi bệnh nhân tìm đến sự trợ giúp của những người có chuyên môn. Mặc dù khi gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần, cơ thể người bệnh báo động bằng các biểu hiện: Lo âu, ăn không ngon miệng, ngủ không ngủ được, không tập trung làm việc được… nhưng khi được khuyên đi khám tâm thần nhiều bệnh nhân vẫn từ chối điều đó. 

"Có nhiều bệnh nhân từ các khoa tiêu hóa, tim mạch, thần kinh… được chuyển đến Viện Sức khỏe tâm thần, khi được bác sĩ khám họ vẫn khăng khăng bản thân hoàn toàn bình thường không bị các bệnh về tâm thần… Nhưng khi được giải thích tâm thần là ½ khía cạnh sức khỏe của con người, cộng với hiệu quả điều trị, cuối cùng họ thì họ mới chấp nhận khía cạnh sức khỏe này của con người. Điều tích cực là những người này sau đó đã giúp lan tỏa rất tốt những kiến thức này ra cộng đồng", Bác sĩ Vân Anh chia sẻ.

Việc không phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể gây ra những hệ lụy nguy hiểm cho các cá nhân nói riêng cũng như toàn xã hội nói chung.

Tiến sĩ Mai Hương cho biết, mỗi cá nhân là một tế bào, một tiểu hệ thống… trong xã hội. Khi sức khỏe tinh thần của cá nhân không được chăm sóc kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến việc đóng góp của cá nhân cho xã hội, nhất là về mặt năng suất lao động. Thậm chí trong nhiều trường hợp việc này còn có thể gây hại cho xã hội.

BS Vân Anh cho biết: Sức khỏe tinh thần không tách rời khỏi sức khỏe thể chất. Rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra: Khi não bộ hoạt động không tốt có thể làm tăng nguy cơ khởi phát hoặc làm một số bệnh trên cơ thể trở nên nặng hơn; gây ảnh hưởng đến đời sống cũng như năng lực làm việc của mỗi cá nhân. Khi không được điều trị, bệnh sẽ tiến triển nặng và để lại nhiều hậu quả nặng nề. 

Quá trình điều trị lâm sàng, Bác sĩ Vân Anh đã gặp nhiều trường hợp tự sát ở bệnh nhân trầm cảm, bệnh nhân không nghĩ gì ngoài việc làm sao để có thể chết…

"Có lẽ bạn nên gặp bác sĩ tâm lý"

Trong bối cảnh nhận thức về sức khỏe tinh thần của người dân Việt Nam vẫn cần được nâng cao, cuốn sách "Có lẽ bạn nên gặp bác sĩ tâm lý" của tác giả kiêm nhà trị liệu tâm lý Lori Gottlieb được xuất bản tại Việt Nam, có thể giúp độc giả nói chung hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan sức khỏe tâm thần, cũng như quá trình trị liệu tâm lý, để cởi mở và sẵn sàng hơn trong việc tìm đến sự trợ giúp khi gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Với hơn 1 triệu bản in được bán ra tính đến thời điểm hiện tại, cuốn sách "Có lẽ bạn nên gặp bác sĩ tâm lý" nằm trong nhiều danh sách sách bán chạy uy tín trên thế giới như: The New York Times Best Seller, The Oprah Magazine's Best Nonfiction Book of 2019, Book Riot Most Anticipated Book of 2019…

Chia sẻ về cuốn sách, Bác sĩ Vân Anh nhận xét: Cách tác giả Lori lựa chọn các nhân vật để kể trong rất tinh tế. Như nhân vật John trải qua sang chấn tâm lý khi chiếc xe của gia đình gặp tai nạn, khiến vợ chồng ông mất đi đứa con trai bởi giây phút lơ là ngắn ngủi của ông khi cầm lái. Tai nạn này khiến cuộc sống hôn nhân của ông vô cùng ngột ngạt. Cả hai vợ chồng ông đều phải tìm đến sự hỗ trợ của các nhà trị liệu. 

Hoặc câu chuyện của một phụ nữ trẻ phát hiện ra mình bị căn bệnh ung thư chết người khi vừa cưới xong và đang mong mỏi được làm mẹ. Đây là những sang chấn tâm lý liên quan tai nạn, bệnh tật tôi thường xuyên thấy bệnh nhân của mình gặp phải trong quá trình điều trị.

Hay nhân vật người phụ nữ 70 tuổi bị con cái bỏ rơi vì sai lầm trong quá khứ, thấy cuộc đời của mình thất bại, không có bất cứ ý nghĩa, hy vọng nào; nhưng với sự đồng hành của bác sĩ tâm lý và sự thành thật, dũng cảm đối mặt với sai lầm, thương tổn của cá nhân, cuối cùng bà đã có những thay đổi tích cực trong cuộc sống của mình.

Về bản thân, tác giả chia sẻ rất thật khi mắc các triệu chứng chuyển di, một dạng bệnh lý trong tâm thần học. Tác giả đi khám tất cả các bác sĩ nổi tiếng trong thành phố, nhưng không ai có thể thể chỉ ra, gọi tên căn bệnh. Cho đến khi cô tìm gặp một nhà trị liệu tâm lý, được chỉ ra vấn đề và dần được tháo bỏ những bóng đen u ám trong cuộc đời.

Người Việt đã biết quan tâm đến sức khỏe tinh thần - Ảnh 3.

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Trịnh Thị Vân Anh. Ảnh chụp màn hình

Bác sĩ Vân Anh cho biết: "Các câu chuyện, vấn đề sức khỏe tâm thần được tác giả Lori chia sẻ rất gần gũi và tôi thường xuyên gặp ở các bệnh nhân trong quá trình điều trị. Việc đọc cuốn sách sẽ giúp độc giả nhận thấy nhận thấy những vấn đề sức khỏe tinh thần họ gặp phải không phải là cá biệt. Và việc điều trị tâm lý rất quan trọng, gần gũi, không có gì trầm trọng, to tát. Từ đó tạo ra chuyển hóa nơi bệnh nhân, giúp họ sẵn sàng tiếp cận việc điều trị, tìm đến sự giúp đỡ khi cần thiết. Bên cạnh đó, ở khía cạnh cá nhân, khi đọc cuốn sách hiểu được quy trình trị liệu tâm lý như thế nào - điều mà chúng tôi không được học trong quá trình đào tạo chuyên khoa tâm thần - khiến tôi cảm thấy rất thích thú".

Bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh
Việc điều trị tâm lý rất quan trọng, gần gũi, không có gì trầm trọng, to tát. Từ đó tạo ra chuyển hóa nơi bệnh nhân, giúp họ sẵn sàng tiếp cận việc điều trị, tìm đến sự giúp đỡ khi cần thiết

Đồng tình với nhận định của Bác sĩ Vân Anh, tuy nhiên đứng trên vai trò của một Tiến sĩ tâm lý, Tiến sĩ Mai Hương bổ sung thêm nhận xét: Song song với việc chia sẻ những câu chuyện xúc động của các bệnh nhân/ thân chủ tiêu biểu; những kiến thức cơ bản về trị liệu tâm lý cũng được tác giả Lori chia sẻ đan xen một cách dễ hiểu hợp lý trong cuốn sách "Có lẽ bạn nên gặp bác sĩ tâm lý" như: Phương pháp phân tâm học, liệu pháp hành vi, liệu pháp ý nghĩa, quy trình đi từ đau buồn đến chấp nhận nó với 5 giai đoạn, quy định về số giờ đào tạo, giám sát thực hành… 

Điều này giúp độc giả thông thường có được những hiểu biết cơ bản về trị liệu, sinh viên và những người làm việc trong chuyên ngành tâm lý thì hiểu được những kiến thức đã được học có thể ứng dụng vào thực tế như thế nào, để nhà trị liệu và thân chủ cùng nhau thấu hiểu, đi đến sự chuyển biến tích cực.

Điều đặc biệt là ở Việt Nam nhiều người hay hỏi: Nhà tâm lý có cần trợ giúp hay không, hoặc họ có thể nghi ngờ khi biết nhà tâm lý cũng cần đến sự trợ giúp; thì cuốn sách này giúp chỉ rõ nghề bác sĩ tâm thần, trị liệu tâm lý là một công việc độc hại, mặc dù sự độc hại không lượng hóa được, nên bản thân các nhà trị liệu cũng cần được trợ giúp, hỗ trợ để lấy lại được sự cân bằng. Vì vậy "Có lẽ bạn nên gặp bác sĩ tâm lý" là câu chuyện về sức khỏe tinh thần của các độc giả cũng là câu chuyện của những người làm tâm lý, giúp những người làm nghề tâm lý tìm thấy sự an ủi, thấu hiểu… một cách tinh tế.

Bác sĩ Vân Anh cho biết thêm: "Lâu nay sách tâm thần - tâm lý vẫn là một thách thức với độc giả vì nó thường chứa nhiều thuật ngữ chuyên môn. Nhưng khi đọc cuốn sách "Có lẽ bạn nên gặp bác sĩ tâm lý" tôi nhận thấy các khái niệm trị liệu tâm lý được dịch rất đúng thuật ngữ, giải thích dễ hiểu, khiến tôi thấy việc đọc rất trơn tru, không bị vấp lần nào. Đọc đến trang cuối tôi rất cảm ơn MedInsight vì đã chuyển ngữ rất sát và mượt mà cuốn sách. Với các độc giả quan tâm đến cuốn sách, tôi khuyên các bạn hãy đọc tuần tự từ đầu đến cuối, vì cuốn sách là những câu chuyện được kể theo kiểu đan xen với nhau. Và rất có thể bạn sẽ hài lòng với những thông tin mà cuốn sách mang lại giống như tôi".

Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Mai Hương tốt nghiệp ngành Tâm lý học với định hướng Tham vấn - trị liệu trẻ em và gia đình. Chị làm việc chuyên sâu trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tinh thần, tham vấn trẻ em và gia đình. Bên cạnh đó, chị cũng từng tham gia đào tạo kỹ năng cho trẻ em, bảo vệ trẻ em, tập huấn phụ huynh và giáo viên trong các dự án của Unicef và các tổ chức phi chính phủ như Worlvision, ChildFund, Save the Children… Đến nay chị đã có có 15 năm nghiên cứu, thực hành và giảng dạy trong lĩnh vực Tâm lý học và Công tác xã hội. Hiện chị là giảng viên khoa Công tác xã hội của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Trịnh Thị Vân Anh tốt nghiệp đại học và sau đại học tại trường đại học Y Hà Nội; hiện đang công tác tại Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, thuộc bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ Vân Anh đã có hơn 5 năm kinh nghiệm điều trị về Các rối loạn liên quan đến stress, rối loạn trầm cảm, lo âu; Rối loạn về giấc ngủ: mất ngủ, ngủ không ngon giấc, đau nửa đầu...; Rối loạn cảm xúc và hành vi tuổi thanh thiếu niên (nghiện chất ma túy, nghiện game...); Rối loạn tâm thần ở phụ nữ liên quan đến thời kỳ sinh đẻ, trầm cảm sau sinh.

Bình luận của bạn

Bình luận