Suy ngẫm trước mùa thi: Hãy nỗ lực "chăm bón" Thể chất, Tinh thần và Trí tuệ!

Đỗ Trung Lai
09:07 - 04/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đến một tay đấm như Muhammad Ali (tạ thế hôm 4/6/2016) còn biết: "Hãy vào đại học và kiên trì theo học! Nếu người ta đã có thể chế penicillin từ bánh mỳ mốc thì chắc chắn họ cũng có thể tạo ra một cái gì đó từ bạn".

Người Hy Lạp cổ đại khi sáng lập phong trào Olimpic, chẳng đã nhằm đến mục tiêu: "Một tinh thần khỏe mạnh trong một cơ thể khỏe mạnh" đó sao? Vậy mà khi đã được thế rồi, lại vẫn thấy là chưa đủ! Vì, Olimpic, dẫu hoàn hảo, vẫn chỉ là một phong trào thể thao, vẫn chỉ nhấn mạnh đến sức khỏe của "Thể chất" và "Tinh thần" mà thôi. 

Sự thực là, nếu chỉ cần có thế, thì nhân loại chỉ việc xây các trường dạy thể thao là đủ!

Ta hãy thử trả lời một câu hỏi phái sinh xem sao: "Trong số 10 triệu người Hy Lạp cổ đại khỏe mạnh về "Thể chất" và "Tinh thần", họ có được mấy Aristotle, Plato, Archimedes...?". 

Không cần phải nghĩ lâu, chắc ai cũng thấy: Sở dĩ Aristotle, Plato, Archimedes... trở nên vĩ đại so với 10 triệu người khỏe mạnh còn lại, là bởi các ông giàu "Trí tuệ" hơn tất cả và vì thế, các ông trở nên siêu việt.

Chắc bạn đã có thể đồng ý với tôi rằng: Con người không phải là do "đầu, mình và tứ chi" tạo ra, dù rất có thể bạn cho rằng, tôi cũng có một chút "ngụy biện" trong lập luận. Nhưng "ngụy biện" một tý để chân lý/sự thật hiện ra, không phải là cũng hay hay sao? 

Picasso chẳng từng nói: "Toàn bộ nghệ thuật là sự nói dối, nhưng đó là sự nói dối giúp tìm ra sự thật!"? Chí lý biết bao!

Đến đây thì lại xuất hiện một câu hỏi phái sinh khác: "Tìm "Trí tuệ" ở đâu". Việc trả lời ở đây, dài hơn câu trả lời thông thường một chút: Aristotle, Plato, Archimedes... từng mở trường dạy học. Ở ta, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm... đều đã làm vậy. Xưa, Khổng- Mạnh cũng y hệt thế. 

Suy ngẫm trước mùa thi đại học - Ảnh 1.

Hãy tìm trường để học. Ảnh minh họa, nguồn: gse.harvard.edu

Cho nên, hãy tìm trường để học! Đến một tay đấm như Muhammad Ali (tạ thế hôm mồng 4/6/2016) còn biết: "Hãy vào đại học và kiên trì theo học! Nếu người ta đã có thể chế penicillin từ bánh mỳ mốc thì chắc chắn họ cũng có thể tạo ra một cái gì đó từ bạn". 

Chao ôi! Chẳng lẽ bạn lại không bằng một chiếc "bánh mỳ mốc" hay sao? (vả lại, ở trường nào mà chẳng có thầy giỏi?).

Nếu không thể đến trường, thì hãy tự học từ sách, từ bạn, từ các phương tiện nghe nhìn, từ đường đời ta "đi", với một niềm tin rằng, đó cũng là những bậc thầy của bạn - chẳng có câu: "Đi một ngày đàng học một sàng khôn" đó ư? 

Tốt nhất là "đi" trên đường đời với thầy, với sách, với bạn, cùng sự khát khao tích lũy, khám phá của mình và tư duy không ngừng nghỉ/ không để phí thời gian - "Tôi tư duy tức là tôi tồn tại". Không "tồn tại", còn ai có thể bàn đến sự tiến bộ/ thành công? 

Về những việc này, tiền nhân cũng có nhiều lời khuyên rất hay, ví dụ: "Dưỡng lão khất ngôn" (Nuôi người già để xin lời), "Hãy cho tôi biết bạn anh! Tôi sẽ biết anh là người thế nào", "Chuyện của những ngọn núi với nhau khác hẳn chuyện của chào mào, sáo sậu", "Đọc kỹ một cuốn sách, có ích hơn là đọc qua loa cả trăm cuốn", "Không há miệng chờ sung", "Đi như lôi, ngồi như buộc".v.v... 

Chuyện của những ngọn núi với nhau khác hẳn chuyện của chào mào, sáo sậu

Chỉ sợ bạn chọn nhầm bạn, chọn nhầm cái để xem/đọc mà thôi. 

Vậy thì hãy lựa chọn đúng! Và, tuy không nên trì trệ, nhưng cũng đừng quá sốt ruột, đặc biệt là với những người đang ở "dưới đáy". Khi ấy, lại càng phải từ từ "leo lên từng bậc một".

Nếu bạn có thể bất chấp mọi sự rủi may để lựa chọn lối đi ấy, thành công và hạnh phúc sẽ dần tìm đến bạn. 

Nếu thành công chỉ do may mắn chứ không phải do kiên trì, nỗ lực trung thực, thì thật ra, bạn cũng chỉ "đã lên cao bằng cách đứng im tại chỗ" do đất "lồi" lên mà thôi, bạn chẳng có công lao gì!

Cuối cùng, bạn nên nhớ: Chính sự nỗ lực chiến thắng của bạn đã là một thành công rồi - "Không thành công cũng thành nhân"- Nguyễn Thái Học chẳng từng kiêu hãnh nói vậy hay sao? Và, có lẽ phải nói thêm, bản thân việc "thành nhân" đã là một "thành công" của bạn rồi. Bạn, con cháu bạn và xã hội cũng được hưởng sự "thành nhân/thành công" ấy của bạn, không nhiều thì ít.

Cho nên, thay vì chúc bạn thành công như thông thường, tôi xin chúc bạn lựa chọn đúng và luôn nỗ lực khi "chăm bón" cả ba phần của cơ thể mình: "Thể chất", "Tinh thần" và "Trí tuệ"!

Và, nếu cần một ví dụ về một người đỗ đạt nổi tiếng - cũng là một nhà thơ nổi tiếng ở nước ta - thì xin nhớ đến "Tam nguyên" (đỗ đầu cả ba khoa thi : Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình) Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Trước khi thi đỗ "Tam trường" như vậy, ông từng có những 7 lần thi... trượt! 

Vậy mà, bằng sự kiên trì của mình, ông không những "thành nhân" mà còn "thành công" trong văn học nước nhà.